Trải lòng với nghề “vàng ròng”
(ANTĐ) - Chưa có lúc nào nghề nuôi nhím được nhiều nông dân ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội quan tâm như bây giờ. Trong xã hiện có hàng chục hộ gia đình mỗi năm kiếm được hàng trăm triệu đồng từ cái nghề được đánh giá là vừa nhàn, mà lại sang này. Tìm về miền nông thôn ngoại thành Hà Nội để hỏi han nghề nuôi nhím, ai ai cũng giới thiệu tới gia đình “Hợp - Tiến”. Gần 8 năm trời tự mày mò nuôi nhím, khởi nghiệp bằng sự liều lĩnh như “đánh bạc với ông trời” nên cũng dễ hiểu và dễ lý giải khi kể chuyện về nhím, anh Phan Trọng Tiến và chị Đào Thị Hợp luôn dành những tình cảm hết sức đặc biệt xen lẫn vẻ tự hào như kể về chính những đứa con của mình vậy!
Theo chân một đồng nghiệp, từ trung tâm Hà Nội hướng về phía Tây Nam men theo Đại lộ Thăng Long, 20km đã qua chúng tôi rẽ vào con đường bê tông lớn. Chùa Thầy đã ở trước mắt, chùa tĩnh lặng ngự tại chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai.
Theo chỉ dẫn của người dân trong xã, gia đình “Hợp - Tiến” ở cách chùa không xa. Chưa kịp hình dung ra “trang trại” nuôi nhím sẽ thế nào thì chắn ngay trước mặt là ngôi nhà 5 tầng khang trang; khác hẳn với sự mường tượng của chúng tôi là màu xanh um tùm của cỏ cây, của thiên nhiên có chút hoang dã.
Ngó trước nhìn sau để tìm người hỏi lại, thì thấy một người đàn ông tầm thước bước từ trong nhà ra ngoài hiên đang trò chuyện qua điện thoại - “Đẻ khi nào, 2 con nhím đực hả?”… - Anh Tiến mời vào nhà mà lòng chúng tôi vẫn không khỏi tò mò rằng, chẳng nhẽ giờ họ lại nuôi nhím trong nhà theo kiểu “công nghiệp” (?) Rửa mấy cái chén để pha cà phê mời khách, trong lúc chờ nước sôi ngay tức thì anh Tiến đã phá vỡ sự hoài nghi của chúng tôi bằng nụ cười sảng khoái với giọng nói hào sảng - “Uống nước đã, rồi tôi sẽ dẫn các anh đi tham quan một vòng khu nuôi nhím của vợ chồng tôi. Thú vị lắm! Không xa đâu, đi bộ tắt qua mấy nhà dân trong xóm là đến ngay”.
Ly cà phê còn nóng dở, như không kiềm được sự háo hức, anh Tiến đã thúc giục chúng tôi - “Đi thôi nhỉ?” - Dắt từ trong nhà ra một chiếc xe đạp mini, anh Tiến khiến chúng tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, khuân 1 bao tải lên yên sau của xe, 2 túi ni-lông được đặt lên rọ xe để tiết kiệm sức người, đôi chân anh thoăn thoắt đẩy chiếc xe đạp băng qua những con đường trong xóm, đi tắt vào các ngách nhỏ, xuyên qua sân nhà người dân, mỗi lần như vậy anh Tiến không quên để lại lời nhắn trong không gian “Đi nhờ chút nhé!”. Dừng trước một ngôi nhà nằm thu mình trong xóm, đằng sau cánh cửa gỗ 2 cánh đã lên mọt ẩm ướt là thế giới… nhím của gia đình anh chị.
Đó là một khu chuồng trại khoảng vài trăm mét vuông được xây dựng kiên cố bằng gạch đỏ, nền lát ximăng, chia thành nhiều ô vuông nhỏ rộng chừng 3m, cao 1m, chứa 1 cặp nhím hoặc nhím mẹ với 2, 3 nhím con. Tiếng nhím ăn rạp rạp xen với tiếng chó sủa inh ỏi vì khách lạ khuấy động cả khu trại.
Thú thật, cái mùi hôi dường như đặc trưng của loài động vật này xộc vào mũi, khó chịu. Như bản năng chúng tôi nhăn trán, lấy tay che mũi, anh Tiến đang tãi cà chua từ bao tải vừa chở sang thêm một lần được cười sảng khoái: “Ai cũng vậy thôi, lần đầu mà ngửi mùi này đều thấy khó chịu. Hôi lắm phải không? Nhưng vợ chồng tôi quen rồi, 8 năm qua cũng thành nghiện cả mùi lẫn âm thanh gặm nhấm thức ăn của chúng. Vợ chồng thay nhau, ngày nào không phải sang bên trại là tâm can lại lo lắng, bứt rứt”.
