Phớt lờ hiểm họa

ANTĐ - Cháy nổ do san chiết gas trái phép từ bình 12kg sang bình du lịch (bình gas mini), gần như tháng nào cũng xảy ra, đi kèm với những mất mát lớn về người và tài sản. Trước vụ nổ khí gas ở Bình Dương ngày 7-4, làm 1 người chết, gần 20 người khác bị thương, cuối tháng  2-2012, một vụ việc tương tự cũng xảy ra ở TP Cà Mau, làm 3 người chết, 2 người bị thương. 

Đa số người dùng bình gas mini hiện nay biết việc không nên tái sử dụng vỏ bình gas loại này để phòng nổ, nhưng do đây chỉ là khuyến cáo của nhà sản xuất, không quy định trong luật nên một bộ phận vẫn phớt lờ. Chế tài cho phép lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, phát hiện, thu giữ những bình gas mini tái sử dụng, không đảm bảo chất lượng, nhưng lại không quy định thu xong sẽ tiêu hủy ra sao cho an toàn. Người san chiết trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng quy định hiện nay “quên” hình thức tăng nặng với những trường hợp tái phạm... Đó là hàng loạt những bất cập, tồn tại chưa được tháo gỡ bao năm nay, khiến tình trạng san chiết gas trái phép tiếp tục tái diễn. Vậy các lực lượng đóng vai trò chủ công trong phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm trên đang làm gì? 

Đầu tiên là cơ quan quản lý thị trường. Ở rất nhiều chợ lớn nhỏ… không khó để người dân bắt gặp những “đại lý” thu đổi bình gas mini, công khai chào bán hàng không đảm bảo an toàn, nhưng lực lượng này lâu nay chưa có động thái quyết liệt nào để ngăn chặn, loại trừ, hoặc phối hợp với chính quyền cơ sở ra quân xử lý dứt điểm. Tiếp đến là cơ quan PCCC. Thông thường, cơ quan này chỉ đến kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas, khi đã hẹn với đại lý trước 3 ngày. Quy định này vô hình trung “giúp” các cơ sở vi phạm xóa dấu vết hiện trường. Việc kiểm tra đột xuất của lực lượng chuyên trách có lẽ vì thế rất ít làm. 

Toàn miền Bắc hiện không có doanh nghiệp nào đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, san chiết nạp bình gas du lịch, nên các bình lưu hành trên thị trường dĩ nhiên không đảm bảo. Cứ xem lượng tiêu thụ loại bình này ở các quán ăn, phòng trọ bình dân, sẽ “đo” được mức độ chủ quan của người sử dụng, sự bị động, thiếu trách nhiệm của lực lượng chức năng trong việc phòng ngừa mối hiểm họa chết người này.