Vào làng “mổ máy bay”
(ANTĐ) - Đường bê tông rộng rãi chạy vòng quanh làng, xe con, xe tải tấp nập về “ăn hàng” và thực hiện những thương vụ làm ăn, làng Quan Độ được nhiều người biết tiếng với những “đại gia” giàu lên từ nghề thu mua hàng phế liệu...
Máy bay cũng là phế liệu |
Giàu có nhờ phế liệu
“Từ đây phải đi mất độ chục cây nữa mới đến làng Quan Độ, có thể theo lối rẽ vào trường thể dục thể thao xuyên qua làng Đồng Kị hay đi trục đường chính dẫn vào huyện Yên Phong rồi men theo con đê chỗ cầu Nét đi thêm ba cây nữa là đến”, đó là lời chỉ đường của anh “xe ôm” khi tôi lơ ngơ hỏi đường vào làng Quan Độ, thị trấn Từ Sơn.
Gần 10 cây số không phải là quá xa nhưng để vào Quan Độ phải đi mất nửa giờ đồng hồ. Con đường dẫn vào làng bị cày nát bởi những chuyến xe chở hàng ngày đêm tấp nập. Những “ổ trâu, ổ gà” khiến chiếc xe chồm lên thụt xuống như lướt sóng, luôn phải tập trung để tránh những “cái bẫy” giữa đường.
Cảnh đầu tiên không phải cây đa bến nước mà là những con đường bê tông rộng rãi chạy vòng quanh làng, xe con, xe tải tấp nập về “ăn hàng”. Chạy xe một vòng quanh làng, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi ngổn ngang những bãi phế liệu “hạng nặng”. Từ ôtô, máy kéo... cho đến cả máy bay khi đã “về hưu” đều có mặt tại các điểm tập kết hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hội - Chủ tịch xã Văn Môn tiếp chuyện chúng tôi khá xởi lởi. Trước câu hỏi của chúng tôi về chuyện “mổ” máy bay ông Hội cho biết: “Mổ máy bay thì có gì là lạ đâu, từ những năm 90 khi bắt đầu có phong trào thu mua phế liệu thì thi thoảng làng đã có vài chuyến hàng là máy bay cũ. Khi còn làm xã đội tôi cũng đã từng khuân từ sân bay Cát Bi, Hải Phòng về 2 chiếc. Nếu đến đúng dịp hàng về thì mới thấy được sự nhộn nhịp của làng nghề Quan Độ, còn đợt này chỉ có vài chiếc máy bay loại nhỏ mà mấy cơ sở để ngay trước cửa thôi”.
Ông Hội cũng cho biết: “Quan Độ có 520 hộ, với khoảng 2.500 nhân khẩu, trước đây vốn là một làng thuần nông nhưng bây giờ chẳng còn mấy nhà gắn bó với con trâu cái cày nữa. Đa phần đều chuyển sang thu mua, phá dỡ, phân loại hàng. Cái nghề này đang đem lại những khoản thu không nhỏ cho các hộ. Cũng từ cái nghề này mà nhiều người sắm được cả nhà lầu, xe hơi”.
Những ngôi nhà thế này không phải là hiếm ở Quan Độ |
Nhộn nhịp như công trường
ở bãi tập trung gần khu chợ, lô hàng mới nhập về là những chiếc biến áp, ôtô đang được đội thợ ra tay mổ xẻ. Âm thanh chát chúa phát ra khi những nhát búa giáng xuống, tiếng xì xì của những mỏ cắt hơi không mấy lúc dừng lại. Chỉ với những công cụ thô sơ như búa đinh, búa tạ... và chiếc đèn khò là đủ để “phẫu thuật” mọi loại hàng.
Anh Long mới “tậu” được lô hàng hơn chục chiếc ôtô tải thanh lý, mấy hôm nay phải gọi cả thợ ở bên Đồng Hương vào làm hộ vì trong làng đợt này hàng về nhiều nên thiếu nhân công. Mỗi chiếc xe chỉ cần 3 thợ làm trong hơn ngày là đâu vào đấy.
Anh Long cho biết: “Lô này chỉ thuộc dạng cò con thôi, xử lý xong cũng kiếm được chút ít. Tháng trước, mấy anh em trong nhà chung vốn “đánh quả” lớn, nhập về một chiếc tàu biển, làm gần tháng mới xong”.
“Nói “mổ” máy bay thì nhiều người thấy lạ thôi chứ cũng không phải là những lô hàng lớn. Tất cả máy bay đã được tháo hết vũ khí, linh kiện... nói chung những lô hàng phế liệu này đều được kiểm tra rất chặt chẽ trước khi bán cho tư nhân. ở đây thì máy bay, xe tăng cũng chỉ là phế liệu.
Điều quan trọng làm sao “mổ xẻ” được ít đồ và biến tất cả những thứ còn lại thành những tấm thép vuông vức, rồi xuất đi là xong. Dân Quan Độ mua máy bay, tàu hỏa, xe tăng... theo kiểu mua sắt vụn. Về lọc riêng “nội tạng”, thứ nào ra thứ đó”, anh Long giảng giải.
Để có được những lô hàng từ khắp nơi chuyển về làng, các “đại gia làng phế liệu” cũng phải chi không nhỏ cho đội quân chuyên săn lùng hàng. Đội quân này được rải khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc đều có cả. Chỉ cần nơi nào có thông tin là đội quân này có mặt túc trực và nắm bắt thời cơ để khuân được lô hàng.
Ẩn họa khôn lường
Người dân làng Quan Độ còn nhớ từng có những vụ nổ đầu đạn, nổ bình khí mấy năm về trước. Cách đây 3 năm, một buổi chiều dân Quan Độ bàng hoàng vì tin 3 ông cháu với một người thợ phải vào viện cấp cứu vì hít phải khí độc.
Thì ra một bình hóa chất trong lô hàng nhập từ Lâm Thao bị thợ quai búa vào khiến khí độc thoát ra. Rồi vụ nổ bình hơi làm chết người. Đó là những vụ lớn, còn chuyện bị sắt rơi gẫy chân hay dập tay là chuyện thường tình.
Ông Chủ tịch xã cũng không khỏi lo ngại với tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề này: “Dân làm nghề cứ thấy phế liệu là mua, dây kim loại có vỏ bọc mang về đốt vỏ khói đen bay mịt mù. Rồi cả rác thải kèm theo cũng đổ lung tung không được xử lý gây ô nhiễm môi trường... Xã cũng đang đau đầu tìm cách khắc phục để người dân làng Quan Độ vừa làm giàu vừa có môi trường trong lành”.
Anh Tú