Xử án trên “sừng trời”
(ANTĐ) - Đời làm báo cho tôi nhiều cơ hội được đặt chân tới nhiều miền đất khác nhau của Tổ quốc. Mỗi nơi là một câu chuyện dài về con người và cuộc sống ở đó để rồi khi trở về thành phố ồn ào và sôi động, tôi vẫn bị ám ảnh một thời gian dài.
Thú thật, khi tham dự những phiên tòa, tôi thường nghĩ nhiều về thân phận những kẻ phạm tội trước vành móng ngựa, về sự trả giá và bi kịch mà bị cáo cùng gia đình họ phải gánh chịu. Nhưng tới hôm nay, khi lần đầu đến với Mù Cang Chải để dự phiên tòa, tôi lại cuộn lên một cảm xúc khác về những cán bộ làm công tác xét xử nơi đây. Con đường từ Mù Cang Chải về đồng bằng, thành phố còn xa quá. Đồng bào nơi đây sống còn muôn vàn khó khăn, kiếm miếng ăn đã khó, mang con chữ, cái luật đến với họ còn khó hơn nhiều. Nhưng, những cán bộ làm công tác pháp luật vẫn kiên trì từng ngày, từng ngày với công việc của mình với hy vọng cuộc sống nơi đây dần thay đổi, ấm no hơn, văn minh hơn.
Kiên trì tuyên truyền pháp luật
Trên vùng đất Mù Căng Chải, đặc sản, ngoài ruộng bậc thang với… sương mù, là gỗ pơ mu và sa mu, loài cây quý hiếm, có hình dạng gần giống cây thông. Những vạt rừng sa mu cao vút ôm lấy những sườn núi uốn cong duyên dáng. Thế nhưng chỉ cần một đám tàn than đốt nương, nhờ gió giúp sức mà mấy chục ha rừng gỗ quý bị thiêu rụi trong thoáng chốc.
Đã học hết lớp 12, được làm nhân viên bưu điện, không phải Giàng A Hử, trú tại xã Dé Xu Phình không biết việc đốt nương nguy hiểm thế nào trước những cánh rừng Nhà nước bỏ bao công sức trồng trong nhiều năm. Vậy mà A Hử vẫn bất cẩn, bỏ về khi chưa dập tắt lửa. Rừng sa mu đã cháy thì chỉ có thể chờ nó cháy… chán thì thôi, chứ dập không nổi vì là thứ gỗ chứa tinh dầu.
Trước cơ quan điều tra, A Hử cũng thành khẩn lắm, nhưng khi xem bản cáo trạng, nghe nói sẽ bị tù nhiều năm, lại còn phải đền số tiền bằng hơn sáu chục con trâu nữa thì A Hử… bỏ trốn. Công an truy nã không được nên tòa phải xử vắng mặt. “Đàn em” của A Hử, dù mới chỉ 11 đến 16 tuổi nhưng vẫn chấp hành triệu tập của tòa án. Đó mà mấy cậu bé mà Hử nhờ đi đốt nương giúp. “Có gì khai thế, mình thấy thế nào thì mình báo cáo cán bộ thế” - rất hồn nhiên, các nhân chứng nói. Giàng A Hử bị phạt đúng 8 năm tù. Đại diện ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải thống kê thiệt hại do cháy rừng là 425 triệu đồng, trừ số tiền tận thu gỗ thì A Hử phải bồi thường trên 300 triệu. Thống kê là vậy, nhưng ai cũng biết A Hử làm gì có tiền mà đền. Một anh công an nói vui: khi nào truy nã được A Hử, chắc phải bắt nó trồng lại rừng thôi!
Một điều khác biệt nữa so với các phiên tòa dưới xuôi, là không thấy sự hiện diện của luật sư. Thẩm phán Khang cho biết, trừ các vụ án mà theo quy định, tòa phải chỉ định luật sư thì phần lớn các vụ mà bị cáo là người dân tộc thiểu số, bị cáo không có nhu cầu hoặc gia đình không có khả năng tài chính để mời luật sư.
Suốt cả ngày hôm ấy, các Hội đồng xét xử làm việc hết công suất để hoàn thành… 5 vụ án, trong đó có 3 vụ ma túy. Bà con đến “xem tòa” cũng đứng cả ngày (họ không quen ngồi), chăm chú lắng nghe, không ai bỏ về mà chờ đến tận lúc tuyên án xong. Những phiên tòa như thế giúp bà con biết thêm rằng, ai lười lao động, làm việc xấu, ai coi thường cái rừng, làm mất cái tài sản của Nhà nước, phá hoại môi trường thì sẽ bị pháp luật nghiêm trị, phải xa vợ con, xa bản làng…
Sẽ qua đi nhiều gian khó
Mù Cang Chải xa lắm, Mù Cang Chải đẹp lắm, Mù Cang Chải nghèo lắm. Đó là ba cái “lắm” mà người ta thường nói về vùng đất này. Mù Cang Chải là huyện xa nhất, nghèo nhất của tỉnh Yên Bái, cũng thuộc hàng nghèo nhất cả nước. Một ký gạo, lít dầu lên đến trung tâm huyện đã là một công phu rồi, nên ăn uống, sinh hoạt rất đắt đỏ. Vào chợ huyện, hỏi mua ít mộc nhĩ, nấm hương, chị bán hàng thật thà bảo: “Về Hà Nội mua cho rẻ, cái này vừa chở từ dưới xuôi lên đấy”. Lương công chức, sống ở thành phố đã khó, trên này càng khó hơn.
