Phòng từ gốc, chống đến cùng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, tiêu cực (Bài 4): Thiết chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực chống tham nhũng, tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có thể nói tiêu cực của những người có chức, có quyền là gốc “đẻ” ra tham nhũng. Tham nhũng và tiêu cực luôn gắn liền nhau. Bởi thế, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa”.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xem xét và đề ra các biện pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xem xét và đề ra các biện pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

>>> Bài 1: Bằng mọi cách phải loại bỏ tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền

>>> Bài 2: Cuộc chiến không khoan nhượng

>>> Bài 3: “Virus” tham nhũng, tiêu cực diễn biến tinh vi, phức tạp

Nhìn thẳng trực diện, đánh giá đúng sự thật

Một trong những nội dung quan trọng được xem xét, thảo luận tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 4 đến 7-10-2021 tại Thủ đô Hà Nội là tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở thành nội dung quan trọng trong 3 Hội nghị lần thứ tư của 3 khóa Ban chấp hành Trung ương liên tiếp từ khóa XI đến khóa XIII. Tính cấp thiết và sự quan trọng được đề cập cho thấy sự kiên trì và cũng là quyết tâm của Đảng ta trong việc làm trong sạch, nâng cao sức chiến đấu, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ.

Xuyên suốt kể từ khi trở thành một đảng cầm quyền, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác này càng đặc biệt được coi trọng khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển tại Việt Nam; tiền bạc, vật chất ngày càng trở thành cám dỗ không dễ vượt qua với những người có chức vụ, quyền lực bị suy thoái về đạo đức, lối sống, sa đà vào chủ nghĩa cá nhân, nhu cầu hưởng thụ của bản thân và gia đình.

Từ Đại hội lần thứ VIII của Đảng đến nay, mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều đề ra những nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, cùng với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội. Các đánh giá về tình hình tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội từ đó đến nay đều thể hiện tình trạng này diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài.

Văn kiện Đại hội IX đánh giá: “Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng”. Đại hội X nhìn nhận: “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”.

Đại hội XI cho rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Đại hội XII thẳng thắn nhìn nhận: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”; “có mặt còn diễn biến phức tạp hơn”.

Trong đánh giá của Văn kiện Đại hội XIII, một số biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng mới nổi lên được nhận diện, nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”; “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”.

Trong khi đó, kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong các nhiệm kỳ Đại hội gần đây cho thấy rõ hơn những nhìn nhận, đánh giá trên đây. Chỉ tính riêng trong nhiệm Đại hội XII đã có hơn 87.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó số đảng viên sai phạm có liên quan tới tham nhũng chiếm tỷ lệ khá lớn: 14% đảng viên thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; 6,76% đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống; 8,54% đảng viên vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản…

Trong số hơn 110 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật ở nhiệm kỳ này có 48% vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; 40% thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; 14,5% vi phạm về công tác tổ chức cán bộ; 27% vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản; 5,4% vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương… Trong đó, số đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng là hơn 3.200 người, chiếm 3,7%.

Các bị can trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí thuộc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM

Các bị can trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí thuộc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM

Đề ra giải pháp đột phá chống tham nhũng, tiêu cực

Tham nhũng là một hiện tượng tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, có Nhà nước. Bởi tham nhũng luôn luôn gắn với quyền lực Nhà nước; một số người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước đã lợi dụng quyền lực Nhà nước để tham nhũng, nhằm thu về những lợi ích cho bản thân mình, cho gia đình hoặc cho người thân mình.

Nhiều nguyên lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội bị khởi tố trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh

Nhiều nguyên lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội bị khởi tố trong việc thực hiện đấu thầu

mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh

Đảng ta nhìn nhận, tham nhũng là một hiện tượng xấu cho xã hội, nó gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước. Tham nhũng làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước. Tham nhũng còn làm cho bộ máy Nhà nước hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí làm mục ruỗng bộ máy Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của đất nước, của chế độ. Tham nhũng gây mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Đảng ta khẳng định, tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế cho thấy tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau. Tiêu cực và tham nhũng luôn “gắn, dính” với nhau. Tham nhũng là “bộ phận đặc biệt của tiêu cực”. Tiêu cực dung dưỡng cho tham nhũng và tham nhũng làm trầm trọng hơn những vấn đề tiêu cực.

Trong khi đó, tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng có nhiều nhưng nguyên nhân cơ bản, trực tiếp là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa”.

Các bị can trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương

Các bị can trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Quan điểm, chủ trương của Đảng trong Đại hội XIII đã có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt nhấn mạnh tới kiểm soát quyền lực, gắn trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu, tổ chức Đảng và những vấn đề đảng viên không được làm…

Cùng với đó là thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thực hiện chặt chẽ có hiệu quả, hiệu lực, thực chất về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ giữ cương vị lãnh đạo các cấp

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần có biện pháp phù hợp đối với từng nội dung “xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Nhất là đề ra những giải pháp có tính đột phá; thiết chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

* Văn kiện Đại hội IX đánh giá: “Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng”.

* Đại hội X nhìn nhận: “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”.

* Đại hội XI cho rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”.

* Đại hội XII thẳng thắn nhìn nhận: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”; “có mặt còn diễn biến phức tạp hơn”.

