Vượt sóng, cứu ngư dân

ANTĐ - Mỗi chuyến ra khơi cứu hộ với các thủy thủ trên 2 con tàu cao tốc SAR 412 và SAR 247 thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Đà Nẵng MRCC) là một cuộc cân não với muôn vàn hiểm nguy. Dẫu vậy trong tâm trí họ vẫn luôn hướng đến sự an toàn cho các ngư dân trên biển. 

Vượt sóng, cứu ngư dân ảnh 1

Mệnh lệnh của trái tim

Cuối tháng Giêng, gió mùa thao thiết thổi dọc các eo biển miền Trung. Giữa trùng khơi, các thủy thủ cứu hộ trên tàu SAR 274 lại vượt sóng gió đi làm nhiệm vụ. Thủy thủ trưởng Lê Minh Thiện bộc bạch: “Ngư dân quen gọi chúng tôi là những chiến sỹ đặc biệt. Điều đó khiến chúng tôi vừa tự hào vừa thấy cần phải luôn hoàn thành nhiệm vụ. Đối với những thủy thủy cứu hộ, không có ngày lễ, Tết. Mỗi khi có sự cố, có bão biển, có tàu gặp nạn, có ngư dân mất tích thì dẫu đêm khuya, dẫu trời đang nổi cơn giông gió chúng tôi cũng tức tốc lên đường. Như một mệnh lệnh của trái tim, mỗi chuyến vượt sóng dữ ra giữa mênh mông đại dương cứu người, mỗi thủy thủ cứu hộ lại tự dặn với lòng mình, an nguy của người khác là điều thiêng liêng nhất”. 

Tiếp nối câu chuyện của thủy thủ trưởng Lê Minh Thiện, thủy thủ Hoàng Minh chia sẻ: “Bước vào nghề này thì không thể đặt nặng cuộc sống riêng, niềm vui riêng được mà phải luôn thường trực hành động cứu người. Trong những ngày Tết Bính Thân, gia đình, bạn bè tụ họp đông đủ, chưa kịp uống ly rượu đoàn viên nhưng khi nhận được thông tin tàu QNg 94499 cùng 9 thuyền viên trên tàu bị sóng dập vùi, tàu lạ gây hấn, chúng tôi đã tức tốc cùng tàu SAR 274 rẽ sóng ra Hoàng Sa cứu người. Chậm phút nào, tính mạng ngư dân sẽ nguy hiểm phút đó”. 

Tết Nguyên đán là thế, còn ngay trong những ngày Tết dương lịch 2016, cho dù đã chót hẹn gặp bạn bè nhưng khi nghe tin ở Cù Lao Chàm có thuyền gặp nạn, các thủy thủ tàu SAR 274 lại lập tức vượt sóng, đạp gió để cứu ngư dân. Anh Thiện kể: “Với những người mới vào nghề thì cũng lấn cấn tâm tư nhưng rồi thấy tinh thần thép của cả đội nên sức mạnh trong chính con tim của họ lại bừng cháy. Niềm vui lớn nhất với chúng tôi là những chuyến cứu hộ thành công, đưa được ngư dân và tàu bị nạn vào đất liền”. 

Các thủy thủ cứu hộ trên tàu SAR 412 cũng chung lòng quyết tâm và nhiệt huyết như tàu SAR 247. Thủy thủ trưởng tàu SAR 412, Phan Xuân Sơn tâm sự: “Đã có 12 năm lăn lộn cùng các thủy thủ cứu hộ và chỉ huy con tàu này nên mệnh lệnh đã hình thành trong tôi như một phản xạ tự nhiên. Cứ khi ngoài khơi xa có tàu gặp nạn là lên đường. Có những chuyến cứu hộ khiến tôi rất xúc động, tất cả chiến sỹ trên tàu ai cũng xung phong ra nơi hiểm nguy nhất để vật nhau với sóng cứu ngư dân”. Chỉ trong một thời gian ngắn, tàu SAR 412 đã thực hiện 87 vụ cứu nạn với 460 người, hỗ trợ lai dắt và cứu nạn 23 tàu.

