Phụ huynh lo lạm thu, quá tải và bạo hành học đường trước ngày khai giảng năm học mới

ANTD.VN - Cả nước sẽ bước vào ngày khai giảng vào sáng mai 5-9. Náo nức có, lo lắng có khi giáo dục liên quan đến mọi nhà, mọi người. Bên cạnh những kỳ vọng, những vấn đề khiến phụ huynh đặc biệt quan tâm vẫn tập trung vào lạm thu, quá tải và bạo hành học đường.

Để đảm bảo cho ngày khai giảng hàng năm đúng với tính chất của ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, ngành giáo dục đang tích cực đầu tư, thay đổi để có khung cảnh trường lớp tốt nhất cho học sinh, giáo viên dạy và học trong năm học 2018-2019.

Nỗi lo quá tải

Tại Hà Nội, đến thời điểm này, thành phố đã xây mới được 74 trường học, bổ sung thêm 1.579 phòng học; cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học... Năm học mới 2018-2019, Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh, tăng 48 trường và gần 110.000 học sinh.

Đây chính là một trong những nỗi lo lớn của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên khi năm nay Hà Nội có số học sinh tăng mạnh ở tất cả các lớp đầu cấp. Do đó, Hà Nội phải đối mặt với tình trạng quá tải trường lớp tại một số quận huyện nơi tập trung nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc quá tải sĩ số ở một số lớp tại Hà Nội, có nơi lên đến 60-70 học sinh, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, thực tế đây là điều bất khả kháng, ngành giáo dục Thủ đô mong nhận được sự thông cảm của người dân. Giải pháp Hà Nội đưa ra là tiếp tục bổ sung lớp học, bố trí tăng cường giáo viên với những lớp quá đông.

Năm học mới kèm với nhiều nỗi lo về lạm thu, quá tải

Biến tướng lạm thu

Mặc dù nhiều trường học chưa chính thức vào năm học mới tại Hà Nội, nhưng trường Tiểu học đô thị Việt Hưng, quận Long Biên cuối tháng 8 vừa qua đã bị phụ huynh “tố” phải đóng tới vài triệu đồng/học sinh khiến dư luận bức xúc.

Sự việc đã được làm rõ, ngày 23-1-2018, UBND TP Hà Nội đã có quyết định bãi bỏ Điều 11 của Quyết định 51/2013/QĐ-UBND về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT ngày 26-7-2018 về công tác thu, chi năm học 2018-2019 cũng nêu rõ: Chấm dứt việc thu, chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường theo Điều 11 của Quyết định 51/2013/QĐ-UBND. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng GD-ĐT quận Long Biên thì Hiệu trưởng Trường Tiểu học đô thị Việt Hưng chưa kiên quyết và chưa giải thích rõ những quy định liên quan đến ủng hộ, tài trợ, dẫn đến việc các lớp thu các khoản chưa đúng quy định. Sự việc đáng tiếc này cũng là bài học chung cho tất cả trường trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, việc siết chặt quản lý về vấn đề thu chi, khắc phục tình trạng lạm thu tiền trường mỗi dịp đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố 31 số điện thoại đường dây nóng để người học, phụ huynh và nhân dân kịp thời phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định năm học 2018-2019 tại các trường trên địa bàn.

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, các trường phải chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các nhà trường để chấn chỉnh tình trạng lạm thu; có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng thực hiện thu chi không đúng quy định. 

Tiếp diễn bạo hành trẻ

Bạo hành trong trường học luôn là vấn đề nhức nhối, trong đó đáng chú ý là các vụ vừa xảy ra tại một số cơ sở mầm non ở Hà Nội, An Giang, Ninh Bình… Hầu hết các vụ việc này đều do giáo viên không kiềm chế, đánh trẻ khi trẻ không chịu ăn. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, đến ngày 15-8, cả nước có gần 310.000 giáo viên mầm non và so với định mức mà Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã thống nhất thì số giáo viên mầm non còn thiếu là khoảng 40.000 người.

Theo bà Nghĩa, giáo viên mầm non thiếu ở rất nhiều địa phương. Thống kê cho thấy, chỉ riêng tại Hà Tĩnh, giáo viên mầm non còn thiếu lên đến 800 người, khoảng 1.200 trẻ không được nhập học vì thiếu giáo viên cũng như trường lớp.

Tình trạng thiếu giáo viên mầm non được đánh giá là một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo hành trong các cơ sở mầm non nói trên. Trình độ giáo viên thấp, đào tạo, bồi dưỡng không thường xuyên cộng với quá tải công việc khiến giáo viên mắc lỗi nghiêm trọng về cả nghiệp vụ sư phạm lẫn đạo đức nghề nghiệp

Thay đổi các kỳ thi, tuyển sinh

Vấn đề thi cử cũng đang khiến người dân đặc biệt quan tâm sau hàng loạt sai phạm nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đang được điều tra, làm rõ. Câu hỏi là kỳ thi này năm học tới sẽ diễn ra như thế nào, thay đổi ra sao để không nảy sinh các vấn đề tiêu cực nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, với cả trăm nghìn học sinh chuyển từ THCS lên THPT, phương án tuyển sinh lớp 10 đang được quan tâm hàng đầu với mong muốn sớm có thông báo chính thức về hình thức tuyển sinh. Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố 3 phương án dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. 

Phương án 1 là thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư (thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) sẽ được Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3-2019. Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Phương án 3: Tổ chức thi với 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học). 

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 để sớm trình UBND TP Hà Nội phê duyệt, công bố trong học kỳ I năm học 2018-2019.

Ngay khi chốt phương án, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ ban hành đề thi minh họa để định hướng cho việc dạy và học ở các nhà trường.