Thoi thóp rừng xứ Lạng

(ANTĐ) - Các khu rừng thuộc tỉnh Lạng Sơn được ví như lá phổi xanh của vùng Đông Bắc. Thế nhưng, gần 20 năm qua những cánh rừng thuộc huyện (Hữu Lũng - Lạng Sơn), đặc biệt là những cánh rừng nghiến trong rừng đặc dụng Hữu Liên (xã Hữu Liên) bị lâm tặc “xẻ thịt” nghiêm trọng.

Thoi thóp rừng xứ Lạng

(ANTĐ) - Các khu rừng thuộc tỉnh Lạng Sơn được ví như lá phổi xanh của vùng Đông Bắc. Thế nhưng, gần 20 năm qua những cánh rừng thuộc huyện (Hữu Lũng - Lạng Sơn), đặc biệt là những cánh rừng nghiến trong rừng đặc dụng Hữu Liên (xã Hữu Liên) bị lâm tặc “xẻ thịt” nghiêm trọng.

Những miếng gỗ bị lâm tặc vứt lại trong rừng sau khi đã vận chuyển hết gỗ
Những miếng gỗ bị lâm tặc vứt lại trong rừng sau khi đã vận chuyển hết gỗ

Những nẻo đường gỗ lậu

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 333 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là hơn 210 nghìn ha và 2 khu rừng đặc dụng Hữu Liên, Mỏ Rẹ. Lạng Sơn có khá nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, sến, dổi, nhiều nhất là gỗ nghiến.

Từ trung tâm thị trấn Mẹt (Hữu Lũng) đi trên tỉnh lộ 244 hướng Võ Nhai, Thái Nguyên, trên đường đi thỉnh thoảng lại gặp hàng đoàn xe máy chở theo những khúc gỗ được xẻ vuông vắn hay những chiếc thớt chất cao quá đầu. Chúng tôi dừng nghỉ tại một quán nước ven tỉnh lộ thuộc xã Yên Bình, chốc lát lại có một xe chở gỗ lậu phóng vù qua. Khi chúng tôi thắc mắc với bà chủ quán Nông Thị N., bà N. cho biết: “Gỗ này được chở từ các khu rừng thuộc rừng đặc dụng Hữu Liên hay những cánh rừng gần đó, mỗi ngày tôi thấy có 30 - 50 chuyến xe máy chở qua đây, còn ban đêm thì tiếng xe máy ầm ầm, bao nhiêu chuyến tôi cũng không biết và không biết họ mang đi đâu”.

Để đối phó với lực lượng truy bắt, lâm tặc tìm đường mòn để vận chuyển lâm sản. Chúng có thể chạy qua đèo Cả xuống huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) hay qua đèo Bén ra đường 1A cũ. Thực tế, lâm tặc vận chuyển gỗ lậu ở Hữu Lũng có nhiều tốp được tổ chức rất chặt chẽ tinh vi.

Tại địa bàn xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) cũng có vô số đường mòn được các đối tượng vận chuyển gỗ lậu sử dụng để vận chuyển hàng. Trong đó, đường vòng qua Thiện Kỵ xuống Yên Thế (Bắc Giang) được sử dụng nhiều nhất. Ngoài đội ngũ cửu vạn chạy xe máy, ở khu vực này, ai cũng dễ dàng bắt gặp nhiều người phụ nữ, trẻ em vác những khúc gỗ nghiến đi rất nhanh qua đường. Đây cũng chính là nơi lâm tặc vận chuyển gỗ lậu từ xã Hữu Liên (Hữu Lũng), thậm chí từ Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) về tập kết tại thị trấn Mẹt, sau đó chuyển về xuôi.

Một tuyến đường nữa là Phổng - Thiện Kỵ. Từ ngày đường Phổng được đầu tư nâng cấp, mở thông sang đèo Thạp, con đường trở thành điểm nóng về vận chuyển gỗ lậu qua Bắc Giang.

Những thanh gỗ nghiến được xẻ vuông vắn“theo xe”… về xuôi

Những thanh gỗ nghiến được xẻ vuông vắn“theo xe”… về xuôi

Thâm nhập đại bản doanh gỗ lậu

Gặp một người dân tên Hùng, ở xã Quyết Thắng đang dùng cưa máy cắt từng khúc nghiến nhỏ để làm củi chúng tôi tỏ ý muốn mua ít gỗ về làm con tiện, lan can nhà, ngay lập tức anh này giới thiệu: “Các chú muốn mua gỗ cứ vào cửa Lân Quang (Yên Bình) mà mua, ở đó chiều nào cũng có, bao nhiêu họ cũng đáp ứng được”.

