Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ huyện Đan Phượng: Nhiều mô hình thiết thực

ANTĐ - Với tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá cao, 5 năm gần đây huyện Đan Phượng, TP Hà Nội có nhiều phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Song với 15 xã được coi là trọng điểm, phức tạp về ANTT, Đan Phượng cũng đứng trước với nhiều thách thức không nhỏ. Với nỗ lực không ngừng, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” nơi đây được xây dựng trên diện rộng, đi vào đời sống hàng ngày với nhiều sáng kiến hiệu quả.

Mô hình “dòng họ tự quản” tại dòng họ Nguyễn Duy, xã Tân Hội 

là mô hình hiệu quả cần nhân rộng

Là vùng ven đô, đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn về ANTT nên những năm gần đây, CAH Đan Phượng đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phòng chống tội phạm đến từng dòng họ, cơ quan, cụm công nghiệp, làng nghề. Ông Nguyễn Duy Dậu, trưởng dòng họ Nguyễn Duy (xã Tân Hội) tự hào: “Mô hình dòng họ tự quản của chúng tôi mang lại rất nhiều lợi ích. 12 năm nay, con cháu dòng họ luôn phấn đấu sống, làm việc theo đúng pháp luật, quy ước của dòng họ. Nhờ vậy hầu như không có trường hợp nào vi phạm, tập trung phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, xây dựng quê hương”.

 

Xác định phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” cần phải đi vào thực tế, tránh sáo rỗng, xa vời, Công an Huyện Đan phượng phối hợp với các đoàn thể, vận động, xây dựng 800 tổ An ninh tự quản ở 15 xã. Những tổ tự quản này hoạt động hiệu quả, hòa giải mâu thuẫn từ cơ sở, không để phát sinh tranh chấp, đồng thời, trực tiếp tham gia vây bắt tội phạm. Điển hình, tháng 7-2011, anh Đặng Văn Mạnh, ở thôn 2 xã Trung Châu trên đường đi ăn sáng khi nghe thấy mọi người tri hô đã đuổi theo 2 tên cướp, không ngại sông nước, khi chúng cùng đường nhảy xuống sông Hát Môn, anh nhảy theo ngay, bắt và đưa về trụ sở Công an xã. Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp điển hình đã được CATP tặng bằng khen đột xuất ở Đan Phượng. Ông Hoàng Văn Thành (57 tuổi), tổ trưởng tổ An ninh tự quản thôn 2, xã Trung Châu cho biết: “Ở thôn tôi, phụ nữ cũng có câu lạc bộ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Người già hay thanh niên đều phát huy tinh thần cảnh giác cao. Các tệ nạn như cờ bạc, ma tuý hầu như không còn”.

Có được những kết quả tích cực đó không thể không nói đến vai trò của lực lượng công an xã. Mặc dù trong hoàn cảnh còn thiếu thốn, những công an viên đã năng nổ, phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”. 

Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn, cụm an toàn địa bàn, cụm liên kết khu vực giải quyết tốt các vụ việc tranh chấp đất đai, không để xảy ra diễn biến phức tạp. Có thể nói phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở huyện Đan Phượng đã khơi dậy được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, tạo thế trận an ninh liên hoàn, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của nhân dân trong từng thôn, xóm, từng cơ quan, doanh nghiệp. Do vậy trong thời gian qua, ANTT trên địa bàn huyện đã ổn định, hoạt động của nhiều loại tội phạm được kiềm chế.

Từ kinh nghiệm ở Đan Phượng cho thấy, nếu cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo, huy động được các cấp, các ngành tham gia, lực lượng công an làm tốt chức năng tham mưu và nòng cốt, xây dựng được các mô hình phù hợp, sáng tạo thì phong trào sẽ có sức sống và ngày càng phát triển vững chắc, góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đại tá Bùi Xuân Trường, Trưởng CAH Đan Phượng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” nhận xét: Những kết quả tích cực trên mới chỉ là bước đầu. Để phong trào ngày càng đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả cao cần không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia thực hiện phong trào bằng nhiều hình thức phù hợp, tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình thực hiện phong trào một cách hiệu quả, gắn với việc triển khai đề án xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động khác. Quan trọng hơn cả là luôn phải đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.