Trăn trở ở những điểm "nóng" về ma túy

ANTĐ - Biết bao tổ ấm tan vỡ, không ít người rơi vào chốn lao tù là những bài học đắng cay cho người vướng vào tệ nạn mua bán, sử dụng chất ma túy. Song dường tất cả những nỗi đau ấy vẫn chưa đủ để ngăn chặn dòng lũ vẫn đang hoành hành cuộc sống bà con các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Nghệ An... Làm sao đẩy đuổi tệ nạn này, giảm xuống mức thấp nhất số người nghiện vẫn là một bài toán khó đối với lực lượng phòng chống ma túy.
Trăn trở ở những điểm "nóng" về ma túy ảnh 1

Chưa bao giờ hết nóng bỏng

Dẫu đã chứng kiến nhiều vùng quê bị “bão” ma túy tràn qua, cũng thấm thía nỗi đau của nhiều thân phận quằn quại vì ma túy. Vậy mà khi nghe đến những thành tích bất hảo của nhiều đối tượng buôn bán, nghiện hút ma túy ở xã Na Ư, huyện Điên Biên (tỉnh Điện Biên), tôi vẫn thấy giật mình.

Nhìn vào các con số thống kê: Na Ư có 247 hộ dân, với 1.467 khẩu, tính tính từ năm 1996 đến nay đã “sở hữu” 11 người lĩnh án tử hình, 14 án chung thân, hơn 50 người đang mắc trọng án bị giam giữ ở các trại giam, hơn 70 đối tượng thường xuyên vắng mặt ở địa phương, gần 90% hộ có người dính đến tội buôn bán ma túy. Có gia đình 4 thế hệ đi tù, có gia đình năm mẹ con ở tù...

Trăn trở ở những điểm "nóng" về ma túy ảnh 2

Đối tượng buôn bán ma túy bị cơ quan chức năng bắt giữ

Một trong những địa bàn nóng về ma túy khác là tỉnh Sơn La. Lợi dụng địa hình vùng núi hiểm trở, bọn tội phạm ma túy đã liên kết hình thành những đường dây mua, bán, vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới vào nội địa tiêu thụ. Những năm qua, Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân, tấn công, trấn áp quyết liệt với tội phạm ma túy, đáng chú ý là hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 đã bắt giữ 274 vụ, với 445 đối tượng. Một chuyên án điển hình là ngày 3-5, Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp phát hiện, bắt giữ 28 đối tượng có vũ khí nóng, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn qua khu vực biên giới huyện Vân Hồ.

Ở miền Tây Nghệ An, đời sống bà con thôn bản bị ma túy hoành hành, nhất là các xã Hữu Khuông, Lượng Minh, Yên Na, Yên Tĩnh, Thạch Dương của huyện Tương Dương. Mức độ “nóng” chỉ xếp sau thành phố Vinh với những “pháo đài ma túy” thật sự khó đánh. Men theo các cung đường nhỏ, chốc chốc lại thấy những tụ điểm xếp xe máy ven đường. Hỏi, người dân cho hay: “Đó là tụ điểm của dân nghiện”. Len lỏi trong các bản làng, nhiều số phận là “nô lệ” của ma túy vẫn quằn quại trong nghiện ngập.

Vô vàn người sốc thuốc và chết đã khiến cuộc sống bà con đã nghèo lại thêm nhiều phần khó khăn. Bao bản làng trong khu vực chỉ còn trẻ em và phụ nữ, bởi đàn ông đang độ tuổi lao động đã chết, phải đi cai nghiện bắt buộc, hoặc vào tù. Ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chỉ ra nghịch lý: “Nhiều gia đình không có gạo ăn, nhưng không thể thiếu thuốc phiện. 

Điêu đứng vì nghiện ngập

Nhiều địa phương khác cũng xảy ra thực trạng nhức nhối tương tự như các bản làng vùng núi của Hòa Bình, Thanh Hóa, Cao Bằng, Thái Nguyên… hay ở đồng bằng như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… Kẻ nghiện ngập tiếp tục tìm cách mua bán ma túy để lấy tiền chênh lệch và mua ma túy để sử dụng tiếp. Ví dụ điển hình là gia đình ông Nguyễn Kim Bái ở thôn Hữu Ái xã Giang Sơn (Gia Bình- Bắc Ninh).

Nhà có 5 người thì 4 người nghiện ngập. Vợ ông Bái mắc nghiện một thời gian dài đã mất cách đây ít năm; con trai thứ Nguyễn Kim Quân vừa nghiện, vừa bị bắt về tội mua bán chất ma túy, bản thân ông Bái dù nhiều lần đi cai nhưng đều tái nghiện nặng, sống dật dờ, gia cảnh lụn bại. Hay như gia đình của anh Nguyễn Trung Thanh ở xã Chiềng Mung (Mai Sơn-Sơn La) đã mất cả cơ nghiệp, vợ bỏ đi nhiều năm nay không về.

Đời anh như tiếng nấc nghẹn của những số phận trót là nô lệ cho ma túy. Giờ anh đang cố gắng gượng dậy, nhưng đường đời gian nan, liệu anh có đủ sức? Tâm sự với chúng tôi, anh Thanh cho biết, nhiều người bạn của anh đang vật vã, muốn tìm cách vươn lên. Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn Hát Lót (Mai Sơn - Sơn La) rất lo lắng cho đời sống bà con còn là “nô lệ” của ma túy.

Ông cho biết, ma túy đã tấn công vào biết bao tổ ấm, khiến cho cái đầu của bà con mụ mị. Ma túy còn là nguồn gốc, điều kiện nảy sinh, lan truyền đại dịch HIV/AIDS, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội; một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. 

Đồng bộ các giải pháp

Thực tế các đối tượng buôn bán ma túy ngay càng manh động, lại được trang bị vũ khí nóng, nhiều tên liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Trong khi địa bàn lại hiểm trở, phức tạp. Bởi thế, việc đấu tranh với các đối tượng này là vô cùng khó khăn. 

Trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy, Sơn La đã có 10 năm triển khai quyết liệt và rộng khắp.

Tội phạm về ma túy trên địa bàn tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp nhất là đối với các đường dây vận chuyển, buôn bán qua biên giới. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Sơn La đã kiện toàn, sáp nhập các Ban chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự thành Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh theo đó hướng dẫn các huyện, thành phố, xã, bản thành lập Ban chỉ đạo 2968.

Nhìn nhận về tình hình tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp, ông Lê Bắc Hải, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Sơn La, Phó Trưởng ban chuyên trách 2968 cho biết: “Hiện trên địa bàn toàn tỉnh còn 36 điểm, 41 đối tượng có biểu hiện bán lẻ, chứa chấp, tổ chức sử dụng ma túy ở 26 tổ, bản thuộc 32 xã, thị trấn. Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy, nòng cốt là Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh và Hải quan tăng cường đấu tranh, triệt xóa các điểm, đối tượng bán lẻ ma túy, các đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, đặc biệt là các tuyến và địa bàn trọng điểm”.

Tuy vậy, đó vẫn được coi là những giải pháp cứng. Giải pháp “mềm” hơn mà các cơ quan chức năng đưa ra, là tại những vùng dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế thấp, nên tập trung tạo công ăn việc làm ổn định, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần. Sau đó là công tác tuyên truyền, sâu rộng, hiệu quả bằng việc triển khai các mô hình câu lạc bộ nhằm vận động người dân nói không với ma túy. Tiếp đó vận động bà con không trồng cây có chứa chất ma túy; tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục các đối tượng phạm tội ma túy từ bỏ con đường lầm lạc.