Phòng và xử trí sốt xuất huyết đối với trẻ nhỏ như thế nào cho đúng

ANTD.VN - Dịch sốt xuất huyết hiện đang bùng phát tại tỉnh Quảng Nam với những diễn biến phức tạp. Đây là căn bệnh cấp tính có thể xảy ra với bất kỳ ai, song trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần nằm rõ cách thức phòng ngừa và xử trí khi trẻ bị nhiễm bệnh.

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút Dengue gây nên bệnh lây theo đường máu. Trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Bệnh này phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể diễn biến nặng, gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Hiện tại chưa có thuốc đặc trị, nên phòng bệnh là giải pháp tốt nhất.

Clip: 5 dấu hiệu sốt xuất huyết cần đi viện ngay lập tức. Nguồn: ANTV

Cách phòng bệnh

-Cần cho trẻ mặc quần áo dài tay lúc vui chơi, mắc màn khi ngủ. Không nên để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc.

-Đậy kín các lu, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, thay nước bình bông mỗi ngày. Đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi.

Dọn sạch nhà cửa và đậy kín các lu chứa nước để không tạo điều kiện cho muỗi phát triển

- Sử dụng một số biện pháp diệt muỗi như: bình xịt, thắp hương muỗi, phun thuốc chống muỗi..

Xử trí khi bị sốt xuất huyết

Sau khi bị muỗi đốt 7-10 ngày, trẻ bắt đầu có triệu chứng, biểu hiện của sốt xuất huyết, thể hiện rõ qua 3 giai đoạn tiến triển bệnh:

Giai đoạn đầu:

 Triệu chứng điển hình ở giai đoạn này là sốt. Thân nhiệt bé tăng nhanh lên 39-40 độ C kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, đau khớp, đau đầu, chán ăn, nôn, buồn nôn. Sau sốt 2-3 ngày, trẻ có thể xuất huyết dưới da, niêm mạc và nội tạng.

Sốt cao và xuất huyết dưới da là một trong những biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết 

Giai đoạn này xét nghiệm máu thì dung tích hồng cầu (Hematocrit) thường là trị số bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần, số lượng bạch cầu thường giảm.

Giai đoạn nguy cấp:

 Trẻ rơi vào giai đoạn này khi bệnh đã diễn tiến từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6. Trẻ có thể có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài 24 - 48 giờ, có thể tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to.

Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt; chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Ở giai đoạn này, nếu trẻ không được chữa trị kịp thời, tình trạng xuất huyết nghiêm trọng và trụy tim mạch xuất hiện rất dễ khiến trẻ tử vong.

Giai đoạn hồi phục

Đến giai đoạn phục hồi, sau giai đoạn nguy hiểm 48 - 72 giờ, trẻ hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều; xét nghiệm máu số lượng bạch cầu máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt, số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường, nhưng muộn hơn so với số lượng bạch cầu.

Hầu hết trẻ sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Cha mẹ cần chú ý bù nước cho trẻ bằng nước sôi để nguội, nước trái cây hoặc nước cháo loãng với muối, tốt nhất là oresol. Trẻ đang sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, cha mẹ không được tự ý truyền nước để tránh gây sốc, nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu sốt cao trên 38,5 độ C, bé cần uống thuốc hạ sốt chứa paracetamol (tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ), phụ huynh tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây xuất huyết. Nếu thân nhiệt của bé vẫn không hạ, thì có thể nới lỏng quần áo, lau mát hoặc nằm phòng điều hòa 27-28 độ C.

Các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ. Phụ huynh không nên cho bé dùng thực phẩm có màu đen hoặc đỏ sẫm như thanh long, dưa hấu, củ dền… để tránh trường hợp trẻ đi ngoài phân đen hoặc đỏ, gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa. Trẻ cần được nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong giai đoạn sốt để tránh xuất huyết nặng.

Nên cho trẻ nhập viện ngay nếu trong quá trình theo dõi trẻ có một trong các dấu hiệu: sốt quá cao, xuất huyết lan rộng, chảy máu cam, chảy máu chân răng; tay - chân lạnh, trẻ đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã, đau bụng dữ dội, da trẻ đổi màu.  

Tại bệnh viện bác sĩ sẽ xét nghiệm máu, đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa gồm phù nề, tràn dịch, gan to, tiểu cầu giảm để xác định trẻ bệnh nặng. Nếu được điều trị hợp lý, trẻ sẽ dần hồi phục, chân tay ấm lên, ra mồ hôi, mạch và huyết áp ổn định dần, lượng nước tiểu nhiều hơn, tỉnh táo, bắt đầu ăn ngon miệng và sinh hoạt bình thường.

Phải cho nhập viện ngay nếu trẻ bị sốt cao, xuất huyết lan rộng và chảy máu cam

Do bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em có biểu hiện đa dạng và phức tạp, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng, nên bậc cha mẹ cần quan tâm để phát hiện bệnh sớm, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.