Võ Nguyên Giáp và Phạm Kiệt - tình bạn trong chiến đấu

ANTĐ - Hình ảnh và cuộc đời Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Phạm Kiệt là một mẫu mực về tình bạn chiến đấu chân thành, tình cảm nồng ấm thân thiết, trọn nghĩa vẹn tình…

Võ Nguyên Giáp và Phạm Kiệt - tình bạn trong chiến đấu ảnh 1Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Phạm Kiệt - Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy CAND vũ trang (ngoài cùng bên trái) trao đổi công việc trên tàu Hải quân tại vùng biển Quảng Ninh, tháng 2-1973

Cuối tháng 9-1945, ông Phạm Kiệt được giao là chỉ huy trưởng Ủy ban Quân chính Nam phần Trung bộ (từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào đến Bình Thuận và toàn vùng Tây Nguyên). Ông đã chỉ huy chiến dịch M'Đrăk, 101 ngày đêm bảo vệ Nha Trang thắng lợi làm cho quân Pháp ở Nam phần Trung bộ nao núng, khiếp sợ. Bởi vậy, thời đó, với biệt danh Tê-Đơ (T2), lực lượng vũ trang trong vùng luôn khiến quân Pháp và ngụy quyền kinh hồn bạt vía mỗi khi nhắc đến.

Chính trong giai đoạn này, một cuộc hội ngộ bất ngờ đã tạo nên tình bạn chiến đấu mẫu mực của 2 vị tướng.

Đầu năm 1946, nhà quân sự Võ Nguyên Giáp cùng một số vị đứng đầu cơ quan Chính phủ như Bộ trưởng Kinh tế Phan Anh được Bác Hồ phái vào miền Nam công tác. Tại đình Xuân Hoà - Ninh Hòa - Khánh Hòa, lần đầu tiên ông Phạm Kiệt được gặp mặt nhà quân sự - người đội trưởng đội tuyên truyền giải phóng quân - Võ Nguyên Giáp mà ông đã nghe danh từ lâu. Cũng khó lý giải vì nguyên nhân gì mà hai vị tướng lập tức trở nên gắn bó, thậm chí còn có nhiều duyên nợ trong sự nghiệp phụng sự nhân dân và Tổ quốc.

Đầu năm 1950, khi vượt qua hơn 1.000km xuyên rừng, vượt suối, băng ngàn, ông Phạm Kiệt ra đến chiến khu Việt Bắc. Ngay những ngày đầu tiên ở Việt Bắc, ông được gọi lên gặp Bác Hồ. Tại cuộc gặp này, Bác Hồ đã có lời căn dặn - chính là những lời định hướng cho sự nghiệp phục vụ nhân dân của tướng Phạm Kiệt sau này: “Nghe các đồng chí nói chú xin ở lại chiến đấu rồi đi học sau. Bác cũng nghĩ như thế…”. Và sau đó, Bác dí dỏm: “… Chú mà học về còn giặc đâu mà đánh”. Hình ảnh và sức truyền cảm của vị lãnh đạo tối cao từ đó luôn là niềm tin, động lực để ông hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Và người thứ hai, ảnh hưởng lớn đến con đường binh nghiệp của tướng Phạm Kiệt là Đại tướng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Võ Nguyên Giáp. Sau khi gặp Bác Hồ, ông Phạm Kiệt được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời lên làm việc. Thăm hỏi sức khỏe và gia đình xong, Đại tướng liền đi thẳng vào công việc: “Anh đã chỉ huy chiến đấu nhiều năm ở miền Trung, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, nên tôi muốn anh xuống ngay các đơn vị chiến đấu tham gia Chiến dịch Biên giới. Ý anh thế nào?”. Tại cuộc hội ngộ đó, hai vị chỉ huy, hai người con đất Quảng - Quảng Ngãi và Quảng Bình đã gắn bó với nhau chân thành, thân thiết và nồng ấm!

Đặc biệt, tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, sự gắn bó giữa hai ông đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp phụng sự Tổ quốc! Với niềm tin sâu sắc vào tướng Phạm Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho ông làm đặc phái viên mặt trận và trọng tâm đảm bảo công tác bí mật của chiến dịch. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng vì quân Pháp có thế mạnh trên bầu trời, chúng ta phải tuyệt đối bí mật hành quân và chiếm lĩnh trận địa cũng như nghi binh, lừa địch.

Theo dõi sát tình hình chiến trường giữa ta và địch, cuối tháng 1-1954, tướng Phạm Kiệt báo cáo với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và đề nghị tư lệnh chiến dịch xem xét thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Sau khi suy nghĩ và trao đổi với Bộ chỉ huy chiến dịch, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh rút quân và phương tiện chiến đấu về vị trí tập kết phía sau, nghiên cứu và xem xét lại phương châm tác chiến.

Bởi vì thế, bây giờ hễ nói đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, không thể không nhắc đến tướng Phạm Kiệt vì Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Anh Kiệt là người duy nhất lúc đó đề nghị tôi xem xét lại về kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh! Chỉ có Kiệt mới dám nói câu đó!”.

Chính đây là đỉnh cao, điểm nhấn của tình đồng đội - đồng chí - bạn chiến đấu giữa hai vị tướng - hai con người trung thực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Về sau khi tướng Phạm Kiệt đã được Bác Hồ điều chuyển sang lực lượng Công an nhân dân, làm Thứ trưởng Bộ Công an - Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, thì tình bạn, tình bằng hữu giữa hai ông lại càng khăng khít hơn, cùng nhau chung lo bảo vệ biên giới, biển đảo. Hai vị danh tướng vẫn thường xuyên làm việc cùng nhau, gặp nhau thăm hỏi và tâm sự ngay cả những lúc vui - buồn.

Hình ảnh và cuộc đời Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và tướng Phạm Kiệt là một mẫu mực về tình bạn chiến đấu chân thành, tình cảm nồng ấm thân thiết, trọn nghĩa vẹn tình…