Tình Tây Nguyên giữa thu Hà Nội
(ANTĐ) - Nhân kỷ niệm 62 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã gặp mặt với các già làng, trưởng bản huyện Lâm Hà, Lâm Đồng.
Cuộc gặp mặt xúc động
37 già làng, trưởng bản, mục sư tới thăm Bộ Công an đúng dịp kỷ niệm 62 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Trong đoàn, nhiều cụ đây là lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, cũng có người trở lại lần thứ hai, thứ ba, đặc biệt có cả cuộc tái ngộ thiêng liêng sau hơn 30 năm của 5 cán bộ Tây Nguyên tập kết ra Bắc trước giải phóng. Một người phụ nữ mặc chiếc áo nâu sòng, rưng rưng chỉ tay sang người ngồi cạnh: “Đây là em tôi, hơn 30 năm rồi, nay hai chị em tôi được tái ngộ đất Bắc”.
Bà là Phạm Thị Phượng, cùng người em của mình từ Lâm Đồng theo tiếng gọi Tổ quốc, tập kết ra Bắc và gắn bó với Hà Nội nhiều năm. “Hôm qua thăm tháp Rùa, đứng bên cây si cổ thụ, hai chị em tôi ôm nhau khóc. Cây si ven hồ ấy tôi nhớ lắm, ngày xưa giặc Mỹ ném bom phá hoại, tôi siết chặt tay xin thề dù có thế nào cũng một lòng với cách mạng”.
Trên gương mặt người phụ nữ ấy, tôi nhận ra những nếp nhăn như khắc chạm bằng ý chí qua bao thập kỷ, khắc chạm những đau thương mất mát rồi lại gồng mình vượt lên. Đất nước đổi mới hơn 20 năm rồi, thăm lại cảnh cũ, ký ức xưa nao nao ùa về, và người ta không gọi chị như thuở ấy nữa, thời gian đã úa bạc trên mái tóc, úa bạc trên sương gió đời người.
Nhưng tôi hiểu, khi hiến dâng cho cuộc sống, cho Tổ quốc, người ta không đợi ngày tôn vinh, không đợi người đời biết ơn thế nào mà chính họ làm theo ý thức mách bảo, và chính ý thức đó giúp họ lớn lên, đứng vững bằng đôi chân của chính mình.
Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn thăm hỏi các già làng, trưởng bản Tây Nguyên |
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn và những người có mặt trong cuộc gặp gỡ nén nỗi xúc động, càng hiểu thêm sự bền gan và sự chịu đựng vươn lên của người phụ nữ Tây Nguyên khi được biết, gia đình bà tất thảy đều theo cách mạng, hiến dâng cho Tổ quốc 3 liệt sĩ, 3 thương binh, bố của họ cũng là liệt sĩ CAND…
Được viếng Lăng Bác, thăm khu di tích Phủ Chủ tịch, viếng đền Hùng, được các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, chúc sức khỏe, đó là kỷ niệm không thể quên.
Già làng Huc Đoàn nói bằng tiếng Kinh, giọng trầm trầm: “Sinh thời Bác Hồ dành trọn tình cảm với đồng bào Tây Nguyên, nay vì đường sá xa xôi, đồng bào không có điều kiện ra viếng Bác thì mình có vinh dự về truyền đạt lại cho bà con, để ai cũng hiểu và vững tin làm theo Đảng, Bác Hồ…”.
Với ông Nguyễn Văn Sinh - Chủ tịch UBMTTQ huyện Lâm Hà, đây là lần thứ hai tham gia cùng đoàn đại biểu già làng, trưởng bản của huyện ra thăm Hà Nội. Lần thứ nhất cách đây đã 5 năm, hồi đó ông cùng các già làng, trưởng bản cũng được lãnh đạo Bộ Công an đón tiếp, tặng quà tại phòng khánh tiết này.
“Dịp ấy, đoàn chúng tôi hứa trước lãnh đạo Bộ Công an rằng tất cả già làng, trưởng bản cùng cán bộ, nhân dân địa phương sẽ quyết tâm xây dựng đời sống quê hương ngày càng giàu mạnh, không nghe theo kẻ xấu, không để kẻ xấu gây rối, kích động trên địa bàn, gây mất ổn định về an ninh - trật tự. Nay tái ngộ tại đây, chúng tôi vui mừng thông báo với đồng chí Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn rằng lời hứa ấy đã được thực hiện trọn vẹn và sẽ tiếp tục được duy trì, củng cố” - ông Sinh phấn khởi nói.
