Phụ huynh lại hoa mắt với các khoản chi đầu năm học

ANTĐ - Bước vào năm học mới, cũng là lúc các phụ huynh lại phải đối mặt với hàng loạt khoản chi. Ngoài các khoản học phí, bảo hiểm, quỹ lớp, quỹ trường và các khoản đóng góp theo quy định thì còn rấtnhiều khoản chi khác tưởng nhỏ nhưng cộng lại khiến ai cũng phải hoa mắt.

Phụ huynh lại hoa mắt với các khoản chi đầu năm học ảnh 1Phụ huynh đau đầu với các khoản chi đầu năm học mới cho con 

Đau đầu vì vở “đồng phục”, sách bổ trợ

“Mới đi học được vài buổi ở trường, con tôi về kê ra một loạt danh sách đồ dùng còn thiếu, trong đó có việc mua vở của trường, đồng nghĩa với việc thải loại toàn bộ số vở Hồng Hà mới tinh vừa được mấy mẹ con bọc bìa, dán nhãn xong. Hỏi ra mới biết ở trường con năm nay chỉ sử dụng vở “đồng phục” của trường. Thế là cả chục cuốn vở vốn là phần thưởng cuối năm do Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp mua tặng các con đều phải xếp xó ” - chị Phan Hải Anh, Đống Đa, Hà Nội cho biết.

“Hỏi cô giáo mới biết, nhà trường đưa ra chủ trương này là để các con khi viết cuốn vở mới sẽ có ý thức tốt hơn về hình ảnh nhà trường vì được in trên bìa vở. Nhưng theo tôi, vở viết thì dùng vở học sinh bình thường sẽ thuận tiện hơn vì nhiều phụ huynh đã chót mua sắm trước khi vào năm học và trong năm có hết vở thì cũng dễ mua cho các con”, chị Phan Hải Anh nêu ý kiến. Được biết, trung bình mỗi cuốn vở học sinh tiểu học là 8.000 đồng. Mỗi học kỳ ít nhất các con cũng phải chuẩn bị khoảng 20 cuốn vở.

Tình trạng sách giáo khoa thiếu cuốn này, cuốn kia cũng khiến các bậc phụ huynh bức xúc không kém. “Tôi không muốn đăng ký mua ở trường nhưng ngay cuối năm học trước, trường con tôi đã thông báo với lời động viên “100% học sinh đăng ký mua sách giáo khoa ở trường”. Kết quả, dù chưa kịp đóng tiền, tôi đã thấy con ôm cả một bọc sách nặng trĩu về nhà. Cứ nói sách giáo khoa rẻ chỉ 100.000-150.000 đồng nhưng nếu mua đủ bộ ở trường thì cũng hết vài trăm nghìn đồng bao gồm cả các loại sách bổ trợ, vở bài tập...”.

Vấn đề chi phí chênh lệch là một chuyện nhưng điều khiến chị Hà Kim Anh, phụ huynh trường tiểu học Pascal thắc mắc là: “Năm nay học trường mới, con tôi về phản ánh thầy dạy Tin học nói tiết học tới bạn nào thiếu sách Tin học sẽ bị phạt mà con tìm trong cả bộ sách giáo khoa của mình không có sách này. Giờ lại phải đi mua ở hiệu sách bên ngoài mà không biết phải hỏi ai” - chị Hà Kim Anh chia sẻ. 

“Mua sách như vậy rất lãng phí. Dù chi phí không nhiều nhưng lại gây ức chế cho phụ huynh vì sách thừa cũng nhiều, sách thiếu cũng nhiều. Việc đi mua thêm không dễ khi có những cuốn cháy hàng, dù giá bìa có 7.000, 8.000 đồng nhưng mua bên ngoài mấy chục nghìn cũng phải mua” - chị Kim Anh nhận xét. 

Học thêm nửa buổi đắt hơn chính khóa cả ngày

Các trường tiểu học công lập hiện chưa chính thức bước vào năm học mới, tuy nhiên, từ đầu tháng 8, hầu hết các trường đều đã khởi động với các buổi “bồi dưỡng câu lạc bộ” 3 buổi/tuần. Thực tế ai cũng hiểu đây là học thêm, ôn hè nhưng không được gọi đúng tên vì tiểu học theo quy định không được dạy thêm, học thêm văn hóa. Mức giá học thêm thường là cao hơn học chính. “Trung bình cũng mất 50.000, 70.000 đồng mỗi buổi học khoảng 2-3 tiếng, trong khi học chính khóa cả ngày, gồm cả tiền ăn, tiền bán trú… các con cũng chỉ đóng tiền bằng khaongr một tháng học thêm đó” - một phụ huynh trường tiểu học Hoàng Hoa Thám so sánh.

Tính toán trước các khoản chi đầu năm, một phụ huynh đưa ra con số tiền triệu với tiền mua sắm đầu năm học, tiền học thêm và sắp tới là các loại tiền mà chỉ đóng theo đúng quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội đã lên tới 10 mục. 

Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Viết Cẩn cho hay, theo quyết định 51 của UBND Hà Nội về thu, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì có 10 khoản cha mẹ phải đóng góp vào đầu năm học. 10 khoản thu này bao gồm: Bán trú trong các trường có tổ chức học (tiền ăn, chăm sóc và trang thiết bị); Học 2 buổi/ngày trong các trường tiểu học, trung học cơ sở; Học phẩm học sinh trong các trường mầm non; Nước uống tinh khiết; Bảo hiểm y tế; Dạy thêm, học thêm trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; Viện trợ, quà biếu, tặng cho; Tài trợ theo thông tư 29 của Bộ Giáo dục; Đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường; Quần áo đồng phục, quần áo thể thao, phù hiệu. 

Cũng theo ông Cẩn, trong đó chỉ có một số khoản thu được quy định mức trần cụ thể như chăm sóc bán trú, trang thiết bị bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm mầm non, nước uống tinh khiết, dạy thêm - học thêm trong nhà trường. Các khoản thu còn lại cộng với khá nhiều khoản phát sinh sẽ do mỗi trường, lớp tự quy định, chưa kể nhu cầu học thêm tiếng Anh, câu lạc bộ ngoài nhà trường... Với những khoản thu như trên, có rất nhiều gia đình có 2 con đi học sẽ không tránh khỏi tình trạng lao đao trong tháng 9 tới.