Bỏ thi đầu vào lớp 6:

Phụ huynh sốt ruột, trường vẫn chưa có phương án

ANTĐ - Sau khi Bộ GD-ĐT quy định cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới bất cứ hình thức nào, nhiều địa phương đã công khai hình thức tuyển sinh mới. Tuy nhiên, thời điểm này, Hà Nội vẫn chưa đưa ra được hình thức tuyển sinh nào thay thế trong khi phụ huynh, học sinh đang rất sốt ruột.

Phụ huynh sốt ruột, trường vẫn chưa có phương án ảnh 1Học sinh Hà Nội sốt ruột chờ phương án thay thế thi tuyển vào lớp 6 chất lượng cao

Không thi thì sẽ tuyển thẳng

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, Hà Nội sẽ bước vào thời điểm căng thẳng của các kỳ chuyển cấp cho năm học mới, đặc biệt với khối lớp 6. Tuy nhiên, với yêu cầu không thi tuyển để giảm áp lực cho học sinh, đến thời điểm này, nhiều nhà quản lý giáo dục vẫn tỏ ra lúng túng.

“Chắc chắn là không thể tổ chức thi tuyển như những năm trước, vì vậy chỉ có thể thay thế  bằng tuyển thẳng những học sinh đoạt giải thành phố, quốc gia” – ông Nguyễn Ngọc Anh, Trường phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, nơi có nhiều trường THCS chất lượng cao, thu hút đông đảo học sinh dự thi các năm trước. Trước câu hỏi “hình thức tuyển sinh này liệu có đủ nguồn tuyển và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đào tạo chất lượng cao hay không”, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết, hiện mới chỉ nghĩ ra cách này. “Năm ngoái, chúng tôi tuyển thẳng được hơn 50 học sinh theo dạng này. Nếu được Sở đồng ý, Phòng GD-ĐT Cầu Giấy sẽ công bố rõ đối tượng được tuyển thẳng với quy mô mở rộng hơn năm ngoái” - ông Nguyễn Ngọc Anh nói.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho rằng, dù có dùng các hình thức thay thế khác thì trước sau cũng sẽ quay lại tình trạng ôn luyện bởi cầu lớn hơn cung nhiều lần. “Bỏ thi là phương thức quản lý đúng nhưng cần nhiều cải tiến đồng bộ. Với cách học, cách bố trí hệ thống, mô hình giáo dục bây giờ thì  với bất cứ hình thức tuyển sinh nào… thì trước sau gì phụ huynh, giáo viên cũng tìm ra cách để luyện thi cho con em mình” – ông Vũ nhận xét.

Khảo sát năng lực khách quan

Trong khi một số trường công lập phải chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT thì một số trường dân lập đã có biện pháp tuyển sinh riêng. PGS.TS. Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Khoa học - Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, Chuyên gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chia sẻ:  “Tôi nghĩ các trường THCS sẽ phải thực hiện đúng quy định của Bộ, Sở về việc không thi tuyển đầu vào lớp 6. Thay vào đó, các trường có thể xét tuyển kiểm tra năng lực đầu vào nhằm đánh giá xem học sinh có thể đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục của trường hay không thông qua các hình thức như đánh giá IQ, EQ bằng bài viết, phỏng vấn để đánh giá năng lực toàn diện của học sinh. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra năng lực đầu vào sẽ phân loại trình độ học sinh để nhà trường có chương trình, phương pháp dạy học phù hợp”.

Khi được hỏi, “với cách kiểm tra này, học sinh có phải chịu áp lực ôn luyện hay không”, PGS.TS Nguyễn Chí Thành khẳng định, cách kiểm tra này sẽ không làm phụ huynh phải lo lắng đến mức phải yêu cầu học sinh luyện thi. “Cách xét tuyển này là theo xu hướng đánh giá, xét tuyển học sinh của nhiều nền giáo dục phổ thông tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp... Ở đó, nhà trường không nhấn mạnh vào việc kiểm tra học sinh nhớ gì mà tập trung đánh giá vào việc các em biết áp dụng kiến thức vào giải quyết thực tiễn như thế nào. Ngoài ra còn có thể kiểm tra tư duy phản biện, bằng cách yêu cầu học sinh viết bài luận về một vấn đề của xã hội phù hợp với lứa tuổi của các em hay đọc hiểu một bài luận, từ đó đưa ra giải pháp cho nhân vật trong bài” - PGS.TS Nguyễn Chí Thành phân tích.

Ông Đào Thiện Khải - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội - Amsterdam đánh giá, việc cấm thi vào lớp 6 là chủ trương đúng. “Còn thi tuyển vào lớp 6 thì còn học thêm, dạy thêm và áp lực này tiếp tục đè nặng trên vai học sinh tiểu học. Vì thế, để xét tuyển mang tính công bằng cao, cần có phương án phù hợp, đánh giá, khảo sát năng lực học sinh một cách khách quan, khoa học” – ông Đào Thiện Khải phân tích. Về biện pháp trước mắt, ông Đào Thiện Khải cho rằng, nên thay thế thi Văn - Toán bằng kiểm tra tổng quát năng lực học sinh trên mọi lĩnh vực, bao gồm hiểu biết khoa học, xã hội và năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật… Tuy nhiên, về lâu dài, cần đầu tư nâng cao chất lượng dạy - học tại tất cả các trường THCS để tránh việc phụ huynh phải lo "chạy" cho con từ trường này sang trường kia. 

Cũng bàn về hướng lâu dài, ông Lê Hồng Vũ cho rằng, để đảm bảo công bằng giữa các học sinh thì không nên phân tách chất lượng cao trong hệ thống công lập mà nên đưa hình thức này vào các trường xã hội hóa. “Việc hình thành trường công lập chất lượng cao với mức thu thấp hơn dân lập đang tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt và chính là nguyên nhân khiến học sinh tiểu học phải ôn luyện để  được vào các trường này” – ông Lê Hồng Vũ nhấn mạnh.