Trang đời cảm động về người anh cả đời ở vậy nuôi em

ANTĐ - Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất trong đời sống con người. Vì thế trong kho tàng văn học dân gian đã có biết bao tiếng hát, lời ru, câu chuyện… khuyên nhủ mọi người hãy xây dựng tình cảm gia đình đầm ấm, thuận hòa. anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần. Cổ tích giữa đời thường ấy tưởng xưa nay hiếm vậy Mà vẫn còn đó một người anh đã hy sinh hạnh phúc cả cuộc đời mình để chăm sóc từng miếng ăn, giữ từng giấc ngủ ngon em cho đứa em gái bệnh tật. 

Trang đời cảm động về người anh cả đời ở vậy nuôi em ảnh 1Căn nhà nơi anh Vũ và chị Nguyệt sinh sống

Về nơi cổ tích hiện diện

Tình anh em được ngợi ca ấy tồn tại ở thôn Thượng, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trong một chuyến công tác đến nơi đây, tôi quyết tâm tìm đến để tận mắt thấy câu chuyện cảm động đã được nghe kể lại. Men theo con đường liên xã qua địa phận thôn Thượng, hỏi thăm thì được chỉ đến một căn nhà mái ngói, tường gạch chưa vôi ve vữa chát nằm ven đường, nó mong manh, lụp xụp được bao quanh bởi cây cỏ mọc um tùm như thiếu bàn tay chăm sóc của chủ nhà.

Loay hoay tìm lối cũng vào tới chính diện ngôi nhà, từ ngoài nhìn vào chỉ thấy trong ngôi nhà tuềnh toàng một cô gái đang ngồi thu lu một góc, miệng ú ớ những âm thanh vô nghĩa, đôi mắt ngây dại ngó trước nhìn sau lơ đễnh. Nếu không có sự hiện diện của cô gái ấy có lẽ ai cũng nghĩ nó là ngôi nhà bị bỏ hoang. Ở gian trên, nhìn quanh phòng có lẽ tài sản quý nhất là chiếc tủ để bàn thờ và hai chiếc giường cũ; gian dưới là nơi nấu nướng có cái xoong, cái chảo bị méo và vài chiếc bát mẻ đã xỉn màu. Chủ nhân của căn nhà tồi tàn này là anh Đinh Xuân Vũ (SN 1966) và em gái là chị Đinh Thị Nguyệt (SN 1974). Muốn gặp anh Vũ ở nhà thì chỉ có cách đến lúc giữa trưa hoặc ban tối khi anh đi làm công làm mướn về; chị Nguyệt thì cả ngày ở nhà, không nói được nên chẳng dám đi đâu. Những việc vặt trong nhà như quét nhà, rót nước… chị Nguyệt vẫn làm được nhưng phải có sự “sai khiến” của anh trai mình chị mới làm chứ không tự giác làm được việc gì. 

Bất hạnh bủa vây

Theo lời kể của anh Đinh Xuân Vũ, anh và em gái mình chuyển về sinh sống ở thôn Thượng, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh đã mười mấy năm có lẻ. Trước đây, gia đình sống ở xã Diên Lạc và cũng chẳng có gì ngoài nỗi bất hạnh để kể. Anh Đinh Xuân Vũ là con cả trong gia đình có 4 anh chị em, cũng vì thế mà anh phải lo toan, cáng đáng tất cả mọi việc từ khi mới lớn.

Người em gái thứ hai của anh sinh năm 1969, cuộc đời không may mắn khi lên ba tuổi đã qua đời vì bệnh tật… Năm 1974, cô em gái Đinh Thị Nguyệt chào đời thì cha anh cũng mất. Bất hạnh vẫn chưa buông tha gia đình anh khi Nguyệt được hơn 1 tuổi, bắt đầu bi bô tập nói thì bị trúng gió, sau lần đó Nguyệt cứ lớn lên trong câm lặng, chỉ phát ra những tiếng ú ớ ngây dại một cách vô nghĩa. Nhà nghèo,  không có tiền thuốc thang chạy chữa, Nguyệt phải “ôm” bệnh tật lớn lên cho đến tận bây giờ.

