Tình hình pháo lậu ở biên giới: Tinh vi và liều lĩnh
(ANTĐ) - Càng gần Tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán, vận chuyển pháo lậu từ bên kia biên giới vào Việt Nam càng trở nên ráo riết, với hàng loạt thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Hơn 1 tấn pháo lậu Trung Quốc các loại là số tang vật thu giữ được chỉ của riêng Đội Chống buôn lậu huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) trong chưa đầy 1 tháng qua.
Hỏi mua là có
Ngày cuối tuần, khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh vô cùng náo nhiệt. Từng đoàn xe container, xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau làm thủ tục xuất cảnh sang Pò Chài (Trung Quốc) để “ăn” hàng. Dưa hấu Việt Nam mang sang; táo, lê, cam, quần áo, giày dép, chăn màn, đèn pin, cắt móng tay, nồi niêu xoong chảo... Trung Quốc mang về.
Cán cân thương mại trong hoạt động biên mậu nơi đây cũng mất cân đối giống như tòa thương xá gần hai chục tầng bên kia biên giới với khu chợ 2 tầng đặc kịt “hàng Tàu” ở khu kinh tế bên này cửa khẩu, cho dù đã được mang 1 cái tên hào nhoáng “Trung tâm Thương mại Hồng Công”.
“Địa phương, đơn vị nào để xảy ra việc sử dụng trái phép các loại pháo hoặc không xử lý nghiêm các hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo sẽ bị xử lý trách nhiệm”. Trích Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 13-11-2007 |
Mã Viết K. - chủ một gian hàng tại Trung tâm Thương mại Hồng Công đang rất vui vì được bận rộn, bù lại cho những ngày hè hàng hóa ế ẩm vì du khách đi nghỉ mát. Những chiếc áo giả da “hét” 500 nghìn đồng mà bán cho khách với giá 100 nghìn đồng vẫn có lời.
Nhưng có thứ hàng hóa anh ta không bày ra mà ai hỏi thì bán mới là siêu lợi nhuận: Đó là pháo lậu. Chỉ 40-50 nghìn đồng giá gốc từ bên kia biên giới, một giàn pháo hoa 36 quả đến tay khách “chịu chơi” có thể lên tới 200 - 250 nghìn đồng.
“Anh mua loại nào em gói vào túi nilon đen, không ai biết đâu mà sợ” - K. vừa chào hàng vừa lôi từ dưới gầm quầy ra các loại pháo. “Pháo hoa loại 12 quả giá 150 nghìn đồng một hộp; còn giàn 36 quả thì 180 nghìn đồng một giàn”. “Có pháo nổ không? Chơi pháo nổ mới máu” - Tôi hỏi K. “ấy chết, không có đâu, thứ đó mà bị bắt thì đi tù. Nhưng... anh lấy nhiều không, em lấy hộ thôi, 150 nghìn đồng một bánh kèm 7 quả pháo cối”. “Nghe nói năm nay có loại pháo lựu đạn mới hay lắm?”. “Cái đó thì đắt đấy, 20 nghìn đồng một quả đấy! Lấy nhiều thì bớt 2 nghìn đồng”.
Ông Mai Văn Xuyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh giới thiệu số pháo lậu mà lực lượng hải quan cửa khẩu đã thu giữ |
Quầy của K chỉ là một trong những quầy hàng tại Trung tâm Thương mại Hồng Công này sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về pháo của những du khách thích khác người”. Pháo bướm, pháo xoay, pháo lựu đạn, pháo hoa, pháo bánh..., những thứ hàng quốc cấm ấy cứ thế ồ ạt tràn qua biên giới vào Việt Nam. Nhưng công bằng mà nói, trên thực tế, lượng pháo lậu bán lẻ cho du khách chưa thấm vào đâu so với muôn nẻo đường đi khác của loại hàng lậu nguy hiểm này.
Rầm rập pháo về xuôi
Ngày 13-12-2007, Đội Quản lý thị trường số 2 (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã bắt quả tang một chiếc taxi mang BKS Hà Nội do Giang Thanh Tuấn, trú tại phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, điều khiển đã vận chuyển tới 497kg pháo nổ nhập lậu từ cửa khẩu Tân Thanh trên đường về Hà Nội tiêu thụ. Vụ việc này đã bị đưa ra khởi tố ngày 27-12-2007.
Thế nhưng, đây cũng chỉ là một vụ buôn bán, vận chuyển pháo lậu cực kỳ hãn hữu được đưa ra xét xử. Trong số hơn 1 tấn pháo lậu mà Đội Chống buôn lậu huyện Văn Lãng thu giữ được trong gần 1 tháng qua, hầu hết là pháo... vô chủ!
Ông Mai Văn Xuyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho chúng tôi xem số pháo lậu mà lực lượng hải quan cửa khẩu đã thu giữ được trong các vụ bắt pháo lậu thời gian qua.
