Từ Trường Sa, hướng về Hà Nội

(ANTĐ) -Tôi có may mắn được đến Trường Sa vào độ phong ba đang nở hoa. Ở nơi mà sự khắc nghiệt của thiên nhiên luôn hiện hữu, loài cây ấy vẫn bung ra chùm hoa trắng nhỏ xinh, tinh khiết trái ngược với cái tên đầy bão tố của mình.

Từ Trường Sa, hướng về Hà Nội

(ANTĐ) -Tôi có may mắn được đến Trường Sa vào độ phong ba đang nở hoa. Ở nơi mà sự khắc nghiệt của thiên nhiên luôn hiện hữu, loài cây ấy vẫn bung ra chùm hoa trắng nhỏ xinh, tinh khiết trái ngược với cái tên đầy bão tố của mình.

Cánh lính đảo yêu mến đặt cho loài hoa ấy một cái tên rất lãng mạn: “hoa sữa của biển”. Những người lính đảo quanh năm sống giữa nắng, gió và vị mặn mòi của biển, nhưng họ bảo mỗi lần phong ba nở hoa lại thấy Hà Nội như thật gần với Trường Sa…

Mơ ước một lần về Hà Nội

Lính đảo Trường Sa, mỗi người đều đến từ một miền quê khác nhau trên dải đất hình chữ S, nhưng khi nhắc về Hà Nội luôn gợi lên trong họ điều gì đó thật gần gũi. Với Phạm Ngọc Lâm chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây, ước mơ của anh là một lần được ra Hà Nội và đến thăm Lăng Bác. Lâm sinh năm 1992 quê ở Bố Trạch, Quảng Bình. Rời ghế nhà trường, Lâm nhập ngũ rồi ra nhận nhiệm vụ tại đảo.

 Biết tôi trong đoàn công tác của Thủ đô ra thăm Trường Sa nên tranh thủ trong lúc dẫn tôi đi tham quan đảo, Lâm hỏi rất nhiều về Hà Nội. Lâm mới chỉ biết đến Hà Nội qua sách báo và ti vi. Trong hình dung của người lính trẻ ấy, Hà Nội rất đẹp, đông vui và… có nhiều món ăn ngon. Lâm bảo: “Sau này, khi về đất liền nếu có dịp được ra Hà Nội em sẽ tới hồ Gươm, thăm phố cổ và thưởng thức bằng được món phở Hà Nội…”. Còn với Trung úy Nguyễn Văn Lai ở đảo Nam Yết khi kể cho tôi nghe những kỷ niệm về Hà Nội, anh vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên được thưởng thức đặc sản cốm làng Vòng. Lai đã gắn bó với Trường Sa được gần 5 năm. Trước đây khi còn công tác ở đảo Sinh Tồn Đông, cùng đơn vị với anh có một chiến sĩ người Hà Nội.

Cuộc sống thường ngày của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa
Cuộc sống thường ngày của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa

Trong một dịp gia đình người đồng đội gửi quà ra đảo có cả món cốm làng Vòng. Đấy là lần đầu tiên người lính quê Hà Tĩnh được thưởng thức hương vị đặc sản của đất Hà thành. “Dù đã 3 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn hình dung được cảm giác rất ngọt và thơm của cốm làng Vòng. Tôi biết Hà Nội còn có rất nhiều những đặc sản khác nhưng được thưởng thức một chút gì đó của Hà Nội ở Trường Sa, giữa muôn trùng sóng gió có lẽ là điều không bao giờ quên được. Dù không phải quê Hà Nội nhưng khi thưởng thức đặc sản của Hà Nội ở đây, tôi bỗng cảm thấy nhớ và yêu Hà Nội một cách da diết, tựa như mình đã gắn bó với mảnh đất này từ lâu lắm… ” - Lai chia sẻ với tôi một cách chân thành như vậy.

Những ngày được sống ở Trường Sa đã giúp tôi “ngộ” ra một điều về những người lính đảo. Cho dù ở trong những hoàn cảnh khắc nghiệt và gian khổ nhất, nhưng sự lãng mạn lúc nào cũng thường trực trong tâm hồn của họ. Trong cái lãng mạn ấy, họ đã hình dung về một Hà Nội thật đẹp và nên thơ. Đinh Phi Hoàng sinh năm 1990 nhà ở quận 9, TP.HCM, ra đảo Nam Yết được 9 tháng.

Chưa từng được biết đến Hà Nội nhưng khi nhắc về Hà Nội, Hoàng nói: “Em chỉ muốn một lần được thưởng thức cái lạnh thấu xương của Thủ đô. Em đã được nghe bạn bè kể về mùa đông ở Hà Nội, nhưng chưa hình dung được cái lạnh của Hà Nội thế nào. Nếu có điều kiện em muốn được dạo một vòng hồ Gươm trong buổi sáng mùa đông để được chiêm ngưỡng Tháp Rùa mờ ảo trong làn sương sớm”. Còn Trung úy Phan Ngọc Anh đang công tác tại đảo Đá Nam, quê Lộc Hà - Hà Tĩnh lại cảm nhận Hà Nội theo một cách rất riêng.

Anh rất ấn tượng về nét văn hóa của người Hà Nội qua phong thái cũng như cách nói chuyện. Đặc biệt là với con gái Hà Nội. “Trong những lần được tiếp xúc với các đoàn công tác ra thăm đảo, tôi rất ấn tượng với con gái Hà Nội, không chỉ bởi nét đẹp nữ tính mà còn có giọng nói dịu dàng, mang lại một cảm giác rất thân thiện, dễ nghe, dễ đi vào lòng người. Với cá nhân mình, tôi mong ước cho thành phố Hà Nội sẽ luôn vững mạnh và phát triển xứng đáng là Thủ đô anh hùng nghìn năm văn hiến, trái tim của cả nước…” - Ngọc Anh chia sẻ.

