Phụ gia thực phẩm độc hại tràn qua biên giới

ANTĐ - Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu thực phẩm bắt đầu tăng mạnh. Ngoài những mối lo thường trực như sự trà trộn các loại thực phẩm kém chất lượng, nhập lậu trên thị trường thì việc tràn ngập phụ gia thực phẩm độc hại cũng khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại.

Chú trọng kiểm tra từ khâu sản xuất đến kinh doanh


Tràn lan phụ gia nhập lậu

Sau các đợt kiểm tra ồ ạt chất phẩm màu công nghiệp trong hạt dưa, tương ớt hồi tháng 11 vừa qua, mới đây Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiếp tục “tấn công” vào việc kiểm tra mặt hàng ớt bột. Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ 56kg ớt bột tại một ki ốt được nhuộm phẩm màu công nghiệp độc hại. Hiện Thanh tra Sở đang điều tra để truy ngược đến nơi phân phối sản phẩm nhằm tìm ra nguồn gốc xuất xứ. Cũng trong thời gian này, đoàn thanh tra của Cục ATVSTP - Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra tại 18 quầy hàng kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm tại chợ Đồng Xuân và trên phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) phát hiện nhiều sản phẩm phụ gia thực phẩm không có nhãn mác, nhãn mác không phù hợp, phụ gia nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tại TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra 17 cơ sở trong chợ đầu mối Kim Biên cũng phát hiện nhiều sai phạm tương tự.

Hiện tại, có 274 chất phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép sử dụng trong thực phẩm, có 5 nhóm được sử dụng phổ biến gồm chất tạo màu, chất điều vị, hương liệu, chất tạo ngọt, chất tẩy trắng. Thế nhưng trong số này, phụ gia thực phẩm trong nước mới chỉ đáp ứng được một phần, đa số vẫn phải nhập khẩu. Đặc biệt, phụ gia thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến trên 30% tổng số phụ gia thực phẩm được tiêu thụ trên thị trường, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, từ năm 2009 đến nay, đã có gần 192.000 tấn phụ gia thực phẩm được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường nước ta, trong đó phát hiện 1.251 tấn phụ gia thực phẩm độc hại, không đạt, yêu cầu tái xuất. Điều đáng lo ngại hơn là lượng phụ gia nhập khẩu qua các con đường tiểu ngạch, nhập lậu chiếm tỷ lệ rất lớn và không kiểm soát được. Đó chính là lý do khiến lượng phụ gia thực phẩm độc hại ngoài danh mục cho phép vẫn tràn ngập thị trường, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện và tịch thu nhiều loại phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhận thức một đằng, thực hiện một nẻo!

Cũng theo ông Phong, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm VSATTP vẫn là vì… lợi nhuận. “Khi khảo sát đối với nhận thức của người sản xuất kinh doanh, chúng tôi nhận thấy 100% người sản xuất, kinh doanh giò chả biết quy định cấm sử dụng hàn the nhưng số vi phạm vẫn nhiều. Điều đó cho thấy giữa nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn một khoảng cách lớn” - ông Phong ví dụ. Mặt khác, vẫn còn đến 78,2% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiếu kiến thức về vỏ nhãn thực phẩm, 54% còn hiểu sai về độ tinh khiết… Đấy là chưa kể các văn bản quản lý còn nhiều kẽ hở. Đặc biệt, hoạt động thanh kiểm tra VSATTP dù được triển khai rất mạnh nhưng khâu xử lý còn nhiều yếu kém, thiếu kiên quyết.

Thống kê của Thanh tra Cục ATVSTP cho thấy, trong hơn 10 tháng đầu năm nay trên cả nước đã có hơn 22.000 lượt đoàn kiểm tra VSATTP được tổ chức, chưa kể các đợt thanh tra đột xuất giải quyết khiếu nại, tố cáo, thắc mắc. Tổng số lượt cơ sở được kiểm tra cũng lên tới 484.222 lượt. Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh thanh tra Cục ATVSTP cho biết, qua kiểm tra có gần 102.000 cơ sở vi phạm (chiếm 21%). Tuy nhiên, chỉ có 28.177 cơ sở có vi phạm bị xử lý (chiếm 27%), trong đó có gần 8.000 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt khoảng 7,6 tỷ đồng, có 4.390 cơ sở phải đình chỉ, trên 6.000 sản phẩm bị tiêu hủy… Như vậy, vẫn còn đến 73% số cơ sở có vi phạm về VSATTP không bị xử lý mà chỉ bị nhắc nhở, phê bình. Theo ông Nhiên, số này tập trung chủ yếu ở cấp xã, phường, nơi mà việc xử phạt thường không dễ thực hiện quyết liệt. Cũng trong các đợt kiểm tra này, các đoàn kiểm tra đã lấy 114.000 mẫu thực phẩm làm kiểm nghiệm, kết quả còn 18% số mẫu không đạt.

Ra quân kiểm tra thực phẩm Tết

Trao đổi với PV ANTĐ chiều 22-12, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Ban chỉ đạo VSATTP thành phố đã có công văn chỉ đạo các quận/ huyện thành lập các đoàn kiểm tra VSATTP Tết Nguyên đán 2012 và tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, báo cáo kết quả về Sở Y tế vào 15-1 tới. Ở cấp thành phố, bắt đầu từ 1-1-2012, 4 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra công tác này tại các quận/ huyện trọng điểm. Ngoài việc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, Thanh tra Sở cũng sẽ phối hợp với Chi cục ATVSTP thành phố tiến hành mua một số mẫu sản phẩm thực phẩm trên thị trường như bia-rượu-nước giải khát, bánh kẹo, mứt, hạt bí… để gửi kiểm nghiệm chất lượng và cảnh báo kịp thời tới người tiêu dùng.