“Nuôi con nhím kinh tế lớn nhất là đầu tư ban đầu để mua con giống chứ chi phí thức ăn không hề cao. Mùa nào thức ấy, dễ tìm, dễ mua với giá rất rẻ, cứ lấy phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn thức ăn chính cho chúng. Bình thường thì cứ các loại củ quả, ngũ cốc, rau xanh như cà chua, chuối xanh, ngô… các anh thấy tôi tãi đầy ngoài sân đấy.
“Đặc sản” hơn là những thứ trâu, bò không ăn như lá sắn, lá ngón, vỏ và là xà cừ…; càng độc, càng đắng chúng càng thích. Nhím không ăn thịt động vật, nhím đang trưởng thành chỉ gặm chút xương” - Ngồi ngoài sân, hướng ánh mắt chăm chăm về chuồng nhím, vật nuôi đã giúp gia đình anh xóa nghèo, anh Phan Trọng Tiến bắt đầu giãi bày về kỹ thuật nuôi nhím với chúng tôi - “Nhím thường ăn về đêm, nhưng mình có thể hướng chúng theo sinh hoạt của con người. Chuồng nhím phải thông thoáng, đủ ánh sáng, dọn vệ sinh “nhà” cho chúng thường xuyên. Đợt vừa rồi Hà Nội rét đậm, rét hại phải tăng cường bóng điện sưởi ấm cho chúng. Sướng nhất khi chăm nuôi nhím đó là không phải lo lắng đối phó với bệnh tật”.
Chúng tôi cắt lời anh Tiến để hỏi về cơ duyên nào đưa anh đến với một nghề độc đáo này - Anh Tiến phân trần: “Đây vốn là xã thuần nông, bán sơn địa, bà con nông dân chỉ biết trông chờ vào khoảnh đất trồng lúa, canh tác nên đời sống còn nghèo lắm. Nhà thì đông khẩu mà cứ trông vào ngày nắng, ngày mưa, vụ được vụ không cũng thấy nan giải, trong một lần tình cờ nghe mọi người nói chuyện về lợi ích kinh tế từ việc nuôi con nhím, ý tưởng được tôi ấp ủ từ đó.
Nghĩ lại cũng thấy ngày đó quả là “đánh bạc” với số phận, nghĩ xa và làm liều, vay mượn được 45 triệu đồng, tôi lặn lội lên Trạm Nghiên cứu động vật hoang dã - Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì tham quan, tìm hiểu và đặt mua nhím giống. 11 con nhím cái và 9 con nhím đực hiện diện ở sân nhà. Nhiều người trong xóm Đông Thượng này bảo tôi hâm; đúng là tôi hâm thật khi chẳng có tí kiến thức - kỹ thuật chăm nuôi gì cái loại động vật vốn xuất thân hoang dã này, nhưng tôi kệ. Rồi nuôi, rồi chăm trong sự hồi hộp xen lẫn hy vọng thành công, bởi nếu thất bại thì cả nhà chỉ còn nước ra đường.
1 năm trôi qua, sớm tinh mơ là tôi lại tay bút, tay giấy ghi ghi chép chép mọi sự chuyển biến của từng con nhím, tìm hiểu sách báo về cách chăm nom phối giống nhím nhưng kết quả tôi nhận được là con số 0 tròn trĩnh. Chán nản tôi gọi người bán nhím thịt để thu hồi vốn. Hai tay buông thõng vì thất bại thì điện thoại reo - “Alô, con nhím cái mua của anh về chưa có khách ăn, nhốt trong lồng ở nhà hàng thế nào lại tòi ra 2 con nhím con!”. Lúc đó tôi sướng đến phát khóc, thành công rồi! Tôi quyết định không bán số nhím còn lại trong chuồng mà để nuôi. Chẳng mấy chốc đàn nhím của gia đình tôi lại “khai hoa nở nhụy”, “dân số” gia đình nhím ngày một tăng trưởng.
Nuôi nhím rất kinh tế, nghề “vàng ròng” đấy vì giá nhím giống lẫn nhím thịt ngày một cao. Riêng nhím thịt, từ bé đến khi trưởng thành và chững lại khoảng 9 tháng sẽ lên tới 10-15kg/con được bán với giá dao động từ 700.000-800.000 đồng/kg; nhím giống đực được bán với giá 4 triệu/con, nhím giống cái được bán với giá trên 10 triệu/con. Có con giống cái của tôi đã có không ít người trả đến 1 cây vàng. Giờ trung bình mỗi ngày tôi lãi được 1 triệu đồng chứ chẳng chơi.