Sau bao biến cố gia đình, mọi khó khăn vất vả đè nặng lên đôi vai của người mẹ, bà cố gắng lo cho cậu con trai cả và người con thứ ba ăn học để bằng người. Học được, nhưng gia cảnh khó khăn, lại là anh cả nên Vũ phải bỏ ngang đi làm thuê đỡ đần mẹ nuôi các em. Cuộc sống cứ thế trôi đi, người mẹ già sức khỏe ngày một yếu, người em trai thứ ba lại thích sống cuộc đời lang bạt nên cứ nay đây mai đó khắp các tỉnh thành và dừng chân lập gia đình tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, cuộc sống cũng chẳng dư dả gì để có thể chăm mẹ đỡ anh nuôi em gái bệnh tật. Mọi chi tiêu trong gia đình nhỏ ấy đều từ mồ hôi sức lao động do anh Vũ làm thuê mà có.

Thấy con cơ cực, mẹ anh đã bán nhà rồi chuyển đến chỗ khác nhỏ hơn để thừa ra ít tiền cho anh lấy vốn làm ăn. Nhưng thương mẹ và em, nên số tiền thừa ấy anh Vũ lại để dành để lo thuốc thang cho mẹ và em gái nên cũng dần hết. Dọn đến chỗ ở mới được 2 năm thì mẹ qua đời; trước khi nhắm mắt người mẹ dặn anh phải cố gắng chăm sóc em gái khờ dại. Ngày còn mẹ, tuy tuổi già sức yếu không làm được gì nhiều nhưng còn ở nhà cơm nước, chăm em để anh yên tâm đi làm thuê khắp nơi. Khi mẹ mất đi, anh phải phân thân ra vừa đi làm vừa thay mẹ chăm em nên chẳng dám đi làm đâu xa mà chỉ chọn chỗ gần nhà để đến trưa còn tranh thủ về nhà nấu cơm cho em, xong lại tất tả đi làm đến tối xẩm mới về. Vất vả, khó khăn, hy sinh, thế nhưng anh chưa bao giờ quên lời mẹ dặn, một lòng chăm sóc cô em gái thiệt thòi. 

 

Sự hy sinh lớn lao

Chúng tôi tìm vào nhà đúng bữa trưa của hai anh em, anh Vũ lấy cho chị Nguyệt bát cơm, món rau luộc và cá kho được để vào một góc. Anh Vũ bưng bát cơm đến cạnh giường cho chị Nguyệt để chị tự ăn không quên dặn chị ăn từ từ không nghẹn. “Vài năm trở lại đây nó không muốn ai đút cho ăn nữa, nó quen ăn bốc rồi, dạy dùng thìa chẳng được”, anh Vũ tâm sự. Chuẩn bị đồ ăn cho em gái xong, anh ra một góc ngồi xuống ăn cho qua bữa. Ăn xong, anh rít vội điếu thuốc rồi tranh thủ kể lại quãng đời khổ cực của mình.

Năm nay anh 49 tuổi, gương mặt sạm đi vì sương gió nhưng chưa một lần anh dám nghĩ đến chuyện lập gia đình riêng. Hồi còn trai trẻ, cũng có vài mối đến đánh tiếng nhưng do mặc cảm về phận nghèo, phần nữa vì gánh nặng gia đình, cơm áo nên anh bỏ ngoài suy nghĩ chuyện vợ con. Trong tâm trí anh luôn nghĩ rằng, chỉ mình chịu khổ chứ đừng để cho người khác khổ vì mình. “Mình khổ cực làm thuê nuôi em gái sống qua ngày thôi chứ nhà nghèo vậy nghĩ làm gì đến chuyện vợ con. Cũng có nhiều người thấy hoàn cảnh tôi vậy thương muốn hỏi vợ giúp nhưng nhà tôi hoàn cảnh khó khăn thế lấy người ta về khác gì mang khổ nhọc cho người ta. Tôi không làm được”, anh Vũ tâm sự. 