Mù Cang Chải có gần 40.000 dân, thì trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con dân tộc chủ yếu vẫn chỉ trông vào ruộng nương, nên chưa thể nói cái đói, cái rét đã thôi rình rập. Còn nghèo thì ma túy, tệ nạn còn có cơ hội mò vào. Và còn ma túy thì còn nghèo. Cái vòng luẩn quẩn ấy phải được tháo bỏ. Tôi vẫn cứ nhớ mãi hình ảnh cha con người Mông đến xem xử án. Người cha mới trạc ngoài hai mươi mà quắt queo như ông lão, và trong cái lạnh miền núi, đứa trẻ chỉ có tấm áo mỏng manh. Và khi tôi viết những dòng này, Mù Cang Chải đang ở cái lạnh dưới 0 độ.
Thẩm phán Nguyễn Xuân Hà, Phó Chánh án - Phụ trách tòa án huyện (tòa chưa có Chánh án), một cán bộ trẻ tuổi là dân miền xuôi “xịn” nhưng đã có thâm niên “cắm bản” kể: Mù Cang Chải từng được coi là “thiên đường của thuốc phiện”. Một thời, mật ong rừng nơi đây đã nổi tiếng thơm ngon, là vì ong hút mật từ hoa… anh túc. Nay thì khác rồi, cây thuốc phiện hầu như đã bị phá hết. Người dân đang dần từ bỏ khói thuốc, lo làm ăn để cải thiện cuộc sống.
Nếu trước năm 2001, đồng bào dân tộc Mông chỉ độc canh một vụ lúa, thì nay bà con đã biết trồng các giống lúa năng suất cao, hơn 600 ha đất ruộng được cấy hai vụ. Nhiều chương trình đầu tư, xóa đói giảm nghèo của Nhà nước đã đến với Mù Cang Chải. Tất cả các xã của huyện đã có đường ôtô, tỷ lệ trẻ em được đến trường đạt 90%. Những con số “khô khan” ấy, là tôi lấy từ bản báo cáo của ủy ban huyện. Còn mục sở thị, thì ở trung tâm huyện giờ đã có cột viễn thông cao vót, sóng di động căng đầy… Trước đây, lên Mù Cang Chải mất mấy ngày, nay đường nhựa ngon lành, chỉ tốn 5 giờ chạy xe. Rồi đây Mù Cang Chải sẽ phát triển du lịch, sẽ có nhiều người tìm đến với vẻ đẹp nguyên sơ của núi non hùng vĩ…
Làm tòa án, ở đâu sung sướng thì tôi không biết, chứ ở Mù Cang Chải thì chắc là không “làm giàu” được. Chẳng có những vụ tranh chấp bạc tỷ, những vụ án hình sự thì bị cáo đa phần là người dân tộc thiểu số, họ nói tiếng Kinh chưa sõi, liệu có ai chỉ cho họ cách len lách, chạy trọt hay không. Chỉ biết ở đây có những người như thẩm phán Hà, phải xa vợ con hàng trăm cây số, ăn cơm bụi ngủ giường cá nhân, rồi cái cảnh một anh lái xe máy, anh ngồi sau vác cái vành móng ngựa, cái loa phóng thanh lặn lội đến tận xã, tận bản khi có phiên tòa lưu động, là đủ hiểu rồi…
Nhưng tôi chẳng thấy họ nghèo chút nào. Còn nhớ, hôm chúng tôi lên, bữa cơm tối đạm bạc cùng các cán bộ Tòa án Mù Cang Chải, Bí thư huyện ủy Sùng A Vàng cũng đến góp vui. Người đàn ông dáng chắc khỏe này đã có nhiều năm công tác trong ngành an ninh. Dường như ở ông có cả cái vẻ chất phác của người Mông, vừa có sự điềm đạm của người đã từng trải trong một môi trường kỷ luật. Một chén rượu giữa cái lạnh của đêm xuân miền sơn cước như làm nồng ấm hơn tình cảm của những con người đang kiên trì bám trụ trên vùng đất trời xa xôi và còn nhiều gian khó của Tổ quốc.
Đấy là nói một cách “hình ảnh”, “văn chương” như vậy. Chứ tôi thấy mọi người hồn nhiên lắm, xưng hô cứ mày tao, chú cháu. Uống rượu, và bắt tay nhau thật chặt, thật lâu. Chẳng thấy đâu cái bon chen, lạnh lùng của chốn đô hội. Giữa cái vùng “xa đất, gần trời” này, hình như lòng người rộng hơn, tình người ấm hơn thì phải. Và hình như, tôi vừa hiểu thêm rằng, vì sao lên Mù Cang Chải đã khó, ra về càng khó hơn, theo một cái nghĩa khác, không chỉ là vì đường xa, đèo thẳm.
Mù Cang Chải - Hà Nội, xuân 2008
Ghi chép của Trung Kiên