Tướng cướp trả nợ đời bằng… tranh!

ANTĐ - Vẫn biết mỗi người sinh ra đều có mỗi cảnh, mỗi phận, mỗi chuỗi thăng trầm cùng những biến cố khác nhau. Đặc biệt là với những người từng một thời sa ngã. Nhưng câu chuyện của trần văn Hảo vẫn khiến tôi nhiều lần cay mắt khi nghĩ lại. Tội lỗi chất chồng nhưng xót xa cũng không ít. Sâu kín trong tâm can mỗi người luôn là tính thiện, vấn đề là tính thiện ấy có được đánh thức hay không? Trần Văn Hảo, ở Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh) là một người như vậy…

Tướng cướp trả nợ đời bằng… tranh! ảnh 1Trần Văn Hảo hoàn lương bằng cách trở thành tuyên truyền viên chống HIV

Sa ngã

Giữa dòng người hối hả, phố xá ồn ào ngày cuối năm, Trần Văn Hảo thu mình vào một góc quán nhỏ chìm khuất trên quốc lộ 1K (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Anh vừa kết thúc một chuyến đi tuyên truyền về tác hại của ma túy, HIV.

Cuộc sống đã có lúc ghẻ lạnh với Hảo đến tận cùng, người ta gọi anh bằng những từ đầy ác cảm là hắn, là tên sát nhân nhưng anh vẫn chấp nhận bởi đó cũng là cái giá anh phải trả cho những chuỗi ngày lầm lỗi của mình. Sinh năm 1971, tuổi ngoài 40 nhưng Hảo vẫn quyết sống cô độc bởi vẫn còn chưa cởi bỏ hoàn toàn được nỗi ám ảnh của một thời chém giết như cơm bữa. 

Nhớ lại những tháng ngày lầm lỗi, Hảo kể rằng: “Bây giờ tôi có hộ khẩu ở tận Tân Biên (Tây Ninh) vùng giáp danh biên giới ấy. Được nhập hộ khẩu ở đó cũng vì sự thương tình của một người tốt bụng chứ khi ra tù chẳng ai dám đến gần tôi cả. Quê hương cũng chẳng còn nhớ rõ đường về”. Quê gốc tận Lạng Sơn, Hảo là con một trong một gia đình nghèo. Năm 1985, gia đình anh gặp nhiều biến cố, bố mẹ Hảo dính vào một vụ vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới vì một số đối tượng xấu dụ dỗ.

Sau nhiều ngày trốn chui, trốn lủi, bố mẹ Hảo vượt biên sang Trung Quốc và cũng từ đó không bao giờ còn thấy họ ở đâu nữa. Căn nhà ván bị các chủ nợ nhanh chóng đến dỡ đi. Ông bà nội ngoại vì quá xấu hổ nên cũng làm ngơ với Hảo. Bỗng nhiên anh thành đứa bé không nhà cửa. Hảo buồn bã nhớ lại: “Tôi nghỉ học ngay sau đó mấy ngày vì đến trường bạn bè đều châm chọc là con nhà tội phạm, là đứa không nhà. Uất ức nhưng cũng chỉ biết ngậm ngùi mà thôi”.

Vốn có năng khiếu vẽ nên năm 1986, Hảo bám càng một chiếc xe tải về Hà Nội mưu sinh. Sau 5 tháng trời lang thang bụi đời, Hảo được nhận vào một cửa hàng vẽ pano, áp-phích quảng cáo. Vừa học vừa làm suốt 2 năm tay nghề của anh nhanh chóng được nâng cao, khả năng vẽ của Hảo chẳng khác nào một họa sỹ có nghề. Để không tiêu phá hết món tiền công, Hảo nhờ ông chủ giữ giúp. Nào có ngờ sau 2 năm làm công, trong một đêm bỗng nhiên ông chủ chuyển đi mất cùng với 2 năm tiền công của Hảo. Buồn bã và tủi hận đến cùng cực. Suốt mùa đông năm ấy Hảo phải đi vẽ chân dung thuê ở các công viên và ngủ dưới gầm cầu, những món tiền lẻ tích cóp được anh cũng bị đám du côn cướp mất. Lòng uất hận càng dâng cao, Hảo nghĩ cuộc đời chẳng còn ai tốt, toàn lừa lọc. 

