Thay hiện vật lịch sử bằng sản phẩm… trang trí!
(ANTĐ) - An ninh Thủ đô Điện tử số ra ngày 18-7-2007 có bài viết nhan đề “Chuyện ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (MTVN): Cột mới... rồng cũng mới!” phản ánh việc Bảo tàng MTVN thay thế phiên bản xi măng “Cột Chùa Dạm” cũ bằng một cột mới bằng đá đặt sừng sững ở sân Bảo tàng MTVN. Giới chuyên môn đều tỏ ý tiếc nuối và muốn dựng lại phiên bản cũ. Vậy phiên bản “Cột Chùa Dạm” cũ bằng xi măng hiện đang lưu lạc nơi nào?
Vẩy rồng thành… vẩy cá chép
Khác xa với phiên bản bằng xi măng đã từng được đánh giá là chính xác đến 90% so với bản gốc, “Cột Chùa Dạm” mới lại mắc những sai sót cơ bản. “Cột Chùa Dạm” được chế tác từ thời Lý (thế kỷ XI - XII) với hình tượng con rồng có vẩy mờ, nhỏ thì con rồng bằng đá mới hiện ở sân Bảo tàng được thực hiện có vẩy nổi như vẩy cá chép (như hình thể rồng ở cuối thời Trần thế kỷ XIV và đầu thời Lê Sơ - Lê Trung Hưng thế kỷ XV - XVII).
Với việc chuyển đổi chất liệu cùng sự sai lệch về quan niệm, “Cột Chùa Dạm” mới bằng đá trở thành một công trình méo mó, sai lạc với nguyên mẫu và biến một tác phẩm nghệ thuật thành một tác phẩm đơn thuần để… trang trí. Vốn “Cột Chùa Dạm” là một cột điêu khắc, nhưng cột đá mới không thể hiện được đúng tinh thần đó, cái không gian ước lệ của tác phẩm bị bỏ qua, “Cột Chùa Dạm” mới sai từ hình thể đến các chi tiết (trong đó các chi tiết được thêm thắt một cách tùy tiện).
“Cột Chùa Dạm” phiên bản cũ tại Bảo tàng MTVN |
Một điều rất cơ bản, mặc dù là phiên bản, nhưng tác phẩm yêu cầu phải được thực hiện đúng quy trình từ niên đại, thời gian kể cả về nghệ thuật lẫn màu sắc thể hiện.
Bà Nguyễn Hải Yến (nguyên Phó Phòng Nghiên cứu Sưu tầm Bảo tàng MTVN) cho biết: “Năm 1973, tôi cùng một nhóm nghiên cứu cổ đại của Bảo tàng Mỹ thuật đã đến nghiên cứu chùa Dạm và đặc biệt quan tâm đến “Cột Chùa Dạm”, đây là một di tích mang đậm dấu ấn của mỹ thuật thời nhà Lý, và đặc biệt là “Cột Chùa Dạm”. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian, công sức để phục dựng lại một phiên bản mà mấy mươi năm qua được đặt ở Bảo tàng MTVN. Là một giáo viên giảng dạy về mỹ thuật, phiên bản “Cột Chùa Dạm” cũ ở Bảo tàng Mỹ thuật là một giáo cụ trực quan. Và hơn nữa, đã có một thời gian, với tôi nó như một thương hiệu gắn liền với Bảo tàng Mỹ thuật…”.
Chị thẳng thắn: Nói về “Cột Chùa Dạm” mới thì sai hoàn toàn, đừng nói là rồng thời Trần mà các cụ trách cho, rồng thời Trần cũng không tệ đến như thế. Thế hệ mai sau, những người chưa một lần biết đến “Cột Chùa Dạm”, sẽ nghĩ và cảm nhận thế nào với một hiện vật đã từng được xếp là điển hình nghệ thuật của thời Lý. Cái dấu ấn thời Lý đậm nét ở con rồng, ở những đường nét điêu khắc đá mềm mại, bay bổng, những nét rất đặc trưng mà đời sau không thể có được.
Vậy lỗi là do đâu? Theo như họa sỹ Nguyễn Xuân Tiệp - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng MTVN thì: “Trong một lần lên làm việc tại cơ sở I - Nguyễn Thái Học, ông Trương Quốc Bình (Giám đốc Bảo tàng MTVN) mời ông Tiệp xem “Cột Chùa Dạm” và đề nghị cho biết ý kiến; ông Tiệp có trả lời: Về kỹ thuật chạm đục đá là tốt nhưng nhiều ý kiến CBCNVC trong cơ quan và những người làm nghệ thuật thắc mắc bản đá được phiên không đúng bản mẫu và tại sao con rồng lại có vẩy nổi như cá chép? Phải chăng anh có tư liệu để thực hiện như thế?”. Ông Bình trả lời: “Khi thợ đổ bản mẫu bằng thạch cao có thấy hình vẩy rồng mờ, nhưng khi thực hiện phiên bản đá họ nhỡ tay nên làm vẩy nổi lên như vậy. Không có vấn đề gì, coi đây là phiên bản phóng tác từ bản mẫu”…(?).
Vậy phiên bản “Cột Chùa Dạm” cũ bằng xi măng hiện ở đâu? Câu hỏi được bà Nguyễn Bình Minh, PGĐ Bảo tàng MTVN trả lời: “Phiên bản xi măng nứt rồi, chúng tôi đã bỏ nó đi. Phải phá bỏ nó để đưa phiên bản đá vào. Thật ra, cột xi măng đó cũng không phải là hiện vật gốc để phải gìn giữ”...
