“Phớt lờ” hay “có điều kiện”

ANTĐ - Những ngày đầu năm này, đi đến địa điểm công cộng, khu di tích, thắng cảnh nào, người dân cũng bức xúc về tình trạng “phá giá” trông giữ xe máy, ô tô.

Đơn cử như quy định của thành phố về mức giá trông giữ là 2.000 đồng đối với xe máy, song khi “xuống đến dân”, giá trông giữ bị đẩy lên gấp 200, thậm chí 300%. Đa phần người dân đều không muốn phản ứng mạnh, bởi ngại đầu năm đã cãi vã. Số ít còn lại, dù muốn phản ứng cũng không thể, bởi sẽ gặp ngay thái độ xửng cồ của “nhà” trông xe. Không quá để nói rằng, không dưới 90% các điểm trông giữ xe trong dịp từ tết đến nay, ngang nhiên vi phạm về mức giá trông giữ.

Câu hỏi đặt ra là, lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở có biết đến những vi phạm này không? Chắc chắn là biết, bởi điểm trông giữ xe không thể “bé như con kiến”. Thế nhưng biết là một chuyện, xử lý hay không là chuyện khác. Mới đây truyền hình phản ánh một điểm trông giữ xe vi phạm ngay sát trụ sở một cơ quan cấp phường, tại địa bàn Láng Hạ, quận Đống Đa. Thế nhưng khi bị chất vấn, vị lãnh đạo phường vẫn “hồn nhiên”: cán bộ cấp dưới chưa báo cáo nên lãnh đạo chưa nắm được! Vi phạm ở những điểm trông giữ xe có thể nảy sinh, kéo dài và trở nên phức tạp chính là do trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Hoặc do quá quan liêu, thiếu sâu sát; hoặc do chính quyền cơ sở đã “bắt tay”, “tạo điều kiện” cho vi phạm tồn tại. Lẽ dĩ nhiên, sự tồn tại ấy phải có “điều kiện” kèm theo (?!)

Rất nhiều lần trong những đợt ra quân hay chủ trương chấn chỉnh trông giữ các điểm trông giữ xe máy, ô tô, thành phố đều nhấn mạnh một ý: để xảy ra vi phạm, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ tịch UBND quận, huyện. Việc xác định trách nhiệm này là hết sức đúng đắn, bởi quận, huyện có đủ thẩm quyền để xử phạt và có đủ lực lượng để phát hiện, xử lý những vi phạm về trông giữ xe nói riêng. Thế nhưng, xác định trách nhiệm là vậy, khi vi phạm “lòi” ra, chưa thấy vị “quan” quận, huyện nào bị “sờ” đến trách nhiệm. Biện pháp mạnh nhất vẫn chỉ là phạt hành chính đối với chủ cơ sở trông giữ xe, rồi… cho tồn tại. Cơ chế trách nhiệm không được thực thi rốt ráo; sự “phớt lờ” cho vi phạm tồn tại, đó chính là những nguyên nhân đã và đang khiến tình trạng vi phạm về giá của các điểm trông giữ trở thành “mãn tính”.