Hải Phòng:

Phòng tránh nguy cơ huyết áp cao

ANTĐ -  Một bệnh nhân huyết áp cao luôn luôn cần có một quyển nhật ký để ghi lại sự lên xuống thất thường huyết áp của mình. Đây là lời khuyến cáo hàng đầu của các bác sĩ đối với bệnh nhân huyết áp cao. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và chỉ số huyết áp mà người bệnh nên đi khám bác sĩ tối thiểu từ 2-4 lần/năm để phòng tránh nguy cơ bệnh tật liên quan đến chứng bệnh huyết áp cao.


Các bệnh tim mạch: Nguy cơ biến chứng rõ ràng nhất từ huyết áp cao sẽ xảy ra đối với người cao tuổi là các vấn đề về tim mạch. Do đó, để phòng tránh những nguy cơ biến chứng từ chứng huyết áp cao những bệnh nhân cao tuổi nên đi khám chuyên khoa tim 1 năm 1 lần (ngoài những lần khám huyết áp). Các triệu chứng ban đầu của bệnh tim là tăng kích thước của tim, cụ thể là việc mở rộng các đường biên bên trái và phì đại tâm thất trái. Nếu không có những biện pháp ngăn ngừa kịp thời bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, sau đó suy tim và sung huyết. Từ đó, bác sĩ sẽ có tiến trình ngăn ngừa những nguy cơ đối với bệnh tim. Xác định sự thay đổi nhịp tim, sự xuất hiện sớm của các dấu hiệu suy tim, động mạch cảnh và động mạch ngoại vi để giảm di chứng của huyết áp cao làm gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và phình động mạch chủ. Ngoài ra, bạn nên chụp X-quang tim để xác định giai đoạn đầu của cơ tim thiếu máu cục bộ, phì đại tâm thất trái. 

Nội tiết: Tình trạng cao huyết áp càng để lâu sẽ ảnh hưởng không chỉ đến tim mà còn toàn bộ hệ tiết niệu, các vấn đề về nội tiết và thận. Thông thường, những người cao huyết áp nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn và có thể suy thận mãn tính. Nguyên nhân dẫn đến suy thận là do huyết áp cao ảnh hưởng đến các mạch máu trong đó bao gồm cả động mạch thận, gây rối loạn sự tuần hoàn và bài tiết của thận. Để tránh nguy cơ này bạn nên đi khám bác sĩ 1-2 lần/năm, và xét nghiệm nước tiểu để xác định hàm lượng protein trong nước tiểu, nếu có dù chỉ là một lượng nhỏ, thận của bạn cũng đã bị tổn thương và cần điều trị ngay lập tức. Khi nghe mạch thận, nếu bác sĩ phát hiện ra những tiếng động bất thường trong mạch thận đó là xơ vữa động mạch thận và làm gián đoạn việc cung cấp máu cho thận và quá trình lọc máu tại cầu thận sẽ ảnh hưởng xấu. 

Thị lực: Bệnh nhân cao huyết áp được khuyến cáo nên thường xuyên kiểm tra nhãn khoa, ngay cả trong trường hợp chưa thấy biến chứng đối với mắt từ huyết áp cao, vì trong giai đoạn đầu những ảnh hưởng của nó sẽ không rõ rệt. Khi huyết áp tăng sẽ làm co thắt các mạch máu, bao gồm cả các mạch máu ở võng mạc. Kết quả là xuất huyết, tiết dịch trong đáy mắt, sưng, viêm các dây thần kinh thị giác. Ban đầu có thể giảm thị lực nhưng lâu dài có thể gây mù lòa. 

Xét nghiệm máu và phân tích sinh hóa: Việc này bạn nên làm 2 lần/năm để xác định hàm lượng fibrinogen, 
triglycerides, cholesterol và lipid. Nếu các chỉ số từ hồ sơ phân tích máu và sinh hóa của bạn cao hơn mức cho phép thì có nghĩa bạn sẽ gặp nguy cơ về huyết khối các mạch ngoại vi, xơ vữa động mạch và những nguy cơ biến chứng đối với tim, não, thận. Đơn cử, cholesterol sẽ làm giảm lưu lượng của các mạch máu, các mảng bám gây xơ vữa động mạch vì nó làm thu hẹp các mạch máu lại, giảm lưu lượng và tuần hoàn của máu từ tim đến các bộ phận trên cơ thể, và nó sẽ gây ra một số biến chứng bệnh khác. Trong khi phân tích sinh hóa cần xác định mức độ creatinine. Nồng độ của nó không được vượt quá 105 mmol/lít. Nếu chỉ số này cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, dẫn đến giảm chức năng của thận và suy thận nặng.