Triển khai Nghị định số 01 của Chính phủ ngày 6-8-2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an:

Phong trào mạnh, việc gì cũng thông

ANTD.VN - “Điều chúng tôi vững tâm là thời gian tới, khi CATP triển khai thực hiện Nghị định 01 của Chính phủ, đưa Công an chính quy về xã, huyện đã tính toán lộ trình để tiếp tục phát huy sức mạnh, hiệu quả của các đồng chí Công an xã tham gia phát triển phong trào đảm bảo ANTT ở địa phương”, Thượng tá Bùi Nam Hải – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng CAH Gia Lâm, Hà Nội tâm sự.

Theo Kế hoạch của CATP Hà Nội về kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc CATP theo Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Công an, tới đây, sau khi 3 địa bàn: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh triển khai thành lập Đội Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, toàn bộ 30 Công an quận, huyện, thị xã thuộc CATP Hà Nội sẽ có đầy đủ mô hình này.

“Vốn quý” trên mặt trận giữ gìn an ninh nông thôn

Mỗi năm, thông qua công tác phát động người dân nắm bắt, phát hiện, tố giác vi phạm, tội phạm, đội ngũ Công an xã, Công an viên của huyện Gia Lâm cung cấp đến cơ quan chức năng cả nghìn thông tin liên quan đến các mặt đời sống xã hội; trong đó rất nhiều tin tức có giá trị, phục vụ đắc lực nhiệm vụ đảm bảo ANCT, TTATXH.

Người dân xã Ninh Hiệp, Gia Lâm tham gia diễn tập PCCC

Thượng tá Bùi Nam Hải – Phó Trưởng CAH Gia Lâm cho biết, phần lớn đội ngũ chỉ huy Công an 20 xã trên địa bàn được tham gia các lớp, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ - pháp luật do CATP tổ chức. Nhiều đồng chí đã hoàn thành lớp đào tạo trung cấp Trưởng Công an xã; và điều đáng quý, nhiều trưởng, phó Công an xã, Công an viên đã có trên dưới 20 năm gắn bó với nghề “vác tù và hàng tổng”.

Gia Lâm được đánh giá là địa bàn có những sáng kiến, chủ động trong công tác xây dựng các mô hình, phong trào phát động người dân tham gia bảo vệ ANTT. Nhiều mô hình liên thôn, liên xã, liên huyện, giữa các địa bàn giáp ranh được đánh giá cao bởi sự phát huy hiệu quả sức dân. Và nhiều xã đã “bật” lên được vai trò của chỉ huy Công an xã, vừa là người dân bản địa luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, vừa là cánh tay nối dài của lực lượng Công an chính quy, trực tiếp và trách nhiệm tham gia tuần tra kiểm soát; phối hợp công tác điều tra; và đảm bảo yếu tố “tức thì” khi xảy ra sự việc liên quan đến ANTT tại địa bàn.

Tư duy mới, hiệu quả tăng cao

Theo chỉ huy CAH Gia Lâm, việc triển khai thành lập Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc của CAH nói riêng, đã được tập thể Đảng ủy – Ban chỉ huy CAH quán triệt sâu sắc ý nghĩa quan trọng đối với những cán bộ, chiến sỹ dự kiến sẽ được bổ nhiệm, điều động nhận nhiệm vụ mới.

Yếu tố đầu tiên cần nhận thức rõ, là trong bối cảnh các đầu mối cấp quận, huyện nói riêng được tinh gọn, nhưng Bộ Công an và CATP vẫn xác định rõ chủ trương thành lập Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vì vậy, công tác xây dựng, phát động và duy trì phong trào phải có sự đổi mới thực sự về tư duy đối với cán bộ phong trào. Làm sao đừng để phong trào rơi vào bệnh hình thức; làm sao để mỗi người dân và ngay cả từng cán bộ, chiến sỹ thấy được sức mạnh, hiệu quả phong trào, để tham gia với trách nhiệm cao nhất.

Phong trào có mạnh mới huy động được các đoàn thể, lực lượng chức năng vào cuộc giữ gìn ANTT

Một vấn đề khác được Thượng tá Bùi Nam Hải chia sẻ, đó là nói phong trào nghe có vẻ đơn giản. Nhưng nội hàm trong đó là tổng hòa công tác Công an: phát động quần chúng nhân dân, đội ngũ bảo vệ cơ quan xí nghiệp, nắm bắt tình hình - đối tượng tại địa bàn, xây dựng lực lượng nòng cốt. Phong trào có mạnh, có hay, người dân có tự giác tham gia phong trào, chính là sự thể hiện bản lĩnh, năng lực của cán bộ làm công tác phong trào.

Với Gia Lâm, điều hết sức quan trọng nữa để có phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc mạnh, có đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chính quy, chuyên nghiệp, là phải phát huy được “vốn quý” trên dưới 400 Công an xã, Công an viên ở 22 xã, thị trấn. Sự cần thiết đổi mới tư duy đã được CAH Gia Lâm nhìn nhận; thời gian tới sẽ là nhận thức, và sự vào cuộc cụ thể…

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng – Công an viên, Thường trực Công an xã Kiêu Kỵ

Muốn được cống hiến, thử sức mình

Đã tình nguyện và được lựa chọn tham gia công tác đảm bảo ANTT ở địa phương, với tôi, không phải là mô hình nào, chế độ chính sách ra sao, mà điều quan trọng nhất là làm thế nào để tiếp tục được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho bình yên thôn xóm. Địa bàn nơi tôi ở có khoảng 1.800 nhân khẩu KT1, và trên dưới 400 người từ nơi khác về thuê trọ học tập, sinh hoạt. Phụ nữ có cái khó của phụ nữ, nhưng cũng có lợi thế mà nhiều nam giới không có, nhất là công tác – hoạt động phong trào.

Anh Trần Đức Đông – Trưởng Công an xã Phù Đổng

Phát huy kinh nghiệm 14 năm tham gia Công an xã

Bắt đầu là Công an viên, rồi được bổ nhiệm Phó trưởng Công an xã, và năm 2014 giữ chức vụ Trưởng Công an xã; đến thời điểm này, tôi đã có 14 năm gắn bó địa bàn trong nhiệm vụ của người Công an cơ sở. Thuộc từng lối rẽ khúc quanh, rõ từng tính cách con người, tận tường quan hệ văn hóa làng xã và an ninh nông thôn…những kinh nghiệm, vốn sống ấy, nếu vẫn được cơ quan chức năng tin dùng, tôi sẽ tiếp tục phát huy. Với mỗi cán bộ Công an xã như chúng tôi, hạnh phúc là được tham gia đảm bảo giữ vững ANTT địa bàn.

Anh Phùng Xuân Thành – Phó trưởng Công an xã Đa Tốn:

Phong trào chính là mảng công tác quan trọng của Công an xã

Tôi tham gia Công an xã từ năm 2004, và đến thời điểm này, tôi đúc kết được điều quan trọng: hoạt động phong trào là mảng công tác hết sức quan trọng của Công an cơ sở, trong đó có Công an xã. Ban Công an xã mạnh khi và chỉ khi khơi dậy được sự tham gia của người dân giữ gìn ANTT, bảo vệ làng xóm khỏi cái xấu, sự độc hại, nâng cao tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Minh chứng cho những kinh nghiệm, sự trưởng thành của Công an viên hay chỉ huy Công an xã, chính là biết cách làm phong trào thực chất, hiệu quả.