Tình người ở xứ đạo Phùng Khoang
(ANTĐ) - Tôi tìm đến xứ đạo Phùng Khoang, Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội hỏi thăm nhà ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Dậu, nghe mấy người dân bảo: “Nhà ông thì gần đây rồi, nhưng chắc gì ông đã có nhà, có số điện thoại thì cứ gọi cho ông ấy, chứ ông ấy đi suốt ngày”. Nghe vậy, tôi đã phần nào hiểu được cái việc “vác tù và hàng tổng” lúc nào cũng “bận như con mọn” của ông.
“Vác tù và hàng tổng”
Thôn Phùng Khoang là địa bàn giáp ranh với Hà Đông có chợ đầu mối Phùng Khoang họp 3 phiên suốt ngày đêm. Bên cạnh đó, ở Phùng Khoang cũng rất nhiều sinh viên, người lao động ở khắp nơi về thuê trọ.
Ông Nguyễn Văn Dậu bảo: “Mới nhìn vào cái không khí đông đúc tấp nập thì ai cũng bảo đây là địa bàn phức tạp, nhưng thật ra an ninh trật tự ở thôn Phùng Khoang luôn được đảm bảo, hiện thôn có khoảng 3.000 nhân khẩu thì có tới gần một nửa là người công giáo. Hai bên lương giáo sinh sống thuận hòa”.
Được biết, để giữ được sự yên ổn ở một nơi đông đúc lại nhiều thành phần dân cư như vậy là nhờ sự đóng góp rất lớn của những người cao tuổi mà ông Dậu là một trong những người như thế.
Giải thích về lý do suốt ngày không có mặt ở nhà, ông Dậu bảo: “Tôi vừa là Trưởng thôn lại vừa là ủy viên kiểm soát của HTX nên luôn phải chạy đi chạy lại. Tôi luôn phải có mặt ở chợ cùng với Ban bảo vệ chợ quán xuyến tình hình ANTT. Lại làm công việc phụ trách thôn, nên có việc gì người dân gọi là phải đến”.
Nhà thờ xứ đạo Phùng Khoang |
Ông Dậu còn đùa rằng: “Làm cái việc này, mà cứ lấy tiền của vợ mua xăng thì bà ấy bỏ mất thôi, may mà tôi được nhận 308.000 đồng tiền phụ cấp. Tôi đã quán triệt cả nhà rằng, tiền này chỉ để phục vụ cho công việc của thôn thôi đấy...”.
Đúng là công việc ở thôn thì vô kể, nào là xích mích va chạm, rồi vệ sinh cống rãnh, thậm chí ngay cả việc mất điện người ta cũng gọi ông. Nhưng ông chả ngại, dân gọi là ông đến và khi đã đến thì cố gắng giải quyết ổn thỏa mọi việc không để thành việc to tát.
Ông Dậu cho rằng, việc nhỏ nếu không giải quyết sớm thì sẽ thành phức tạp, hơn nữa thông qua cách giải quyết có tình có lý, người dân sẽ hiểu biết pháp luật để thực hiện tốt nghĩa vụ công dân của mình.
Không chỉ những khi có việc, mà ngay cả những lúc rỗi rãi, ông cũng đi thăm hỏi bà con công giáo, vận động mọi người sống hòa thuận, chấp hành quy định của pháp luật và nội quy ở thôn xóm để cùng nhau giữ gìn nếp sống văn hóa.
Ông Dậu quan niệm rằng, chả cứ gì bên công giáo, ngay cả lương giáo cũng vậy, mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật chứ không thể bừa bãi được.
Không theo đạo, nhưng bản thân ông không phân biệt người công giáo với lương giáo, nhà thờ có công việc, có lễ rước, hoặc xây dựng sửa sang ông đều thăm hỏi ân cần xem có cần giúp đỡ gì không.
Chính vì sự năng nổ và trách nhiệm của ông nên bà con công giáo cũng rất tín nhiệm. Nhà thờ có tổ chức việc gì đều thông báo với thôn, bên đạo lại mời bên đời cùng nhau tham dự.
Đặc biệt là vào dịp lễ, Tết, thì bên đạo với bên đời là một, mọi người thăm hỏi, chúc tụng nhau. Hay khi nhà ai có việc hiếu, hỷ họ cũng đến chia sẻ với nhau. Ngay như đám cưới của lớp trẻ trong thôn bây giờ, đều tổ chức ở Nhà văn hóa, tất cả bà con chòm xóm đều đi ăn cỗ mừng, người bên lương, người bên giáo ngồi cùng một mâm, chuyện trò rôm rả.
Tình người công giáo
Ông bảo bà con công giáo thì cũng là người Việt mình cả, phần lớn họ đều là người tốt, họ sống có nghĩa có tình, tốt đời đẹp đạo. Trong xóm đã từng có gia đình nhà anh Hoàng Sĩ Hiệp, hoàn cảnh khó khăn, hai con bị bệnh tim, một cháu phải mổ. Ngoài việc địa phương hỗ trợ, bất kể bên lương hay bên giáo, bà con đều đến thăm nom, hỏi han, động viên các cháu và giúp đỡ gia đình anh Hiệp.
Hoặc như ông Trần Quốc Cường là người công giáo ở xóm Đông, thôn Phùng Khoang, ông vừa là Chủ nhiệm HTX lại vừa tham gia mặt trận Tổ quốc của thôn, hễ thấy có gia đình hoàn cảnh khó khăn, hoặc có ai cần giúp đỡ, dù người đó không phải là người công giáo, ông Cường đều đứng ra vận động xã viên hỗ trợ, giúp đỡ.
Ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Dậu không mấy khi có mặt ở nhà |
Không những vậy, ông Cường còn rất tích cực trong việc phối hợp với chính quyền đoàn thể giữ gìn ANTT. Mới đây ở xóm bị kẻ xấu cắt trộm 4.000m dây đường điện chiếu sáng công cộng.
Xác định đây không chỉ là việc mất trộm tài sản, mà có thể gây ra nguy hiểm chết người, ông Cường đã họp HTX và đưa ra sáng kiến thông báo đến toàn thể nhân dân trong thôn “Ai phát hiện ra kẻ lấy cắp, HTX sẽ thưởng 5 triệu đồng”.
Cuối cùng, nhờ thông tin người dân cung cấp mà công an đã bắt được đối tượng trộm cắp. Đối tượng này còn khai ra đã từng 4 lần cắt dây điện. Sau khi đối tượng bị bắt, từ đó đến nay, xóm không bị mất dây điện, ANTT được đảm bảo.
Khác với ông Cường, bà Nguyễn Thị Mật, xóm Đông, thôn Phùng Khoang tuy không tham gia tổ chức xã hội nhưng lại rất tích cực vận động người công giáo giữ gìn nếp sống văn hóa trong xóm.
Ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Dậu cho biết, năm nay bà Mật đã gần 80 tuổi nhưng thôn có việc họp hành, hay cần vận động nhân dân thực hiện công tác xã hội là bà Mật lại tích cực giúp đỡ vì người dân ở đây rất tín nhiệm bà.
Gia đình bà Mật liên tục đạt gia đình văn hóa, con cái phương trưởng, kinh tế khá giả. Không chỉ giữ yên ấm trong nhà mình, bà Mật còn vận động bà con trong xóm phải đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Ông Dậu nói: “Nếu xét xóm văn hóa thì xóm của bà Mật rất xứng đáng vì có nhiều gia đình nêu gương từ gia đình bà Mật”. Thật đáng quý những con người như thế!
Thanh Lê