Sống đến hôm nay, gần như anh dành trọn thời gian để làm những công việc người ta thuê mướn. Anh nhận làm bất cứ công việc đồng áng nào như phun thuốc sâu, cắt cỏ, cắt lúa, chặt mía, làm màu… mỗi mùa lại có việc làm khác nhau. Anh làm nhiều nên quen việc, người thuê anh vì thấy anh chăm chỉ, chịu khó nên giới thiệu cho nhiều người khác nhau, nhờ vậy mà công việc anh cũng đều đều để có tiền nuôi em. Thế nhưng, chắt chiu cả năm nhưng một đợt ốm của cô em gái là tài sản lại trở về tay trắng khiến anh lại phải đi chạy ăn từng bữa. 

Sáu năm trước, một xe chở mía đi qua, do mía chất cao làm đường dây điện nhà anh Vũ bị đứt. Đang lúc khốn khó anh cũng chả buồn mắc lại điện, anh nghĩ cũng là một cách để tiết kiệm. Vậy nên, căn nhà chẳng có đồ điện gì, cứ tối đến người ta chỉ thấy đèn dầu leo lét một lúc. Vì chị Nguyệt không nói được, anh Vũ lại đi làm suốt chỉ tối mới về, khi về lại ngủ sớm do mệt nên chả mấy khi có tiếng người nói chuyện ở trong căn nhà. Chả thế mà sống ở cùng thôn nhưng cũng có người chẳng nhớ đến sự tồn tại của hai anh em họ. Khi mới lên thôn Thượng, xã Diên Lâm sinh sống, người ta thương hoàn cảnh nên thuê anh Vũ đi chặt mía, nhưng đi lại rất xa. 2 giờ sáng anh đã phải dậy để nấu cơm cho em và dặn dò cẩn thận. Sau đó anh phải đạp xe gần 3 tiếng đến rẫy, làm quần quật đến tối lại đạp xe về. Vất vả anh không sợ nhưng chỉ sợ cô em gái khờ dại của mình ở nhà nhỡ có chuyện gì không may xảy ra.

Vậy nên, lần nào đi anh cũng chốt cửa cẩn thận, đánh dấu ở ngoài, ở trong để xem em mình ở nhà có nhỡ đi lạc ra ngoài hay có kẻ gian đột nhập hay không. Sau vì thương em, nên mức công làm thuê có cao hơn bình thường anh cũng bỏ về làm ở chỗ gần nhà. Khi được hỏi chẳng lẽ anh định cứ ở vậy mãi thì được anh cho biết: “Tôi sống được ngày nào, còn sức ngày nào thì đi làm thuê nuôi em ngày đó. Nó đã thiệt thòi từ nhỏ đến giờ rồi, mình là anh lớn phải có trách nhiệm với em”. Nói là vậy, nhưng đôi mắt của người đàn ông đầy trách nhiệm này vẫn mang một nét thoáng buồn, nó không giấu nổi nỗi lo lắng về tương lai.

Đang nói chuyện, bỗng có tiếng chị Nguyệt ho vì sặc cơm, anh Vũ vội chạy vào ân cần hỏi han rồi bưng nước cho em uống, nhặt những hạt cơm vương vãi trên quần áo người em… Vượt lên tất cả sự nghiệt ngã của số phận và trên hết bằng nghị lực và tình thương cao cả của một người anh đã hy sinh thầm lặng để chăm sóc cho đứa em gái tội nghiệp của mình. Khi xe lăn bánh ngoái lại nhìn ngôi nhà đã cách một quãng xa mà hình ảnh của hai anh em Vũ - Nguyệt cùng nồi cơm với món rau luộc và cá kho cứ ám ảnh trong tâm trí chúng tôi mãi.