Thủy điện Sơn La - Đại công trường “Cây nhà lá vườn”

(ANTĐ) - Những ánh sáng trên đại công trường thủy điện Sơn La soi lấp lánh dòng sông Đà. Có mặt tại công trường vào những ngày này ta có thể dễ dàng bắt gặp những ánh mắt “cười” và đôi tay đang căng mình để nâng độ cao công trường tới cao độ đỉnh điểm.

Thủy điện Sơn La - Đại công trường “Cây nhà lá vườn”

Kỳ 1: Muôn người một ý chí

(ANTĐ) - Những ánh sáng trên đại công trường thủy điện Sơn La soi lấp lánh dòng sông Đà. Có mặt tại công trường vào những ngày này ta có thể dễ dàng bắt gặp những ánh mắt “cười” và đôi tay đang căng mình để nâng độ cao công trường tới cao độ đỉnh điểm.

Nhanh nhưng phải chính xác tuyệt đối
Nhanh nhưng phải chính xác tuyệt đối

Làm việc trên lưng trời

Tôi gặp công nhân Nguyễn Văn Huy vào những ngày tháng 9 khi đại công trường đang chạy đua để tổ máy số 1 kịp hòa vào dòng điện chung của Tổ quốc. Cách đây 4 năm, kể từ khi khởi công đại công trường trên dòng sông Đà, tôi đã gặp Huy, khi ấy Huy còn khá trẻ, mới 21 tuổi. Huy quê ở Thái Bình, là công nhân Công ty Sông Đà 5. Gặp lại Huy hôm nay, tôi không nhận ra, bởi nắng gió trên công trường đã làm cho chàng trai quê lúa rắn rỏi hơn nhiều. Huy nhận ra tôi hỏi: “Có phải mấy năm trước anh chụp ảnh em khi đang ăn giữa ca dưới đáy đập?”. Đúng! Tôi nhận ra rồi, hình như cậu ngồi ở giữa, trên tảng đá trong bức ảnh của tôi. Chúng tôi gặp nhau trong chớp nhoáng, bởi Huy đang cùng anh em trong tổ đổ bê tông trên nóc sàn tổ máy số 1.

Thời gian 4 năm ngắn lắm so với một đời người, nhưng so với thời gian của Thủy điện lớn nhất Đông Nam á thì đã chiếm già một nửa quãng đường đi. Ngần ấy thời gian, con người có đổi thay nhưng không nhiều, còn công trường thì khác, dáng vóc nó hoành tráng theo từng ngày. Lần gặp Huy đầu tiên, công trường còn nằm âm dưới móng sâu đáy sông Đà, nay gặp lại chàng công nhân ấy công trường đã đạt đỉnh cao trên 200m ở bờ bên phải. Nhìn từ đỉnh cao độ hai bên bờ công trường, những cỗ máy khổng lồ, hàng nghìn kỹ sư thợ máy nhỏ xíu như đàn kiến cần mẫn hoạt động nhịp nhàng để xây những nhà máy trị thủy sản sinh nguồn năng lượng cho Tổ quốc.

Thời gian, thời tiết… trên công trường khắc nghiệt ghê gớm, nắng nóng luôn vượt những chỉ số dự báo của ngành khí tượng thủy văn, song từng công việc cụ thể, mỗi đơn vị cụ thể chưa ngừng một ngày lao động, để rồi có những hạng mục vượt thời gian tiết kiệm cho Nhà nước hàng tỷ đồng. Từ chỗ phải thuê kỹ sư, công nhân nước ngoài, nay ta đã dùng chính bàn tay khối óc của mình để xây dựng công trình vĩ đại.

Nói theo cách nói của Anh hùng Lao động Nguyễn Duy Hoàn, đây là niềm vui lớn nhất được làm công trường thủy điện lớn nhất Đông Nam á mà lại dùng toàn “cây nhà lá vườn”. Anh trở thành “người hùng” của đơn vị anh hùng từ đôi bàn tay sáng tạo của người thợ hàn. Được thi công ở đại công trường, công trình thế kỷ người kỹ sư, công nhân nào mà chẳng vui, tự hào. Trách nhiệm lớn đồng nghĩa với sự gian nan vất vả.

