Phụ cấp thâm niên tính đổ đồng: Nhà giáo tự ái

ANTĐ - Gần 200.000 nhà giáo nghỉ hưu giai đoạn 1994-2011 đang trông chờ vào sự đãi ngộ công bằng về chế độ hưởng phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, đề xuất mới đây của Bộ GD-ĐT về cách trả trọn gói cao nhất là 3,5 triệu đồng cho hàng chục năm công tác khiến các cựu giáo chức bức xúc.

Chính sách đãi ngộ giáo viên cần có sự công bằng giữa các thế hệ. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Quá rẻ mạt và thiếu công bằng

Nếu được phê duyệt phương án trợ cấp cho cựu giáo chức chưa được hưởng phụ cấp thâm niên mới được Bộ GD-ĐT đưa ra thì những giáo viên nghỉ hưu từ 1-1-1994 đến 1-5-2011 sẽ được bù thêm một khoản duy nhất từ 2 đến 3,5 triệu đồng chia theo 3 giai đoạn. Theo đó, nhà giáo nghỉ hưu giai đoạn đầu từ 1-1994 đến 12-1998 sẽ được nhận số tiền trợ cấp thấp nhất là 2 triệu đồng/người, từ 1-1999 đến 12-2003 được hưởng 3 triệu đồng/người và giai đoạn cuối từ  1-2004 đến 5-2011 sẽ được hưởng trợ cấp 3,5 triệu đồng/người.

Cách tính này được nhiều người cho là không phù hợp. Ông Phan Thanh Tài, nguyên giáo viên trường THPT Trần Phú cho biết, dự thảo trợ cấp cho nhà giáo nghỉ hưu có nhiều vấn đề cần xem xét vì hoàn toàn không hợp lý. Vì theo cách hiểu thông thường, người có thời gian công tác trong nghề giáo càng lâu năm họ phải được ưu tiên cho hưởng trước. Trong khi ở đây những người về hưu trước lại được hưởng trợ cấp thấp hơn những người về hưu sau. “Với một nhà giáo có gần 30 năm công tác nhưng về hưu đúng giai đoạn bị bãi bỏ chế độ hưởng phụ cấp thâm niên thì nay sẽ cảm thấy thế nào khi nhận được số tiền vỏn vẹn 2 triệu đồng cho từng đấy năm công tác” - ông Tài tâm sự.

Theo ông Phan Thanh Tài, việc ban hành một chế độ chính sách cần hết sức thận trọng, phải tạo ra sự công bằng giữa đóng góp và hưởng thụ giữa các thế hệ nhà giáo, nếu không chuẩn xác nó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến công bằng xã hội và đời sống của không ít cựu giáo chức.

Đánh vào lòng tự ái

Phụ cấp thâm niên cho giáo viên đã được duy trì đến năm 1993 và đến tháng 5-2011 mới được khôi phục. Điều này khiến Hội Cựu giáo chức Việt Nam phải yêu cầu bổ sung phụ cấp thâm niên cho những nhà giáo về hưu từ 1-1-1994 đến 1-5-2011. Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Đời sống Hội cựu giáo chức Việt Nam thì 1 triệu nhà giáo đang đứng trên bục giảng phấn khởi vì được hưởng phụ cấp thâm niên nhưng gần 200.000 nhà giáo đã về hưu sẽ thiệt thòi vì không được hưởng chế độ này.

Vấn đề đặt ra là cùng có hàng chục năm công tác nhưng giáo viên đang trực tiếp giảng dạy thì tính theo năm công tác và số tiền đó rất nhiều. Trong khi đó người về hưu lại chỉ được hưởng số tiền phụ cấp quá thấp.  “Giáo viên đứng lớp thì có trợ cấp đứng lớp, điều này không so sánh nhưng chế độ thâm niên thì giáo viên đương chức hay nghỉ hưu thì đều phải được hưởng ngang bằng” - ông Phương nêu ý kiến.

GS. Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam tỏ ra khá bất bình. Theo Giáo sư, những lần soạn thảo dự thảo trước đều có đại diện của Hội Cựu giáo chức, và công thức được đưa ra để tính phụ cấp là số năm dạy học + hệ số K. Tuy nhiên, với dự thảo Bộ mới công bố này thì ông hoàn toàn không hay biết, không được thảo luận. “Nếu phụ cấp kiểu này thì chỉ bằng phụ cấp thâm niên 1 tháng của người đang giảng dạy. Nếu định phụ cấp như thế thì Hội Cựu giáo chức Việt Nam sẽ đề nghị thôi không phải thực hiện nữa, sẽ không ai nhận kiểu phụ cấp này đâu. Đây là sự không công bằng” - GS. Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.