Được sự giới thiệu của một người bạn bụi đời, Hảo dạt về Vinh và gia nhập băng Hải “sẹo”. Từ đó, những cuộc đánh chém liên miên đến với cuộc đời Hảo. Năm 1989, Hảo nhận “nhiệm vụ” đầu tiên đại ca Hải giao cho là chém trọng thương hai ông chủ cửa hàng tạp hóa. Vụ việc gấy chấn động nhưng không ai dám báo công an. Sau đó năm 1990, Hảo lại tiếp tục dẫn thêm 5 đàn em khác đi chém thuê 3 vụ ở Hà Tĩnh đều trót lọt. 

Đến năm 1991, Hải “sẹo” chết thảm vì một vụ tai nạn giao thông. Với những “thành tích” của mình, Hảo nhanh chóng được suy tôn lên làm thủ lĩnh băng cướp. Được xưng tụng, được tung hô, Hảo càng khoái chí và chìm sâu vào con đường tội lỗi. Năm 1992, Hảo dẫn thêm 7 tên đàn em đi cướp và giết chết ông ông chủ tiệm vàng ở thành Vinh. Cả nhóm mỗi tên lĩnh án 6 năm tù giam. Năm 1996, mãn hạn tù, Hảo tiếp tục móc nối với một số tên lưu manh quen trong tù gây dựng lại băng nhóm mới. Năm 1997, băng nhóm do Hảo cầm đầu tiếp tục gây ra một vụ cướp của và giết người nghiêm trọng, mỗi tên trong băng nhóm của Hảo bị tuyên án 11 năm tù giam.  

Đánh thức tính thiện 

Năm 2007 sau khi thụ án mãn hạn tù, Hảo trở về huyện Thanh Chương tìm một người bạn cũ hòng tạo lại thanh thế. Nhưng người bạn này đã quyết tâm từ giã giang hồ. Hơn nữa ở thành Vinh khi đó các băng nhóm khác mạnh hơn, biết mình không còn xưng hùng, xưng bá ở đó được nữa nên Hảo khăn gói đi tìm mảnh đất mới. Vào Bình Dương, chân ướt chân ráo, không dám hành nghề cũ, Hảo làm nghề đập đá tự do cho Công ty đá Nam Long. Cuộc đời cũng như nhận thức của Hảo cũng bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ chính trong những ngày gian khó này.

Hảo tâm sự: “Những trận hỗn chiến khiến cho khắp người tôi đau nhừ mỗi khi trở trời, đi làm công nhân đá ngày được ngày mất. Nhớ mãi cuối năm 2008, trong một lần cố đập thêm đá để có tiền trang trải cuộc sống, tôi gặp tai nạn, đá đè dập xương chân. Công ty không trọng dụng nữa, nằm bẹp gí trong túp lều nghĩ rằng cuộc đời mình xem như chấm dứt trong sự tàn phế nhưng sự căm hận cuộc sống lại trỗi dậy. Chỉ muốn đi cướp trở lại. Nhưng nhìn xuống cái chân dập nát của mình lại càng cay đắng hơn”. Đúng lúc này, Hảo được nhà sư Thích Mộng Tùng ở một ngôi chùa của huyện Phú Giáo mang đi cứu chữa và hàng ngày cận kề chăm sóc. 

Sau khi phẫu thuật và đóng đinh, còn có cơ hội cứu chữa để khỏi tàn phế vĩnh viễn, nhà sư Thích Mộng Tùng lại gửi Hảo đến nhà một người bạn của ông làm nghề bốc thuốc nam ở biên giới Tân Biên, Tây Ninh. Tin tưởng lời gửi gắm của nhà sư Thích Mộng Tùng nên Hảo đã được ông thầy thuốc nam chăm sóc tận tình, chu đáo mà không hề có chút đòi hỏi công cán gì. Lúc này Hảo mới nhận thấy cuộc sống không phải tất cả đều xấu như xưa nay anh vẫn thường nghĩ.