Nơi tình yêu ở lại…

Trong câu chuyện về tình yêu với Hà Nội của những người lính Trường Sa, tôi đã may mắn được chia sẻ những cảm xúc về một Hà Nội rất riêng trong sâu thẳm mỗi trái tim của họ. Đó là Hà Nội trong mối tình vừa chớm nở của Lê Duy Toàn, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông. Toàn sinh năm 1991 ở Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội. Trước khi nhập ngũ Toàn là công nhân của nhà máy Panasonic Việt Nam tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài. Ở cùng tổ với Toàn có một người con gái tên Lan.

Trong con mắt Toàn, Lan là một cô gái nữ tính, nhẹ nhàng, kín đáo, đủ để làm rung động trái tim của chàng trai như anh. Quen nhau cũng khá lâu nhưng tình cảm của 2 người dành cho nhau mới chỉ dừng lại ở những nụ cười và ánh mắt. Cho tới ngày Toàn nhận được quyết định nhập ngũ. Nhớ lại buổi hôm đó, giọng Toàn vẫn run run vì xúc động: “Hôm mang quyết định tới nhà máy để khoe với mọi người bọn em đã ngồi với nhau rất lâu, và lúc đó em đã lấy hết can đảm để ngỏ lời với cô ấy.

Trước lúc em lên đường nhập ngũ Lan đã tới gặp em và tặng em món quà là chiếc thắt lưng trong đó có lời dặn dò chúc em lên đường mạnh khỏe, sớm hoàn thành nhiệm vụ. Cô ấy sẽ đợi em về”. Khác với Toàn, Chuẩn úy Lê Thanh Thành sinh năm 1986 quê Thanh Hóa, chiến sĩ báo vụ trên đảo Sinh Tồn Đông lại có một tình yêu với Hà Nội ngay ở tại Trường Sa.

 Thời gian trước đây Thành công tác tại đảo Song Tử Tây và được một người bạn cho số điện thoại và địa chỉ của một người con gái đang làm việc ở Hà Nội viết thư kết bạn với những người lính ở đảo.

Hai người thường xuyên trao đổi thư cho nhau, và trong lần về phép gần đây Thành đã được gặp mặt người con gái mà anh mới chỉ được hình dung qua trí tưởng tưởng. Kể từ sau lần ấy là tiếp tục những tháng ngày được chia sẻ với nhau qua những dòng thư, tin nhắn và những cuộc điện thoại nhưng họ cũng đã kịp tìm được sự đồng cảm từ nhau.

Thành tâm sự: “Bạn gái mình hiện đang làm việc ở một siêu thị tại Hà Nội. Tuy thời gian ở bên nhau chưa nhiều nhưng trong những cuộc nói chuyện, tâm sự cô ấy rất hiểu cảm thông với những người lính xa nhà như mình. Mình tin rằng thời gian ở cách xa sẽ giúp cho bọn mình gắn kết với nhau hơn…”.

Đại úy Nguyễn Trọng Phương có gia đình ở Cầu Giấy, hiện là đảo trưởng đảo chìm Cô lin. Cưới vợ được 5 năm thì có đến 4 năm anh xa nhà và có mặt trên các điểm đảo tại Trường Sa. Vợ anh, người bạn học từ ngày phổ thông sau gần 10 năm yêu nhau dường như đã quá quen thuộc với sự vắng mặt của chồng. Ngay đến cả lúc chị sinh con phải cấp cứu ở viện thì anh mới kịp sắp xếp công việc để về phép. Khi con trai được 6 tháng tuổi, anh lại ra nhận nhiệm vụ ở đảo chìm Đá Đông.

Hơn 20 tháng xa gia đình, lúc về đi đón con ở nhà trẻ Nghĩa Đô cháu đã gần 3 tuổi. Khi nhìn thấy bố đi cùng với mẹ cháu chỉ chạy ra ôm chân mẹ rồi nhìn anh một cách lạ lẫm. Mẹ bảo gọi bố nhưng cháu không nhận, bảo đấy không phải là bố vì bố là bộ đội, còn chú này không mặc quần áo bộ đội. Phương bảo: “Những lúc như vậy, tôi cũng buồn lắm, nhưng nghĩ mình là người lính, luôn phải sẵn sàng đi nhận nhiệm vụ ở bất cứ nơi đâu, chỉ thương vợ con ở nhà thiếu đi hơi ấm của người chồng, người cha.

Những thời gian tranh thủ được về phép ở nhà, tôi thường tìm cách để bù đắp cho vợ những khoảng thời gian xa cách, dù chỉ là những việc nhỏ thôi như chở vợ đi ăn chè hay ăn chân gà nướng. Rồi buổi tối 2 vợ chồng hay cho con đi dạo hồ hay hóng mát ở sân vận động Mỹ Đình. Nhưng đó cũng là những niềm vui không gì có thể sánh được…”.

Từ Trường Sa, núm ruột thân thương của Tổ quốc đến Thủ đô Hà Nội là một khoảng cách địa lý không thể lấp đầy. Thế nhưng cái khoảng cách ấy chưa bao giờ có thể làm vơi đi tình cảm của những người chiến sĩ trên đảo xa với Hà Nội. Trong họ, dù có những người chưa từng một lần được biết đến Thủ đô nhưng ở nơi quanh năm chỉ thấy nước và trời họ vẫn luôn hướng về trái tim của tổ quốc. Và chúng tôi đã mang về từ Trường Sa những tình cảm thân thương của họ gửi tới đất liền, gửi tới Hà Nội như một tình yêu vững bền và thiêng liêng.

Việt Cường