Phòng vệ chính đáng hay là phạm tội khi đâm chết kẻ đang hiếp dâm mình?

ANTD.VN - Tại nhà chị Vàng Thị M (SN 1995) có tổ chức ăn cơm, uống rượu, mời anh em trong gia đình đến tham dự. Vốn là hàng xóm thân thiết, chồng chị M có sang mời Thào Dương H (SN 1990) đến chung vui. Sau khi ăn uống, H thấy chị M đang dọn dẹp nhà cửa, không có ai xung quanh, nên nảy ra ý định quan hệ tình dục, tuy nhiên bị người phụ nữ này từ chối. 

Nội dung vụ việc

Vì ham muốn nên H tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại bằng cách đã lấy con dao trong bếp để đe dọa M. Trong lúc vật lộn, chị M giật được con dao và đâm trúng đùi trái của H. Sau đó, người phụ nữ này vội vàng tri hô và gọi người đưa H đi cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương làm đứt 2 động mạch nên H đã tử vong. Chị M sau đó đã gọi điện cho công an xã để tự thú.

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này Vàng Thị M đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội Cố ý gây thương tích

Theo tôi, trong vụ việc này Vàng Thị M đã phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Việc Thào Dương H sau khi uống rượu có hành vi đòi quan hệ tình dục với chị M thì chị M chống trả lại là cần thiết. Tuy nhiên, H mới chỉ dừng lại ở mức độ đe dọa chứ chưa thực hiện được hành vi hiếp dâm đối với M. Do đó việc M dùng dao đâm H sau đó dẫn đến cái chết của H là sự chống trả quá mức cần thiết. Hành vi của M dù không cố ý giết người nhưng rõ ràng là cố ý gây thương tích và hậu quả là làm H bị chết. Do vậy theo tôi cần xử lý M về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Tuy nhiên, cũng cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho M do đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Vũ Quang Hùng (Sóc Sơn - Hà Nội)

Phạm tội trong trường hợp bị kích động

Tôi cho rằng, trong trường hợp này chị Vàng Thị M đã phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Sau khi ăn uống, Thào Dương H nảy ra ý định quan hệ tình dục với chị M nhưng đã bị từ chối. Vì ham muốn nên H đã lấy con dao trong bếp để đe dọa M. Trong lúc vật lộn, M đã giật được con dao và đâm trúng đùi trái của H. Rõ ràng do bị H hiếp dâm nên chị M rơi vào trạng thái hoảng loạn, bị kích động về mặt thần kinh. Trong trạng thái đó, khi cướp được dao chị M đã đâm lại H cũng là điều dễ hiểu. Do đó theo tôi nên xem xét hành vi của chị M cũng cần phải lưu ý tới yếu tố trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của chị.

Nguyễn Thị An (Hội An - Quảng Nam)

Phòng vệ chính đáng

Theo tôi, trong trường hợp này không có tội phạm xảy ra vì hành vi của chị Vàng Thị M là phòng vệ chính đáng. Theo quy định của pháp luật, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác, hoặc lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Chị M đã bị H hiếp dâm, đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, sức khoẻ của chị. Do đó việc chị M chống trả lại là cần thiết. Việc H bị chết trong quá trình chống trả của chị M, theo tôi là nằm ngoài ý muốn chủ quan của chị. Do chị M phòng vệ chính đáng nên không phạm tội.

Hoàng Đình Toan (Hồng Bàng - Hải Phòng)

Bình luận của luật sư

Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Hành vi của Thào Dương H đã xâm hại đến nhân phẩm, sức khỏe của chị Vàng Thị M. H đã sử dụng hung khí nguy hiểm, đe dọa chị M nhằm mục đích giao cấu trái ý muốn, đã cấu thành tội Hiếp dâm. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 141, Bộ luật Hình sự 2015. Tội Hiếp dâm là loại tội phạm có cấu thành hình thức nên chỉ cần đối tượng có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hay các thủ đoạn khác nhằm mục đích giao cấu mà chưa cần phải giao cấu được thì đã cấu thành tội. Căn cứ vào nội dung vụ việc có thể thấy, hành vi của H đã cấu thành tội Hiếp dâm nên hành động chống trả gây thương tích hoặc kể cả chết người của chị M cũng được xem là phòng vệ chính đáng.

Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ đủ các yếu tố: 

Thứ nhất, về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm). Trong tình huống của bạn, người kia sau khi đánh ngã bạn vẫn có ý định tấn công tiếp, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của bạn.

Thứ hai, về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe về cho người có hành vi xâm phạm. Người kia gây tổn hại về sức khỏe cho bạn và sau đó bạn cũng gây tổn hại về sức khỏe lại cho người đó.

Thứ ba, hành vi chống trả là cần thiết. Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi ích của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Mặc dù mức thương tích bạn gây ra cho người kia lớn hơn mức thương tích bạn phải chịu nhưng điều này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe đang bị đe dọa của mình.

Trở lại vụ việc này có thể thấy M là người phụ nữ dân tộc, hiền lành, nhân thân chưa tiền án, tiền sự. Hành vi của đối tượng H sử dụng hung khí nguy hiểm để đe dọa cưỡng hiếp thì việc chống trả gây thương tích dẫn đến tử vong là có căn cứ để xem xét đó là trường hợp thuộc phòng vệ chính đáng. Bởi kẻ cầm dao là H với mục đích khống chế chị M nhằm cưỡng hiếp. Lúc này, sự đe dọa đến tính mạng và xâm hại thân thể từ hành vi của H là rất rõ ràng.

Nếu không có sự chống cự thì chị M có thể bị tổn hại sức khỏe và thân thể lẫn nhân phẩm. Với sự đe dọa thương tích từ con dao do H thực hiện là tức thời và hoàn toàn có thể xảy ra nên sự chống cự của chị M là phù hợp. Chị M giành dao rồi trong lúc vật lộn mà gây ra thương tích cho H ở đùi. Cái chết của H là do mất máu, tức là không được cấp cứu kịp thời chứ không phải là hậu quả tức thời của hành động từ chị M như đâm vào chỗ trọng yếu. Ở đây cũng cần nói thêm, H là đàn ông nên khỏe hơn, lại khống chế M bằng dao nên sự đe dọa xâm hại ấy là rất nghiêm trọng, làm cho M ý thức được cần phải tự bảo vệ bản thân là cao độ.

Trong vụ việc này, hành vi của chị M không phải là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bởi nếu ngay khi cướp được dao của H, lập tức M đâm thẳng vào tim, ngực hoặc đầu nạn nhân nhiều nhát thì có thể là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, còn đâm vào đùi là sự chống trả cần thiết. Việc lưỡi dao đi đúng động mạch là do không cố ý. Bởi vậy, hành vi M được hiểu là tương xứng với hành vi nguy hiểm của nạn nhân, vì vậy hành vi của M không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Có thể thấy, trước việc bị người khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, chúng ta cần hết sức bình tĩnh để có giải pháp xử trí phù hợp. Sẽ không có một đáp án nào chung cho mọi trường hợp mà mỗi người trong cuộc phải tự tìm cho mình một giải pháp phù hợp. Mỗi tình huống, mỗi vụ việc sẽ có cách xử trí riêng. Tuy nhiên, một nguyên tắc mà mọi người cần nhớ, đó là khi tự vệ thì biện pháp mà chúng ta dự định sẽ thực hiện đã là lựa chọn tốt nhất hay chưa? Còn lựa chọn nào tốt hơn và phù hợp với quy định của pháp luật hơn không?

Nếu còn lựa chọn khác tốt hơn thì phải xử sự theo lựa chọn đó. Tất nhiên, trong tình huống bị động, bất ngờ thì việc lựa chọn một cách xử sự đúng là điều vô cùng khó khăn. Một nguyên tắc nữa mà chúng ta nên nhớ là pháp luật khuyến khích mọi công dân có những hành vi dũng cảm ngăn chặn hành vi trái pháp luật của người khác để giảm bớt thiệt hại có thể xảy ra.

Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều trường hợp hành vi chống trả đã vượt quá mức cần thiết. Nhưng đặt trong vụ án cụ thể, xem xét nguyên nhân, tương quan lực lượng… pháp luật vẫn coi là phòng vệ chính đáng mà không bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngoài ra, pháp luật còn xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác để khoan hồng cho người đã có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng Văn phòng luật sư Hùng Mạnh