* Trong đánh giá của Văn kiện Đại hội XIII, một số biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng mới nổi lên được nhận diện, nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”; “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng (Nguyên Kiểm sát viên cao cấp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao): Chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn với xây dựng thiết chế pháp lý làm xương sống

“Có thể khẳng định, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, Nhà nước ta đang triển khai là rất đúng đắn và phần nào đáp ứng được mong mỏi của nhân dân. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” từ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được những kết quả rất tích cực, không có gì phải bàn cãi.

Tuy nhiên, cùng với việc chống tham nhũng thì chúng ta cần phải xem xét, nhanh chóng xây dựng, củng cố được cơ chế chính sách, pháp luật một cách rất cụ thể để bảo đảm triệt tiêu tiêu cực. Đồng thời cũng phải đáp ứng được các yêu cầu và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội cụ thể. Bởi khuynh hướng xã hội hiện nay của nước ta là xã hội 4.0. Nó phát triển đi theo cả một xu thế của thế giới và biến thiên rất nhanh. Nếu không kịp thời xây dựng, bồi dưỡng cho lớp cán bộ một tầm, kiến thức, suy nghĩ sâu rộng thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không đat được hiệu quả như mong muốn. Thậm chí nó còn có thể dẫn tới hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” hoặc “không nghe kịp”.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta chỉ tập trung vào chống mà không xây dựng được hệ thống pháp luật, chế định để uốn nắn xã hội phát triển và chưa tập trung thỏa đáng cho việc xây dựng ấy thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó lòng đạt được kết quả như kỳ vọng. Nói một cách hình ảnh là trong xây dựng thì luôn cần phải có bản vẽ thiết kế, còn trong xã hội thì luôn cần phải có các chế định, bộ luật để thúc đẩy. Chế định, pháp luật chính là xương sống để phát triển xã hội.

Chẳng hạn lâu nay, một số đồng chí lãnh đạo Nhà nước vẫn nói “giao quyền cho địa phương chủ động”. Nhưng ở góc độ pháp luật thì đôi khi không khéo cái chữ “giao” đấy lại trở thành thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm hoặc lạm quyền. Do đó, bên cạnh chủ trương, chính sách quyết liệt và biện pháp pháp luật để chống, để phát hiện, xử lý nghiêm khắc tham nhũng, tiêu cực thì còn cần kịp thời đưa ra ngay một hệ quy phạm pháp luật về định hướng phát triển và phải không ngừng giáo dục, bồi dưỡng cho các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức trong bộ máy Nhà nước.

Chúng ta đều rất ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bởi mầm mống và hậu quả của nó là rất ghê gớm. Tham nhũng là sâu mọt, đục rỗng từ trong ra ngoài. Nhưng bên cạnh đó thì cũng cần phải có những chủ trương chính sách mang tính “gia cố” để thúc đẩy xã hội phát triển. Nói gọn lại là chúng ta đang rất cần những thiết chế pháp lý để làm xương sống, khuynh hướng cho xã hội phát triển. Bởi hiện nay, chúng ta đang thiếu và đang không có được các thiết chế để thúc đẩy xã hội phát triển. Bằng không thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rồi đây rất dễ trở lại thành khẩu hiệu. Thiết chế pháp lý, thiết chế điều hành, quản lý xã hội sẽ là công cụ bổ trợ rất đắc lực cho chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay”.

PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý (Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Hoàn thiện cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực Nhà nước để hạn chế tham nhũng, tiêu cực

“Tham nhũng là một hiện tượng tồn tại tất yếu khách quan luôn luôn gắn với quyền lực Nhà nước. Nó gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, làm suy thoái cán bộ, làm cho bộ máy Nhà nước hoạt động kém hiệu lực, thậm chí mục ruỗng, đe dọa sự tồn vong của đất nước, chế độ. Tham nhũng còn gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, phải coi đây chính là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” để kiên quyết chống đến cùng” - PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước

PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý phân tích, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì kiểm soát quyền lực Nhà nước là một trong những biện pháp quan trọng bậc nhất.

- Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về nguy cơ tham nhũng, quan liêu từ sự tha hóa quyền lực Nhà nước và vai trò kiểm soát quyền lực Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước nhằm phát huy cơ chế này trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Trong đó, Đảng và Nhà nước cần tập trung vào hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

- Thứ ba, hoàn thiện cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực Nhà nước giữa các cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Bởi nếu quyền lực Nhà nước được kiểm soát thì sẽ hạn chế được tham nhũng, tiêu cực.

Xây dựng cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng độc lập

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là đấu tranh phòng, chống những hành vi tiêu cực, trái pháp luật của những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước. Vì vậy, đây là cuộc đấu tranh rất khó khăn, phức tạp. Muốn đấu tranh có hiệu quả cần nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan chống tham nhũng thích hợp. PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý cho rằng, cần thành lập một cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách trực thuộc Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch nước.

Ban hành cơ chế, tổ chức hoạt động để cơ quan này có quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, các cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Có như vậy mới xử lý kịp thời, trên diện rộng hành vi tham nhũng, hạn chế sự bao che, tẩu tán tài sản hoặc trốn ra nước ngoài của những người tham nhũng.

Những người làm việc trong các cơ quan này phải có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ sâu trong nhiều lĩnh vực, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức và nguy hiểm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật riêng để cơ quan này thực hiện chức năng nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhanh chóng kịp thời, có hiệu quả.

(Còn nữa)