Phụ huynh bạo lực với con để… giải tỏa bức xúc do áp lực công việc

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, cần phải triển khai nhiều hành động để chấm dứt bạo lực trẻ em vì hệ quả để lại trong gia đình, nhà trường rất nặng nề, là tác nhân lớn gây ra lệch lạc nhân cách trẻ em. 

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở mức độ nghiêm trọng. Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho rằng, vấn đề bạo lực xâm hại trẻ em là vấn nạn toàn cầu và Châu Á Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ trẻ em bị bạo lực xâm hại cao, ngày càng gia tăng. Thủ phạm của những vụ bạo lực xảy ra trong gia đình và trường học, phần lớn là chính người thân. Các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, xảy ra ngay trong môi trường gia đình, trường học do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên hoặc bạn bè trong trường học.

Cần thay đổi tư tưởng "yêu cho roi cho vọt"

Còn theo báo cáo chuyên đề can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực thông qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 1800 1567 của Cục Trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 5-2017, trong tổng số 698 ca trẻ em bị bạo lực có tới 91,7% bị bạo lực thân thể, trẻ em từ 0-10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất chiếm 56,9%. Trong số những nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em có nguyên nhân phụ huynh bạo lực với con để giải tỏa bức xúc do áp lực công việc, cuộc sống. Điều này liên quan đến kỹ năng làm cha mẹ chưa được cung cấp đầy đủ.

Thực tế cho thấy, một số trẻ em vẫn bị cha mẹ hoặc người thân trong gia đình kỷ luật bằng roi vọt, một số thầy cô giáo cũng dùng biện pháp trừng phạt thân thể đối với trẻ em. Nhiều vụ việc đã gây sự chú ý và bất bình trong dư luận như 2 cô giáo trường mầm non không kiềm chế được cơn nóng giận mà dùng dép đánh vào đầu, kéo tai trẻ. Hay tháng 8 vừa qua, một bé trai 1 tuổi được chuyển vào bệnh viện trong tình trạng có nhiều vết bầm tím trên cơ thể. Mới nhất là vụ người giúp việc ở Hà Nam “tung hứng”, đánh đập cháu bé 1,5 tháng tuổi khiến người xem vô cùng xót xa. Nhiều bậc phụ huynh và thầy cô vẫn tin rằng đòn roi là phương pháp hiệu quả để dạy con nên người.

Bàn về vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học, PGS TS Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng, việc trẻ em bị bạo lực gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt có thể để lại những sự lệch lạc trong nhân cách của trẻ em và làm thay đổi cả cuộc đời của trẻ. Những trẻ em bị bạo lực nhiều ở gia đình thường có xu hướng gây ra bạo lực ở môi trường xã hội. Do đó, việc phòng chống bạo lực trẻ em ở gia đình cũng sẽ giúp cho phòng chống tốt bạo lực học đường.

Theo các chuyên gia, bạo lực thân thể trẻ em là vấn đề không thể được giải quyết bởi bất kì một tổ chức hay cá nhân đơn lẻ nào, mà cần sự chung sức của tất cả mọi người. Cần phải triển khai nhiều hành động để chấm dứt bạo lực trẻ em, truyền thông mang tính tích cực để mọi người hiểu rằng roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng, không im lặng trước những vụ bạo lực trẻ em sẽ có tác động tích cực đến việc thay đổi nhận thức giáo dục con của các gia đình.