Phòng từ gốc, chống đến cùng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, tiêu cực (Bài 2): Cuộc chiến không khoan nhượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời tòa soạn: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã được Đảng ta xác định là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...”. Công tác này đã được triển khai mạnh mẽ trong nhiệm kỳ XII của Đảng và tiếp tục được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ XIII, khẳng định quyết tâm của Đảng trong việc chấn chỉnh đội ngũ, làm cho tổ chức đảng thêm trong sạch, vững mạnh. Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có hạ cánh an toàn” nhưng cũng rất nhân văn, việc xử lý nghiêm minh các vi phạm nhằm mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục. Công việc này đang được tiếp tục làm rốt ráo, quyết liệt ngay đầu nhiệm kỳ XIII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 10-9-2021

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 10-9-2021

1. Bộ Chính trị mới đây đã cho ý kiến vào Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, thống nhất tên gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”); khẳng định: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực, nên Ban Chỉ đạo phải có trách nhiệm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý triệt để. Như vậy, khác với trước, Ban Chỉ đạo không những tập trung chỉ đạo các vụ án tham nhũng, mà nay sẽ trực tiếp điều hành việc chống tiêu cực nói chung, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nói riêng. Đó là cơ sở cho những kỳ vọng về công tác phòng, chống suy thoái đạt nhiều kết quả, có sự chuyển biến về chất trong thời gian tới.

Trên thực tiễn, chúng ta đã có những bài học xương máu, rằng không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong các cuộc họp gần đây, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến việc phải gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực. Bởi vì, xét cho cùng, mọi vấn đề tiêu cực cuối cùng cũng sẽ dẫn đến đến suy thoái, cụ thể là suy thoái về tư tưởng chính trị, về phẩm chất, đạo đức, lối sống, rồi cũng từ đó mà dẫn đến tham nhũng. Nói cách khác, tiêu cực chính là cái gốc, cái mầm mống, căn nguyên của mọi sự sự thoái.

Đánh giá về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng từng khẳng định, qua thực tiễn không thể tách được tiêu cực với tham nhũng. Tham nhũng cũng là một dạng tiêu cực, có nhiều nguồn gốc do tiêu cực. Có thể cán bộ tiêu cực thì chưa tham nhũng, nhưng tiêu cực là mầm mống dẫn tới tham nhũng. Có những cán bộ bị mua chuộc cũng là một dạng tiêu cực.

Thực tế nhiều lãnh đạo quản lý bị mua chuộc, là chỗ dựa cho tham nhũng, dù không ra mặt nhưng đứng sau tiêu cực. Các tổ chức Đảng thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng dù chưa tham nhũng, nhưng chính việc thiếu trách nhiệm đó đã để cho cán bộ tham nhũng, ăn tàn phá hại đất nước, để nội bộ mất đoàn kết, đó cũng là một dạng tiêu cực. Do vậy việc bổ sung tên, trọng tâm điều hành của Ban chỉ đạo giúp cho Ban chỉ đạo hoàn thiện hơn, có ý nghĩa bao quát, hoàn thiện hơn công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

2. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ 80 biểu hiện tiêu cực của 27 hình thức tiêu cực. Theo Quy định số 32, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.

Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Về nguyên tắc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, có trách nhiệm tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Ban chỉ đạo và thường trực Ban chỉ đạo.

Xác định công tác nội chính trong giai đoạn mới là vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự quyết liệt, đồng bộ từ cao xuống thấp, nhất là ở các địa phương, trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 15-9), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định, các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc” để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự kỷ cương của xã hội. Muốn thế thì phải không được lý thuyết, giáo điều.

Phải xác định rất cụ thể đối tượng chỉ đạo phòng, chống tiêu cực là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, để bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo phòng, chống tiêu cực. Mục tiêu đã rõ ràng, để làm tốt sứ mệnh cao cả ấy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ trong ngành nội chính phải thật sự liêm khiết, chính trực, chí công vô tư, kiên quyết nói không với tham nhũng, tiêu cực, tránh xa “cái bả vinh hoa” như người xưa vẫn thường nhắc nhở.

Việc Bộ Chính trị quyết định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng lẫn tiêu cực là sự tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quyết tâm này sẽ được thực hiện không ngừng nghỉ với mục đích cao nhất là làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tất nhiên, nhiệm vụ ấy không phải là chỉ của riêng cán bộ các cơ quan nội chính, các đảng viên, mà là nhiệm vụ của toàn dân, toàn quân. Nó cũng giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn từ gần 70 năm trước: “Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Nhiệm vụ của toàn dân là phải biết giám sát, dám dũng cảm đứng lên bênh vực lẽ phải, bảo vệ pháp luật, kiên quyết đấu tranh trong cuộc chiến không khoan nhượng với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực)

“Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Bởi hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống...

Nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng ta luôn đề cao vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên. Trong mọi hoàn cảnh, cán bộ, đảng viên phải tự giác làm gương, không chỉ về tư tưởng chính trị mà còn về đạo đức, lối sống; không chỉ trong lời nói mà trong cả việc làm, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên luôn là chuẩn mực đạo đức để quần chúng soi rọi, noi theo. Nếu đảng viên không gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, rèn luyện đạo đức, lối sống, thì sẽ làm giảm niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự trong sạch, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng, thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư"; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, học dân, lắng nghe dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đồng thời thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng", kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó "xây" là cơ bản, chiến lược, “chống” là quan trọng, cấp bách”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực)

“Không có vùng cấm,

không có ngoại lệ, không có hạ cánh an toàn”

Với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh và đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, dấu ấn nổi bật. Song, nhìn thẳng vào sự thật có thể thấy, tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, do đó cần tiếp tục thúc đẩy mạnh với sự kiên trì, không khoan nhượng.

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử

Kiên quyết và kiên trì

Một trong những nội dung quan trọng được xem xét và quyết định tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội là tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ tư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.

Cách đây hơn 9 năm, tại Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 12-NQ/TW về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Tiếp đó, Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa khóa XII vào tháng 10-2016 đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Không phải ngẫu nhiên mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ tính riêng từ Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tới nay, Trung ương đã bàn và ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định quan trọng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả và đã được những kết quả tích cực rõ rệt, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ. Trong đó, rõ rệt nhất là những kết quả quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã có 87.210 đảng viên bị thi hành kỷ luật (tăng 18% so với nhiệm kỳ XI). Trong đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ trước). Trong số này, 27 là Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và hơn 30 sĩ quan cấp Tướng trong lực lượng vũ trang. Ở các địa phương, hơn 25.000 đảng viên bị kỷ luật bởi có biểu suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chiếm 0,5% tổng số đảng viên trong toàn Đảng.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã có tới 127 vụ án, 91 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý; hơn 5.200 cán bộ, đảng viên bị xử lý theo pháp luật. Chưa bao giờ có một số lượng lớn cán bộ đảng viên sa sút về phẩm chất, vi phạm về đạo đức lối sống bị xử lý kỷ luật nhiều như vậy. Và cũng chưa bao giờ có một số lượng cán bộ cấp cao, bất kể là đương chức hay đã về hưu, được đưa ra xử lý nghiêm khắc trước kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước nhiều như trong 5 năm qua.

Những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn được gọi là “đại án tham nhũng” được đưa ra xét xử nghiêm minh trong nhiệm kỳ Đại hội XII như các vụ án liên quan tới cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn; nguyên tướng lĩnh, nguyên Thứ trưởng các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… cho thấy hoàn toàn “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có hạ cánh an toàn”. Đó cũng chính là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, quyết tâm của Đảng ta trong đấu tranh chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực.

Hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tại phiên tòa xét xử

Hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tại phiên tòa xét xử

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ

Có thể khẳng định, trong mỗi giai đoạn cách mạng kể từ khi giành được chính quyền, Đảng đều đưa ra những Chỉ thị, Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và được quán triệt, thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng, đảm bảo cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Một trong những vụ án minh chứng cho sự không khoan nhượng, nghiêm khắc của Đảng ta trong xử lý cán bộ, cho dù người đó là ai và giữ cương vị gì, là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết xử lý nghiêm minh Đại tá Trần Dụ Châu (Cục Quân nhu) do có hành vi tham nhũng vào năm 1950 thế kỷ trước.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với việc xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ta luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt, vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài, đồng thời là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đặc biệt sau khi Đảng ta ban hành các Nghị quyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ Hội nghị lần thứ tư khóa XI và khóa XII.

Thực hiện các Nghị quyết Trung ương tư khóa XI, khóa XII và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, có thể thấy tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện các Nghị quyết Trung ương lần thứ tư khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ tư ngày 4-10-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đề nghị, Trung ương Đảng đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề, nhất là những giải pháp có tính đột phá trong nhiệm kỳ này. Tổng Bí thư đồng thời đề nghị, ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới.

(Còn nữa)