Phong trào KuToo - Đi giày cao gót có hại như thế nào?

ANTD.VN - #KuToo là phong trào được phát động từ phụ nữ Nhật Bản, phản đối quy định mang giày cao gót khi đi làm. Hiện phong trào đang rất được hưởng ứng với hơn 19.000 người Nhật Bản đã kí tên vào kiến nghị cấm các quy định trang phục công sở yêu cầu phụ nữ phải mang giày cao gót đi làm. Vậy mang giày cao gót có hại như thế nào đối với sức khỏe của bạn? 

Phong trào KuToo bắt nguồn từ đâu?

Nhật Bản là đất nước rất coi trọng hình thức, việc phụ nữ mang giày cao gót đi làm là điều bắt buộc và hình thành từ rất lâu. 

Phong trào #KuToo được ghép từ phong trào phản đối quấy rối phụ nữ trên toàn cầu #MeToo cùng hai từ tiếng Nhật "kutsu" (giày) và "kutsuu" (đau đớn).

Hashtag #KuToo được sử dụng bởi các phụ nữ muốn nói về trải nghiệm của mình trên mạng xã hội.

Do cô Yumi Ishikawa, một họa sĩ, nhà văn và nhà hoạt động nữ quyền tại Tokyo đã lập nên bản kiến nghị này, sau khi các dòng tweet của cô về việc bị ép đi giày cao gót đi làm nhận được hơn 67.000 lượt thích và gần 30.000 lượt retweet.

“Tôi hi vọng sẽ bỏ được quy định rằng phụ nữ phải đi giày gót cao đến công sở mỗi ngày”, cô viết trên trang mạng xã hội của mình.

Cô Yumi Ishikawa, người khởi động phong trào

Mang giày cao gót có hại như thế nào đối với sức khỏe?

Việc đi giày cao gót nhiều sẽ cản trở sự lưu thông máu lên não, nếu kéo dài sẽ dẫn đến cảm giác đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Đau mỏi chân là cảm giác thường thấy nhất khi đi giày cao gót quá lâu, do các cơ chân cũng như các dây thần kinh nơi đây bị kéo căng, chèn ép.

Phong trào KuToo - Đi giày cao gót có hại như thế nào? ảnh 3

Ngoài ra, đi giày cao gót nhiều còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về cột sống do cơ thể không giữ được trạng thái thăng bằng, cột sống trở nên yếu, dễ bị lão hóa, đau nhức, lâu ngày sẽ dẫn đến vẹo cột sống. Những phụ nữ có thói quen mang giày cao gót có gấp đôi nguy cơ mắc chứng viêm khớp mãn tính so với những phụ nữ không có thói quen này.

Rối loạn chu kì kinh nguyệt do đi giày cao gót

Giày cao gót đặc biệt nguy hiểm cho những người bị phù mắt cá chân, bởi vì máu lưu thông ở bàn chân bị cản trở. Không chỉ vậy, tác hại khi bạn mang giày cao và mỏng có thể làm rối loạn chu kì kinh nguyệt, mãn kinh sớm, hình thành các u nang, xuất hiện của chứng huyết khối và mối đe dọa sẩy thai.

Nguy cơ bị lãnh cảm

Một tác hại khác của việc đi giầy cao gót mà không phải chị em nào cũng biết, đó là nguy cơ bị lãnh cảm.

Lãnh cảm ở đây không hẳn là không cảm thấy rung động trước người khác, mà được hiểu rộng hơn là suy giảm ham muốn, rung động về mặt tâm sinh lý, đặc biệt là trong vấn đề tình dục.

Sở dĩ đi giầy cao gót nhiều làm cho chị em bị lãnh cảm là bởi vì khi đi giầy cao gót gây nên những ảnh hưởng xấu đến khung xương chậu, chi phối hoạt động của hệ thống niệu sinh dục, dẫn đến việc có thể bị lãnh cảm vì máu lưu thông không đều đến khu vực này.