Phóng vệ tinh VINASAT-2: Việt Nam khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian

ANTĐ - Việc phóng vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 đã thể hiện ý chí quyết tâm và khát vọng chinh phục đỉnh cao công nghệ của Việt Nam.

Vào lúc 5h13’ sáng nay 16/5 (theo giờ Việt Nam), vệ tinh VINASAT- 2 được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông bằng tên lửa Arian 5 của Công ty Vận tải hàng không vũ trụ châu Âu Arianespace từ bãi phóng Kouru ở Guyana (Nam Mỹ). Đây cũng là nơi đã phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 năm 2008. Đồng hành với vệ tinh VINASAT-2 trong lần phóng này còn có vệ tinh JCSAT-13 của Nhật Bản.

Phóng vệ tinh VINASAT-2: Việt Nam khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian  ảnh 1

Đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội) đã hoàn thành lắp đặt và sẵn sàng tiếp nhận việc điều khiển vệ tinh

Sau hơn 4 năm phóng vệ tinh VINASAT-1, đến thời điểm này, vệ tinh VINASAT- 2 sẵn sàng lên bệ phóng. Mặc dù cả hai vệ tinh đều không phải do Việt Nam sản xuất, mà do đối tác nước ngoài chế tạo và phóng ở địa phận quốc tế, nhưng việc phóng vệ tinh đã thể hiện ý chí quyết tâm và khát vọng chinh phục đỉnh cao công nghệ của những người dân Việt Nam.

Theo ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT)- đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư vệ tinh VINASAT-2 cho biết: Việc phóng vệ tinh VINASAT-2 nhằm hướng đến mục tiêu chiến lược của quốc gia về tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực. Bên cạnh đó là Việt Nam muốn khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số và quỹ đạo vệ tinh đã đăng ký tại vị trí 131,8 độ Đông, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên quỹ đạo vệ tinh đã được Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) phân bổ cho Việt Nam.

Vệ tinh VINASAT-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 24 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku, VINASAT-2 có khả năng phủ sóng Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar. Dung lượng truyền dẫn của VINASAT- 2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.

Trong lần phóng vệ tinh này, Việt Nam tiếp tục chọn nhà thầu Arianespace và Lockheed Martin cho dự án phóng vệ tinh VINASAT-2.

VINASAT-2 có tổng kinh phí khoảng 260 - 280 triệu USD. Trong đó, vốn của VNPT là 20%, còn lại 80% là nguồn vốn vay của ngân hàng trong nước và vốn vay nước ngoài.

Phóng vệ tinh VINASAT-2: Việt Nam khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian  ảnh 2

Đối tác Lockheed Martin đã hoàn thành việc lắp đặt vệ tinh Vinasat-2, chờ ngày lên bệ phóng (Ảnh: Lockheed Martin)
Sau khi vệ tinh được phóng thành công vào quỹ đạo, dự kiến đến khoảng tháng 6/2012, VINASAT-2 sẽ chính thức đưa vào sử dụng. VNPT dự kiến sẽ khai thác khoảng 30% dung lượng của vệ tinh VINASAT-2. Ngoài ra, VNPT sẽ mở rộng mạng lưới khách hàng khai thác sử dụng vệ tinh VINASAT-2 trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

VINASAT-2 cũng được thiết kế nhằm phục vụ một cách thiết thực, hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế Biển của Việt Nam. Dự kiến, khả năng thu hồi vốn của vệ tinh này tương tự như VINASAT- 1 là khoảng 10 năm.

VINASAT-2 sẽ cùng với VINASAT-1 đem lại lợi ích lớn

Còn nhớ, cách đây hơn 4 năm, vào thời điểm 5h17’ sáng ngày 19/4/2008 đã trở thành mốc son đáng nhớ trong lịch sử viễn thông Việt Nam khi vệ tinh VINASAT-1 được phóng thành công vào quỹ đạo 132 độ Đông. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có tên trên bản đồ vệ tinh không gian thế giới, sở hữu vệ tinh viễn thông riêng của mình.

Khi những tín hiệu sóng đầu tiên của vệ tinh VINASAT-1 được phủ sóng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và cả quốc tế vào ngày 22/5/2008, VINASAT-1 không còn là một “vật thể bay vô tri” nữa mà nó ẩn chứa trong mình một tinh thần Việt mang niềm tự hào của dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới.

Ngay sau khi vệ tinh VINASAT-1 được phóng thành công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Đây là một sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. VINASAT-1 là cầu nối truyền thông và hợp tác quốc tế quan trọng của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và toàn thế giới, đưa viễn thông Việt Nam lên một tầm cao mới”.

Bên cạnh việc khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trên không gian, VINASAT-1 đi vào hoạt động đã và đang góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, truyền thông của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ viễn thông, CNTT, phát thanh, truyền hình của Việt Nam.

Ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI), đơn vị được VNPT giao vận hành và khai thác VINASAT-1 cho biết, với vùng phủ sóng là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar, quả vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam đã được khai thác rất thành công.

Chỉ sau gần 1 năm khai thác, 70% dung lượng vệ tinh VINASAT -1 đã được sử dụng, đáp ứng hiệu quả cho nhu cầu phủ sóng thông tin liên lạc và phát triển lĩnh vực phát thanh - truyền hình, đặc biệt là tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Hiện nay, tới 150 kênh truyền hình tiêu chuẩn HD, SD, các mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, mạng viễn thông công ích… sử dụng vệ tinh VINASAT -1.

Tới nay, 90% dung lượng VINASAT-1 đã được sử dụng và đang đảm bảo cung cấp các dịch vụ truyền hình, truyền dữ liệu, truyền dẫn, thoại và Internet… Riêng năm 2012, doanh thu từ VINASAT-1 là 250 tỷ đồng, chưa tính đến khoảng 30% băng tần của vệ tinh do VNPT và các đơn vị thành viên sử dụng. Với mức doanh thu này, VINASAT-1 dự kiến có thể thu hồi vốn sau 10 năm khai thác trong khi tuổi đời tối thiểu của vệ tinh là 15 năm.

Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng của VNPT cho rằng: Chất lượng vùng phủ sóng của VINASAT-1 được khách hàng đánh giá cao, rất nhiều doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng công nghệ mới cho phép tiết kiệm phổ tần, nâng cao hiệu suất sử dụng dung lượng vệ tinh.

Hiện nay, hai Đài điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội) và Bình Dương đã hoàn thành công tác chuẩn bị và sẵn sàng tiếp nhận, quản lý vệ tinh VINASAT-2.

Cùng với VINASAT-1, VINASAT-2 sẽ tạo thành một hệ thống các vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, tin cậy và ổn định trong quá trình cung cấp dung lượng vệ tinh cho khách hàng. Bên cạnh đó là củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, đồng thời đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.