Sau 30 phút chạy xe máy trên con đường uốn lượn dưới chân núi đá trơ trọi dựng đứng, đến cửa Lân, lúc đó đã 9h sáng vậy mà chợ Lân (chợ tự phát phục vụ lương thực cho người dân đi vác gỗ thuê) vẫn đông đúc người mua đồ phục vụ cho chuyến đi vào rừng, dưới sàn nhà của những ngôi nhà dưới chân núi là hàng chục chiếc xe máy được xếp thành hàng, tìm hiểu mới biết đó là xe của người đi vác gỗ thuê gửi.

Chúng tôi đang ngẩn ngơ trước cảnh náo nhiệt đó, một người đàn ông lạ tên Nông Văn Q. lại gần và hỏi: “Các chú muốn mua gỗ hả, các chú mua gỗ làm gì? Sau khi biết ý định của chúng tôi, ông Q. chỉ tay về phía cánh rừng phía trước và nói: “Hôm nay mưa chắc là ít chứ ngày thường thì bao nhiêu cũng có”, “Sao các chú không mua ở dưới xuôi, lên đây làm gì cho khổ?” - ông Q hỏi, chúng tôi chưa kịp trả lời thì ông nói một tràng, đây là thủ phủ của gỗ, toàn là nghiến, gỗ chở xuống thị trấn Mẹt, ra Quốc lộ 1A và sang Bắc Giang, ít nhất mỗi ngày cũng vài chục chuyến.

Từ phía xa một thanh niên dáng người to khỏe vác trên vai hai thanh gỗ nghiến vẫn còn đang rỉ “máu”, trò chuyện với anh, được biết anh tên Nông Văn Dũng, dân tộc Nùng, anh cho biết “mỗi ngày tôi dậy từ lúc 2h sáng, dùng đèn pin soi đường đi vào rừng, khoảng quá trưa ra đến nơi được trả công từ 80 - 100 nghìn đồng, khổ lắm nhưng ở nhà không có việc gì kiếm ra tiền nên đi vác thuê thôi”. Thấy  làm cửu vạn có thể kiếm được tiền nên đội quân này có lúc lên đến cả nghìn người.

Những cỗ máy “ăn rừng”

Riêng tại các xã Hữu Liên, Quyết Thắng, Yên Bình, Yên Thịnh, Yên Vượng có rất nhiều hộ gia đình sử dụng cưa máy (cưa xăng) tham gia phá rừng, mỗi ngày có hàng chục cưa máy hoạt động trong các cánh rừng thuộc rừng đặc dụng Hữu Liên.

Thủ đoạn khai thác, vận chuyển của lâm tặc ngày càng tinh vi khiến “cuộc chiến” giữ rừng của kiểm lâm ngày một khó khăn. Hiện tại, lâm tặc đã chuyển hẳn sang dùng loại cưa máy (cưa xăng), họ còn gọi là những cỗ máy “ăn rừng” để khai thác gỗ lậu. Loại cưa này nhỏ nhẹ, nhưng rất hiệu quả, cưa cây gỗ đường kính 1m chỉ mất hơn 1 phút. Loại cưa này mua rất dễ dàng tại các chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa hay chợ Hữu Lũng. Giá cưa xăng của Mỹ, Thụy Điển khoảng 10 triệu đồng/chiếc, cưa Trung Quốc rẻ hơn: 3 triệu đồng/chiếc. Nhờ sự hỗ trợ của cưa máy gỗ sau khi được cưa hạ rồi được xẻ thành từng khúc nhỏ vuông vắn hay thành thớt đủ sức cho đội quân cửu vạn vác.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, giá gỗ nghiến bán tại rừng là 5 triệu đồng/m3 nhưng khi mang được sang Trung Quốc hoặc về xuôi tiêu thụ, giá có thể gấp đôi, gấp ba. Còn thớt gỗ nghiến đường kính chưa đến 40cm, cao khoảng 30cm: giá 250 - 300 nghìn đồng/thớt (tại rừng), nhưng khi ra thị trường, giá khoảng 500 - 550 nghìn đồng. Nhận thấy nguồn thu không nhỏ từ gỗ lậu cộng thêm phương tiện khai thác hiện đại nên rừng nơi đây đang bị cạn.

Văn Hoàng - Hải Lâm