Số phận của hiện vật cũ
Nhận được nguồn tin từ Hoa Lư, Ninh Bình, chúng tôi đã gấp rút lên đường tìm hiện vật cũ... tại doanh nghiệp đá mỹ nghệ của gia đình ông Lương Văn Quang tại làng Xuân Vũ, xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình. Ông Lương Văn Quang là chủ thầu làm chiếc cột mới được giới chuyên môn gọi là “cột mỹ nghệ” (hiện đang tọa lạc tại Bảo tàng).
Phần thân “Cột Chùa Dạm” phiên bản cũ nằm giữa đống phế thải chờ xử lý tại xưởng đá mỹ nghệ của gia đình ông Lương Văn Quang |
Có mặt mà thấy xót xa, hiện vật của một thời từng là biểu tượng của Bảo tàng MTVN nay nằm tại một bãi đá vụn, nơi vứt phế liệu của doanh nghiệp. Nứt vỡ, thân một nơi, đầu một nẻo, khối thân nằm ở cuối bãi, giữa ngổn ngang các khối đá; tìm khối đế với những hoa văn cánh sóng được mang về đây làm mẫu cho cột đá thì một mảnh còn vương cũng không thấy.
Nhiều người thợ làm việc tại doanh nghiệp của ông Lương Văn Quang cũng chẳng rõ phần đế của “Cột Chùa Dạm” được vứt đi đâu vì theo họ nó đã quá nát và vỡ ra từng mảnh. Ngậm ngùi nhìn “Cột Chùa Dạm” quen thuộc, tuy không còn toàn vẹn và được đứng tại ngôi nhà Bảo tàng MTVN, nhưng thấy cột vẫn toát lên sự hoành tráng, uy nghi và sừng sững của một hiện vật mang tính lịch sử.
Ông Quang cho biết, nếu không có sự ngăn cản của chúng tôi thì đã cho thợ đập bỏ toàn bộ “Cột Chùa Dạm” để giải phóng bãi, lấy chỗ cẩu đá ra. Ông thông báo thêm, đúng vào ngày chiếc “Cột Chùa Dạm” bằng đá mới được đưa lên Hà Nội bàn giao, “người ta” bảo tôi mang cột xi măng về. Người ở Bảo tàng MTVN chắc cũng không biết cột bị đưa về đây, có lẽ họ nghĩ là nó đã bị đập bỏ rồi!” -“Người ta” ở đây là ai và việc “xử lý” “Cột Chùa Dạm” bằng xi măng như thế nào thì chắc chỉ “người trong cuộc” mới biết (?).
Chúng tôi hỏi ông Quang về việc khi làm phiên bản “Cột Chùa Dạm” bằng đá mới, ông có lên tham khảo mẫu gốc “Cột Chùa Dạm” bằng đá ở Quế Võ, Bắc Ninh không thì ông Quang lắc đầu. Ông nói ông không biết nó ở đâu, làm bằng chất liệu gì.
Vì theo như ông Quang, “người ta” chỉ thuê và yêu cầu ông làm cho giống cột xi măng thôi: “Đầu của nó giống rồng thời Lý, còn cái thân tôi cũng chẳng biết đời nào. Khi làm vẩy rồng thì chẳng dựa trên vẩy rồng đời nào, có thì chép sang thôi”.
Cái sự “chép” của ông Quang lại là chuyện dẫn đến một công trình mỹ thuật sai sót từ chuyện… lỡ tay (?!) Vẩy rồng của cột đá mới được ông Quang gia công sắc nét, cho nổi hẳn lên. Tất cả các bộ phận, chi tiết khác của sản phẩm mới đều được xử lý như trên. Nghĩa là làm cho hình rồng đầy đặn, căng ra từ sợi râu, răng, móng, chân, vẩy rồng...
Không chỉ có vậy, trên sản phẩm “Cột Chùa Dạm” bằng đá mới được ông Quang tạo ra thân rồng phía bên phải được “bồi đắp” thêm dựa theo thân rồng bên trái. Về việc thêm thắt này, chúng tôi được ông Quang giải thích rằng vì thân bên phải đã bị mòn, nên phải làm thêm cho đầy đặn, tròn trịa hơn.
Đặc biệt ở chỗ ông Quang hình như vô tội trong việc tạo nên cột và rồng mới, dẫn đến một công trình mỹ thuật sai sót như hiện nay – Vì theo ông Quang, việc “sáng tạo” này của ông được sự cho phép của lãnh đạo Bảo tàng MTVN(?!).
Có mới... vứt bỏ cũ(?)
Từ việc một công trình mỹ thuật sai sót từ chuyện… nhỡ tay, đến việc trả lời một cách thiếu trách nhiệm rằng hiện vật cũ không biết đang ở đâu đều khó có thể chấp nhận được tại một địa chỉ tầm cỡ như Bảo tàng MTVN.
Dẫu chỉ là một phiên bản nhưng bao năm nay, phiên bản “Cột Chùa Dạm” bằng xi măng vẫn được coi là một hiện vật đã từng đại diện cho nền nghệ thuật, lịch sử, tôn giáo... của dân tộc Việt qua từng giai đoạn hình thành, xây dựng và phát triển của đất nước; vậy mà... “người ta” lại bỏ xó theo kiểu “mặc kệ nó” như thế (?)
Chẳng lẽ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một địa điểm đang lưu giữ những di sản nghệ thuật quý giá nhất của dân tộc lại cũng là nơi dẫn đầu công cuộc… “làm mới”, “có mới... vứt bỏ cũ” những di chỉ cổ một cách tàn nhẫn như vậy?
Hiền Thục