Phụ gia thực phẩm độc hại: Quản ai, ai quản?

ANTĐ - Từ đầu năm đến nay, hàng chục vụ vi phạm về VSATTP liên quan đến sử dụng chất phụ gia độc hại đã được phanh phui, mới nhất là dùng “bột sắt” nhuộm thịt gà nhằm tạo màu sắc hấp dẫn. Phải chăng chính việc mua bán các chất phụ gia quá dễ dàng dẫn đến tình trạng lạm dụng nguy hiểm này?

Việc kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm không bị cấm


Vừa cho phép, vừa cấm

Ở nước ta hiện nay, việc buôn bán các hóa chất phụ gia nói chung, phụ gia thực phẩm nói riêng được luật pháp cho phép chứ chưa bao giờ bị ngăn cấm. Các luật điều chỉnh liên quan đến lĩnh vực này cũng chỉ cấm việc sử dụng các phụ gia độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm (các phụ gia nằm trong danh mục cấm) chứ không cấm người ta buôn bán, mua các loại phụ gia này. Vì thế, việc mua bán phụ gia thực phẩm dễ như… mua rau cũng là điều có thể hiểu được và hoàn toàn không vi phạm pháp luật, miễn là các cơ sở kinh doanh mặt hàng này có đăng ký đàng hoàng và bán phụ gia đúng mục đích, đúng danh mục cho phép.

Với quy định như vậy, việc mua bán các chất phụ gia quá dễ dàng là hoàn toàn dễ hiểu. Tất nhiên việc mua bán phụ gia thực phẩm cũng không hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phân tích, việc kinh doanh, mua bán hóa chất phụ gia thực phẩm cũng vẫn có những quy định quản lý chặt chẽ, chẳng hạn: phụ gia thực phẩm độc hại bị cấm, nếu bán trong các cửa hàng chuyên bán phụ gia thực phẩm thì vi phạm, hay nếu bán ở các cửa hàng hóa chất bình thường nhưng trên bao bì có ghi cho phép sử dụng trong thực phẩm hoặc người bán hàng hướng dẫn, tư vấn cho khách sử dụng trong chế biến thực phẩm thì vi phạm và phải xử lý. Tương tự, nếu người dân mua các loại phụ gia độc hại nhưng với mục đích sử dụng khác được phép, không sử dụng trong thực phẩm thì họ không vi phạm, còn khi họ sử dụng để chế biến thực phẩm thì vi phạm.

Dẫu vậy, có thể thấy ranh giới giữa việc mua bán, sử dụng các loại phụ gia độc hại vào thực phẩm là vi phạm hay không vi phạm rất mong manh và khó quản lý. Bởi muốn tránh tình trạng lạm dụng hóa chất phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm như hiện nay thì có lẽ chỉ biết trông vào… lương tâm và ý thức của người kinh doanh.


Cấm cứ cấm, bán vẫn bán

Đóng vai tiểu thương đi mua hóa chất phụ gia thực phẩm, chúng tôi tìm đến phố Hàng Buồm. Tại cửa hàng H.H, chúng tôi được chủ hàng giới thiệu đây là cơ sở chuyên kinh doanh mặt hàng phụ gia thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo quy định, đã là cơ sở chuyên kinh doanh phụ gia thực phẩm thì không được phép bán các loại phụ gia thực phẩm bị cấm, thế nhưng sự thật không hẳn như vậy. Khi tôi hỏi mua đường hóa học về làm kem, chị chủ hàng lấy ra một túi đường hóa học trắng tinh, dạng viên nhỏ như hạt đỗ, nặng khoảng 500g, không hề có nhãn mác tiếng Việt, rồi xé ra bán theo yêu cầu của khách. Một lạng đường hóa học có giá 40.000 đồng.

Theo lời hướng dẫn sử dụng thì loại đường hóa học này về rang lên rồi ngâm vào nước, 1 lạng ngâm trong khoảng 10 lít nước, khi làm kem, nấu chè hay thậm chí nấu phở, chỉ cần cho vào khoảng 3 chén nước pha đường này là ngọt bằng cả nửa cân đường trắng. Tiếp tục hỏi mua loại hương liệu tạo mùi cho thực phẩm, có vẻ nghi ngờ, chị chủ hàng trả lời chỉ bán loại dầu thơm cao cấp, chẳng hạn như 1 lít dầu chuối giá mấy trăm nghìn đồng, còn loại rẻ mấy chục nghìn đồng thì lên phố Đồng Xuân - Bắc Qua mới có bán.

Lại thâm nhập vào khu vực bán đồ khô, thực phẩm ở chợ Đồng Xuân, chúng tôi không khó để dò hỏi được thông tin nhiều cửa hàng vẫn bán các phụ gia thực phẩm bị cấm như hàn the, đường hóa học, formaldehyde… Tất nhiên, việc mua bán các loại phụ gia này diễn ra khá cẩn trọng, thường chủ cơ sở chỉ bán cho khách quen, các tiểu thương, còn nhìn mặt khách lạ là giấu biệt nên không dễ để cơ quan chức năng phát hiện.

Qua tìm hiểu được biết, 1kg gạo trắng bình thường chỉ làm được khoảng 1,6-1,8kg bánh phở, còn nếu sử dụng formol thì có thể làm được 2,3-26kg bánh phở, bánh lại có độ giòn, dai và ngon hơn, bảo quản được lâu hơn. Hay 1kg thịt lợn nếu chỉ sử dụng các phụ gia thông thường thì chỉ sản xuất được 1kg giò, chả, nhưng nếu cho hàn the vào thì có thể sản xuất được lượng giò nhiều hơn hẳn (do tạo giòn và có thể trộn thêm bột)… Với lợi nhuận cao như vậy, luật cấm cứ cấm, việc mua bán và sử dụng khó mà xóa được.