Vì thế, những kỹ sư, công nhân đã gác lại “niềm riêng” để cho niềm vui chung  to lớn. Có không ít công nhân, kỹ sư như Nguyễn Văn Huy, chưa có bạn gái thì tự nhủ mình hãy gác lại tất cả để ngày mai cùng chung vui. Hay những kỹ sư đã có gia đình tạm để mỗi người một phương hoặc gửi vợ con ở với ông bà, thỉnh thoảng thu xếp công việc về thăm vào những ngày phép. Mỗi người một công việc, một quê hương, nhưng đều chung một ý chí quyết tâm vì dòng điện ngày mai bừng sáng. Do vậy, ai nấy đều quên đi gian nan, khó nhọc và sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Chàng kỹ sư lái máy cẩu tháp Chu Xuân Hà tự hào được làm việc trên “lưng trời”. Hà năm nay tròn 20 tuổi, là công nhân bậc 2. Như nhiều công nhân khác, Hà không nghĩ mình lại làm việc như hiện nay. Hà học ngành Thủy lợi, nhưng khi ra trường đi làm thì Hà chọn làm việc này và được đào tạo thêm để làm việc trên “lưng trời”. Nơi Hà làm việc là điểm cao nhất tại công trường. Hà cười vui: “Tôi sướng nhất, được nhìn thấy rõ nhất tất cả đại công trường. Nếu ai đó mà không được tôi luyện thường xuyên trên độ cao của máy cẩu tháp sẽ run lắm. Gió và nắng ở đây khác dưới đất rất nhiều. Nắng thì cháy sạm mặt mũi, gió thì nghiêng ngả tháp cẩu, có khi dao động đến gần nửa gang tay. Nhất là lúc cẩu làm việc, vật nặng hàng chục tấn vít cần cẩu xuống như muốn đổ, nếu là người yếu tim sẽ toát mồ hôi hột”.

Đôi bàn tay mềm “so găng” sắt thép

Anh Lê Văn Nam - Phó phòng Quản lý kỹ thuật công trường thủy điện Sơn La cho biết, đến nay hình hài của Nhà máy thủy điện đã hình thành, 6 tổ máy đã rõ ràng từng ống áp lực. Tại khu cửa nhà máy các kỹ sư, công nhân đã chuẩn bị đủ điều kiện để lắp đặt hệ thống cẩu 350 tấn phục vụ công tác thử khô. Hiện đường ống áp lực tổ máy 1, 2, 3 đã hoàn thành, trong đó tổ máy số 1 đang lắp buồng xoắn để đổ phủ bê tông vòng ngoài. Công trường như đang vào “chính hội”, tất cả đang nỗ lực vượt thời gian để theo dự kiến tháng 12-2009 cốc máy phát tổ máy số 1 được lắp tổ hợp stato. Dự kiến tháng

4-2010 tích nước để tháng 12-2010 phát điện tổ máy số 1 và sau 3 tháng lại đưa 1 tổ máy tiếp theo đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tuyệt đối đối với công trình, mỗi tuần công trường phải dừng hoạt động 3 lần trong vòng 1 ca để siêu âm, kiểm tra các mối hàn. Do vậy, mỗi người thợ, tổ công nhân, kỹ sư phải lao động hết khả năng để bù lại số thời gian công việc kiểm định nghiêm ngặt ấy không ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Trên đường đua tiến độ, tưởng như chỉ dành cho những đôi bàn tay của kỹ sư, công nhân nam giới, nhưng ở đây lại không hiếm những “trái tim nữ yêu sắt thép và bê tông”. Họ hăng say lao động như hàng nghìn nam công nhân, kỹ sư khác đang phơi nắng trên công trường thế kỷ. Nguyễn Thị Dinh, công nhân Công ty Sông Đà, 5 quê ở Thái Bình. Khi được hỏi “phận gái” công trường có gì hạn chế không thì chị cười vui: “Nam hay nữ thì chỉ khác nhau về giới, còn về công việc thì nhìn chung cũng thế cả, quan trọng là sức khỏe thôi. Tôi làm ở đây hơn 2 năm và đã từng là công nhân ở công trường thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) rồi, thấy yêu nghề thì gắn bó với nghề chứ không nề hà vất vả”.

Đối với những “đời công nhân” dù là nữ hay nam thì họ đều thích nghi nhanh hơn người khác. Vợ chồng làm ca, đều được lãnh đạo bố trí hợp lý thời gian, để có người đón con cái. Khu “phố công nhân” có hơn 10 nghìn cán bộ và công nhân sinh hoạt. Từ ngày có công trường núi rừng Mường La tấp nập như phố thị. Có nhà trẻ và trường tiểu học kiên cố, để cho con em cán bộ, công nhân được học hành.

Tôi đến khu “phố công nhân” khi đêm đã muộn, thấy gia đình anh Nguyễn Đức Thuân và chị Nguyễn Thị Nga cùng là kỹ sư Sông Đà 5, đang làm sinh nhật bé Ngọc Anh tròn 4 tuổi. Tôi hỏi anh chị thì được biết, 2 vợ chồng bận việc quá nên quên, khi về đến nhà thì cháu bé phụng phịu đòi bố mua bánh ga tô sinh nhật mới chợt nhớ hôm nay là ngày sinh nhật con.

(Còn nữa)

Nguyễn Đức Tuấn