“Ngày chia tay nhà sư Thích Mộng Tùng tôi xúc động không nói nên lời, ông không chỉ giúp tôi thoát khỏi tình trạng đớn đau mà còn dạy rất nhiều bài học. Ông thầy thuốc nam ở Tây Ninh là Nguyễn Văn Mậu cũng tận tình lo cho tôi như người thân, cho ăn uống và dìu đỡ tôi tập luyện để chân có thể đi được. Điều này khiến tôi cảm động vô cùng, dẫu nhà ông Mậu cũng chẳng khá giả gì”, Trần Văn Hảo bộc bạch. Chính những tấm chân tình đó đã đánh thức tính thiện trong sâu thẳm của Hảo, anh quyết tâm trở thành người lương thiện. Ý nghĩa quay lại cướp cũng dần bị xóa nhòa trong anh.  

Trả nợ đời

Sau khi lành chân, Hảo xin được ở lại làm công và giúp việc cho gia đình ông Mậu. Từ một tội phạm khét tiếng, anh nhanh chóng “lột xác” hẳn thành một nông phu làm việc quần quật cả ngày như để quên đi mọi lỗi lầm trước đây. Tính tình cũng hòa nhã trở lại nên cũng được gia đình ông Mậu quý mến dù biết rõ quá khứ của Hảo. Năm 2011, bước sang tuổi 40 nhưng thấy Hảo vẫn chăn đơn gối chiếc nên gia đình ông Mậu tính mai mối cho anh một phụ nữ cũng dang dở chuyện tình duyên nhưng Hảo đã chối từ. Tất cả thời gian rảnh sau khi làm rẫy trở về, anh lại vẽ cho khuây khỏa vì đó là sở thích từ khi ấu thơ của mình.

Cuối năm 2011, trong một lần về thăm Trung tâm Phòng chống HIV ở TP.HCM, bị ám ảnh trước hình dạng những bệnh nhân đang chuyển sang giai đoạn cuối. Sau nhiều đêm trằn trọc, Hảo nghiệm ra rằng chính trong môi trường đầu đường xó chợ, trong các khu tụ tập của nhiều đối tượng cơ nhỡ là “ổ” phát sinh ra căn bệnh thế kỷ này nhiều nhất vì hơn ai hết, chính Hảo đã từng có thời gian dài sống trong môi trường đó nên anh thấu hiểu. 

Một ý tưởng mới nhanh chóng nảy ra trong đầu Hảo là anh sẽ dùng tất cả hiểu biết của mình về tác hại của bệnh HIV, việc nghiện ma túy để chuyển tải lên những bức tranh do chính tay mình vẽ. Nhận được sự đồng ý của gia đình ông Mậu, mỗi năm Hảo dành ra 4 tháng nông nhàn đi vẽ tranh về tác hại của ma túy và  HIV đến khắp các ngõ ngách ở Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, những nơi tụ tập các thành phần “bất hảo” để tuyên truyền. Hảo giãi bày có nhiều người cũng vì hoàn cảnh đưa đẩy nên họ sa lầy vào môi trường xấu. Tôi không ngại lao cả vào những ổ bụi đời để tuyên truyền cho họ hiểu. Đó cũng là cách tôi trả nợ đời vì những lầm lỗi của mình từng gây ra. Nhiều đối tượng nghiện ma túy đã thức tỉnh nhờ sự tuyên truyền của tôi, thế cũng là niềm vui và ý nghĩa rồi. Nhiều người tâm sự với tôi rằng, họ cũng muốn quay về làm người lương thiện nhưng không có ai tuyên truyền cho họ hiểu và còn ghẻ lạnh với họ mà thôi.