Một số pháo lậu mà lực lượng chức năng thu giữ tại cửa khẩu Tân Thanh |
Vẻn vẹn 16kg, mà theo lời ông Xuyên là “bắt mãi mới được”. “Pháo lậu được chuyển qua biên giới không bao giờ có mẻ nào lớn - Ông Xuyên giải thích - Pháo được “xé lẻ” ra rồi được “cửu vạn” gùi theo các đường mòn dọc theo cánh gà cửa khẩu. Lực lượng chức năng đi đến đâu là có “chim lợn” theo dõi đến đó. Thấy động là báo qua bộ đàm để đám cửu vạn dừng vận chuyển hoặc vứt hàng bỏ chạy ngay”.
Trung tá Dương Thành Đô - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh cũng cho biết, không phải đến dịp Tết mà ngay trong năm, việc chú ý phát hiện các mặt hàng lậu là chất cháy, chất nổ luôn được lực lượng biên phòng chú trọng, nhưng công tác đấu tranh với các thủ đoạn buôn lậu, nhất là buôn lậu pháo là hết sức khó khăn.
“Toàn tuyến biên giới khu vực Tân Thanh dài khoảng 14km có vô số đường mòn, không có lực lượng nào có thể căng ra trên một diện rộng như vậy 24/24h, mà hoạt động buôn lậu hiện nay thì không tuân giờ giấc. Gần 200 xe container và xe tải lớn qua lại khu vực cửa khẩu/ngày đêm, do đó công tác kiểm soát pháo lậu là cực kỳ nan giải”.
“Rất nhiều lần, khách du lịch khi bị chúng tôi tịch thu pháo giấy (pháo lễ hội) mua tại cửa khẩu đã phản ứng rất gay gắt. Chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng cần xem lại việc công khai hóa sử dụng các loại pháo giấy tại các lễ cưới, lễ khởi công, khánh thành... như hiện nay. Một mặt chúng ta cấm pháo, mặt khác lại chấp nhận cho việc sử dụng công khai như vậy sẽ rất khó cho các lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ” Trung tá Đoàn Minh Hà - Đồn trưởng Đồn Công an cửa khẩu Tân Thanh |
“Hầu hết pháo lậu qua biên giới đều được ngụy trang rất khéo léo” - Trung tá Đoàn Minh Hà - Đồn trưởng Đồn Công an cửa khẩu Tân Thanh cho biết. Trong hàng nghìn thùng hoa quả, bát đĩa, đồ sành sứ còn nguyên đai, nguyên kiện, thậm chí dán băng dính kín xung quanh, không ai có thể biết những thùng nào trong số đó có chứa pháo lậu, trừ chủ hàng.
Mà không có một lực lượng chức năng nào có thể kiểm tra được từng thùng trong số hàng vạn thùng hàng như thế qua biên giới hàng ngày”.
Thủ đoạn phổ biến hiện nay của dân buôn lậu pháo là xé lẻ và vận chuyển theo xe du lịch về xuôi. Khi bị phát hiện, không bao giờ hành khách nào nhận số pháo đó là của mình, và lực lượng chức năng cũng rất khó có cơ sở để xác định chủ hàng thực sự là ai.
Có nhiều trường hợp vận chuyển thuê, khi bị phát hiện là pháo, lái xe cũng chỉ đưa ra 1 số điện thoại di động của chủ hàng. Và kết quả xác minh thường là “ngoài vùng phủ sóng”. Đồng thời, dân buôn lậu nắm rất rõ là vận chuyển từ 30kg pháo trở lên mới bị khởi tố hình sự, nên hầu hết các “mẻ” pháo đều không tới “ngưỡng”. Đó là lý do giải thích vì sao có rất ít trường hợp vận chuyển pháo bị truy tố, và hầu hết pháo lậu trở nên... vô chủ!
Theo anh Đoàn Văn Sáng - cán bộ QLTT thuộc Đội Chống buôn lậu huyện Văn Lãng, một điểm đáng chú ý là tất cả các đầu nậu buôn pháo lậu đều không phải dân địa phương mà là người các tỉnh khác như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam... Anh Sáng cho biết, có tới quá nửa trong số pháo mà đội thu giữ được là pháo nổ, chúng được cất giấu ở mọi nơi: Trong thùng bát, trong bó chăn, trong nồi... “Có những quả pháo hoa thu được còn to hơn pháo hoa được bắn trong đêm giao thừa” - anh Sáng cho biết.
Trên thực tế, số pháo lậu mà các lực lượng chức năng thu giữ được chỉ là một phần nhỏ trong số pháo đã vào sâu trót lọt trong nội địa. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tuần tra, kiểm soát ở các cửa ngõ buôn lậu, cuộc chiến với pháo lậu chỉ có thể thành công khi các địa phương tăng cường hơn nữa việc ngăn chặn và xử phạt người đốt và sử dụng pháo trái phép, bởi nếu người tiêu dùng nói “không” với pháo nổ thì nạn pháo lậu chắc chắn sẽ giảm, theo đúng quy luật không có cầu, ắt sẽ mất cung.
Thanh Bình – Hồng Quân