Những kết quả này cũng được ông Phạm Văn Khả - Phó Bí thư Huyện ủy Lâm Hà báo cáo Thứ trưởng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân mỗi năm tăng 12%, riêng 6 tháng đầu năm 2007 là 19%. Lâm Hà có hơn 13 vạn dân, 23 dân tộc sinh sống và có 28% đồng bào theo 4 tôn giáo.
Tây Nguyên trong lòng Hà Nội
“Các già làng, trưởng bản có mặt hôm nay cũng như rất nhiều già làng, trưởng bản khác còn chưa có dịp ra Hà Nội, họ là những người khẳng định vai trò to lớn trong vận động đồng bào các buôn làng Tây Nguyên hăng say lao động, sản xuất, giữ gìn bình yên, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, kích động” - Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Khánh Toàn bày tỏ. Theo Thứ trưởng, các già làng, trưởng bản là những người có uy tín, thể hiện tầm nhận thức và vai trò ở các buôn làng, vì vậy những việc làm nêu gương của họ đều có ý nghĩa quan trọng. |
“Kinh, Êđê, K’Ho, Hoa, Churu, hay Nùng, Tày đều là anh em, đều sống dưới mái nhà Tây Nguyên, có tiếng T’rưng thánh thót như suối thượng nguồn, có điệu cồng chiêng dưới mái nhà Rông như tiếng vọng thần núi, chúng tôi biết đoàn kết cùng hát ca, cùng làm rẫy thì mới có cơm no, áo ấm, còn kẻ xấu xúi giục chỉ gây chia rẽ, làm hại bà con, tất phải xua đuổi” - già làng K’Bát, người dân tộc K’Ho nói tiếng Kinh khá rành mạch.
Già bảo, cứ ở bản, đi lên Đà Lạt, thấy thành phố vậy là to lớn, đẹp rồi. Nay đi ra Bắc, càng hiểu đất nước mình ở đâu cũng có cảnh đẹp, ở đâu con người cũng giàu nghĩa tình. Người Kinh ở Hà Nội “xa xôi rứa mà vẫn dành tình cảm về Tây Nguyên, họ vẫn hát ca những bài Tây Nguyên, vậy không lý gì chúng tôi lại không tự hào về mảnh đất chôn rau cắt rốn, phải bảo vệ và gìn giữ”.
Già làng K’Bát là người đánh cồng chiêng rất giỏi, thường giữ vai trò điều nhịp các dịp múa cồng chiêng lễ hội. Nhưng cụ cũng có tâm tư về lĩnh vực mình theo đuổi, ấy là nhiều thanh niên ở buôn làng giờ không hề biết cồng chiêng, mấy năm rồi cụ mở lớp dạy cồng chiêng miễn phí, thanh niên trong buôn đến học đã khá hơn.
Già làng Ha Pút hồ hởi: “Tôi ao ước từ ngày đất nước vừa được giải phóng, ấy là ra Bắc thăm Thủ đô. Khi Lăng Bác được xây dựng xong, tôi tự nhủ sẽ sớm được đứng trong dòng người bồi hồi vào viếng Bác. Vậy mà mấy chục mùa cà phê hương ngát đợi chờ, nay mới có dịp”.
Già làng Ha Pút từng có thời sai bước, hoạt động trong chế độ cũ. “Khi đó cũng vì nghe họ dụ nịnh, rồi thấy miếng cơm ngon mà đi” – già bảo. Nay có gắn bó với quê hương, ra Bắc vào Nam càng thấu hiểu, quê hương ta đây, đất nước ta đây, mỗi miếng đất đều đánh đổi xương máu bao thế hệ, ta phải chung sức giữ gìn.
Mấy năm trước, cũng có những kẻ tự xưng “người của Đề Ga” vào nịnh bà con thết thịt gà rồi nói như rót mật là hãy đi lên tỉnh để “vua” tặng quà, đi càng đông càng được nhiều quà.
Nhưng giọng điệu ấy giờ cũ lắm rồi, “tôi và các cán bộ, già làng bảo ở đây không ai nghe trò bịp bợm ấy nữa, không ai thết gà cho chúng bay ăn, trồng cà phê cho chúng bay uống, mau mau biến khỏi đất này kẻo phải đòn”…
Chứng kiến cuộc gặp mặt xúc động, nghĩa tình, tôi lại nhớ lần vào Tây Nguyên ngồi nhà rông được già làng mời rượu. Tháng ba con ong lấy mật, còn tháng bảy mưa bụi nhạt nhòa con đường đất đỏ.
Già bảo, đất đỏ Tây Nguyên có chất kết dính đặc biệt, đất cứ níu chân người, vương vấn vào quần áo đến khi khô vẫn khó bóc ra lắm. Cái đất ấy cũng lưu luyến, bịn rịn như con người Tây Nguyên, như tình cảm của họ được hun kết tự bao đời nay…
Trường Đăng