Vượt sóng, cứu ngư dân ảnh 2

Không cho phép một giây nản chí

Những cuộc ra khơi cứu người bị nạn là một cuộc đấu trí, đấu sức của những thủy thủ cứu hộ nên họ không cho phép mình nản chí. Thủy thủ Trần Vinh chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in cuộc cứu hộ cuối năm 2015 của tàu SAR 412. Chiều muộn, gió mạnh, những cột sóng dữ chồm lên ầm ào, chúng tôi nhận được tin tàu câu mực Quảng Nam mang số hiệu QNa 91719 với 40 ngư dân đang hành nghề tại vị trí có tọa độ 15,2 độ vĩ bắc, 113,43 độ kinh đông, trong khu vực quần đảo Hoàng Sa gặp sự cố, trên tàu có ngư dân đau bệnh nặng. Trong hành trình tức tốc cứu nạn, các thủy thủy của tàu SAR 412 phải nắm rõ những nơi hay có nước xoáy, những nơi hay có tàu lạ quấy nhiễu để tránh mọi cản trở”. 

Bác sỹ đồng thời cũng là thủy thủ Trần Ngọc Quang cho biết: “Một trong những bí quyết để vượt sóng dữ là nắm được những biến cố của sóng, của vùng nước xoáy. Lăn lộn nhiều năm trên biển, các thủy thủ cứu hộ trên 2 con tàu đặc biệt này đã thuộc nằm lòng mọi quy luật của biển”. Bác sỹ Trần Ngọc Quang khi mới vào nghề, say sóng nôn ra mật vàng nhưng rồi lòng quyết tâm cứu người đã khiến anh quen với hành trình trên biển khơi. Anh tâm sự: “Nản chí là hỏng ngay. Hầu hết các ngư dân gặp nạn khi được cứu hộ xong sức khỏe rất yếu, có người thương tích đầy mình nên cùng một lúc người bác sỹ phải thành thạo mọi việc như sơ cứu, cấp cứu, băng bó…”.

Nhiều cuộc đấu trí cam go trên biển cũng để lại dấu ấn và kinh nghiệm sâu sắc với thuyền trưởng SAR 412 Phan Xuân Sơn. Anh Sơn kể: “Nguy hiểm nhất là bị tàu lạ và tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Họ rất giảo hoạt, chỉ hòng dụ chúng tôi vào bẫy. Cách đây ít tháng, khi tàu cứu hộ SAR 412 tìm cách tiếp cận và cứu tàu cá KH 96977 thì có 2 tàu Trung Quốc áp sát hai bên, ra sức ngăn cản, ép tàu SAR 412 không cho cứu tàu cá của ta. Tàu hải cảnh 35103 của Trung Quốc lại nhiều lần từ phía sau tăng tốc đột ngột vượt mạn phải và chặn đầu SAR 412, có lúc chỉ cách nhau vài mét. Nếu chúng tôi có chút nhụt chí hay sơ ý là tàu SAR 412 chắc chắn sẽ lao vào họ. Đó chính là cái bẫy họ giăng ra, thế nên các thủy thủ giảm nhanh tốc độ. Khi họ hung hăng thì mình giảm lại. Cuộc đấu trí giằng co, cuối cùng tàu họ phóng vượt lên không hãm được tốc độ. Tàu SAR 412 liền chớp thời cơ rẽ ngang tiếp cận và lai dắt tàu cá gặp nạn của ta vào bờ”. Đây chỉ là một trong hàng trăm cuộc cứu hộ cam go trên biển của các thủy thủ tàu SAR 412 và 247.

Có vợ trẻ nhưng lại thường xuyên phải xa đất liền, bác sỹ Quang bộc bạch: “Có những việc, những thời điểm quan trọng của gia đình thì mình lại lênh đênh cứu người trên biển. Nhưng được người thân hiểu và chia sẻ nên chúng tôi cũng yên tâm công tác. Chính sự chia sẻ của người thân góp phần tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi đấy”.

Với thuyền trưởng Lê Minh Thiện cũng vậy. Mấy chục năm lênh đênh giữa biển khơi để cứu người, các ngày Tết anh hầu như đều vắng nhà. Nhưng hiểu được công việc của anh nên người thân luôn động viên anh vững chí để xử lí mọi tình huống hiểm nguy trên biển. Lão ngư Trần Công Đức, người từng được các thủy thủ trên tàu SAR 247 cứu hộ lúc đang cận kề cái chết cho biết: “Với những người đi biển đánh bắt xa bờ như chúng tôi, các thủy thủ cứu hộ là biểu tượng của lòng quả cảm, của niềm tin và ngư dân nào cũng biết ơn họ, quý trọng họ”.