Theo thời gian, nhiều bà con trong xóm, trong xã thấy tôi phát triển kinh tế được từ việc nuôi nhím đã đến đặt vấn đề mua lại nhím con để chăn nuôi. Cũng từ đó, gia đình tôi trở thành nơi chuyên cung cấp nhím giống cho bà con”. - Nghe đâu cái nghề này của anh thiên hạ “giấu nghề” kinh lắm, chúng tôi hỏi anh Tiến thì nhận được câu trả lời rất tưng tửng.
“Cái quý nhất là tình người, tình làng nghĩa xóm, mọi người cùng khá niềm vui của vợ chồng tôi càng được nhân lên. Tôi sẵn lòng giúp đỡ mọi người vượt khó, làm giàu từ con nhím. Ai mua nhím giống nhà tôi đều được tôi truyền đạt mọi kinh nghiệm từ thực tế tôi đúc rút. Cũng không ít người từ khắp nơi không quản ngại đường sá xa xôi tìm đến tận nhà để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc nhím, cớ gì tôi không chia sẻ lại chút hiểu biết của mình. À, mà theo trí nhớ không tồi của tôi còn có cả Giáo sư, bác sỹ, các nhà chăn nuôi cũng đến “mạn đàm” nữa! Nói vậy thôi chứ vợ chồng tôi cũng “kiêu” lắm đấy, không phải ngẫu nhiên nhưng không ít người nhiều tiền đến hỏi mua và trả giá nhím giống nhưng tôi không bán. Tôi không chê tiền, cũng như không tự mãn độc quyền nhím giống nhưng qua trò chuyện tối biết những con nhím “đặc biệt” của tôi họ mua về nuôi khó thọ lắm, và không biết chừng còn bị vô sinh” - Anh Tiến rít hơi thuốc và cười vang.
Không ngoa ngôn khi nói rằng, những kiến thức về nhím của anh Tiến chị Hợp có thể nói đạt đến độ “chuyên gia”. Niềm yêu thích và lòng biết ơn con vật này đã giúp gia đình anh chị Hợp - Tiến tích lũy được những kinh nghiêm quý báu.
Chúng tôi đặt ra vấn đề với anh Tiến, quảng bá rộng rãi cái nghề “vàng ròng” này trong bà con, anh không sợ mất cái danh “vua nhím” và cũng không sợ phải cạnh tranh à? - Anh Tiến xua tay: “Vớ vẩn, nghĩ thế là nghĩ quẩn, nhiều bà con nuôi nhím phát triển thành phong trào sẽ mang tính bền vững cao. Cái tôi lo là làm sao các cơ quan chức năng quan tâm, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nhằm giúp người dân có thêm kiến thức, kỹ năng phát triển nuôi nhím. Một việc quan trọng nữa mà đa phần những người nuôi nhím như chúng tôi còn trăn trở đó là cơ quan chức năng cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đăng ký cấp phép nuôi nhím có nguồn gốc, vừa tăng cường quản lý thực hiện tốt Pháp lệnh Bảo vệ động vật hoang dã giúp bà con xóa đói, giảm nghèo”.
Trước khi chia tay, theo lời gợi ý muốn xin anh Tiến đôi lông nhím về làm kỷ niệm, anh chỉ Cười rồi nhảy lên thành chuồng nhím, đu xuống bên cạnh một con nhím cái đang xù lông nhọn tua tủa bên cạnh nhím con. Chúng tôi ngó nhìn mà không khỏi e ngại cho anh bởi nhím mẹ sẵn sàng phóng chiếc lông cứng nhọn để bảo vệ con mình. Tay nhanh như thoắt, 2 chiếc lông nhím đã nằm gọn trong tay anh - đây có lẽ là sự bất ngờ cuối cùng trong ngày hôm nay anh Tiến dành cho chúng tôi.
Khép cánh cổng, chúng tôi cùng anh thong dong dắt chiếc xe đạp quay lại con đường cũ, câu chuyện của anh về con nhím dường như vẫn chưa dứt, anh bảo, mùi hôi và âm thanh của nhím khi ăn cộng với trò đùa nghịch của chúng là một bản nhạc có tiết tấu đấy nhé. Nó lạ, nó vui, nó giản dị và giấc mơ thoát nghèo của gia đình chúng tôi cũng bắt đầu từ những âm thanh này đấy!...
Quân.Trần - Việt Cường