Thắp lên những ước mơ

ANTĐ - Một gia đình 10 người thì có đến 5 người bị tàn tật. Lao động chính trong nhà cũng là một người tàn tật và không biết chữ. Tưởng như số phận kém may mắn đã cướp đi hết tất cả của họ, nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, họ đã và đang từng bược vươn lên trong cuộc sống.

Thắp lên những ước mơ ảnh 1Chị Hằng và con trai Trần Văn Vinh

Khó khăn chồng chất

Từ lâu, hình ảnh anh Trần Văn Thụy (SN 1968, trú tại thôn 2, xã Kim Quan, Thạch Thất) - người đàn ông với thân hình bé nhỏ nặng chưa đầy 40 kg phải di chuyển bằng cả 2 chân, 2 tay nhưng sửa chữa đồ điện rất giỏi đã quen thuộc với những người dân huyện Thạch Thất.

Gia đình anh Thụy có 10 nhân khẩu và việc liệt kê bệnh tật của từng người trong nhà khiến ai nghe thấy cũng… hoảng. Mẹ anh năm nay đã 85 tuổi bị liệt sau một lần ngã, em trai Trần Văn Thùy (SN 1973) bị tàn tật bẩm sinh, vợ là chị  Nguyễn Thị Hằng (SN 1970) và 6 đứa con, trong đó có hai cháu là Trần Văn Vinh (SN 1995) và Trần Thị Hải (SN 1996) đều bị bệnh xương thủy tinh từ nhỏ. Đã thế kinh tế gia đình ngoài 2,7 triệu đồng trợ cấp xã hội, còn lại đều phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền làm nghề sửa chữa điện của anh.

Thắp lên những ước mơ ảnh 2

Cơ  sở sản xuất của vợ chồng anh Thụy

Ngay từ bé, anh Thụy đã nhận thấy mình không may mắn, không thể tự đi lại bằng đôi chân của mình như mọi người. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình lại quá nghèo và không được đến lớp, anh liền mày mò học gò nồi xoong để kiếm sống. Khi trưởng thành, anh gặp chị Hằng, một người phụ nữ hiền dịu sẵn sàng vượt qua mọi ngăn cấm của gia đình để về gắn bó với anh lâu dài. Niềm hạnh phúc nhân đôi khi đứa con trai đầu lòng của anh chị ra đời, rồi đứa thứ hai chỉ sau đó một năm. Nhưng niềm vui chưa kịp trọn vẹn thì anh chị nhận ra cả 2 con mình đều mắc bệnh xương thủy tinh, chân tay các cháu liên tiếp bị gãy sau những vấp ngã.

Những năm sau đó, gia đình anh Thụy có thêm 4 cô con gái và may mắn tất cả đều khỏe mạnh nhưng gánh nặng gia đình cũng vì thế mà nặng nề hơn. Kinh tế cả gia đình phụ thuộc vào công việc của anh, còn chị Hằng vừa chăm sóc cho cả gia đình, vừa phụ giúp công việc cho chồng. Khi các con đến tuổi đi học, chỉ riêng lo tiền học phí đã là một trở ngại lớn. Vợ chồng anh Thụy càng phải gồng mình trong muôn vàn khó khăn.

Thuận vợ thuận chồng

Anh Thụy kể: “Từ khi có vợ, tôi tu chí làm ăn mong cho vợ đỡ khổ, vì cô ấy đã chịu quá nhiều thiệt thòi khi đến với gia đình tôi. Bởi vậy trong suốt 21 năm qua tôi chưa bao giờ to tiếng dù chỉ một câu, vợ chồng tôi thương yêu nhau hết mực. Nếu không có cô ấy, có lẽ gia đình tôi không có như ngày hôm nay. Tôi vẫn nói vui với các con, mẹ chúng là bà tiên của cả nhà. Cuộc sống nghèo khó, vất vả, có những ngày vợ chồng tôi phải làm việc từ tờ mờ sáng đến nửa đêm, nhưng cô ấy vẫn bên cạnh giúp đỡ tôi. Không chỉ gánh những vất vả trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, có những lúc bệnh tật, cô ấy lại phải một mình cõng tôi đi khắp các bệnh viện để chữa trị. Nhiều lúc tôi nghĩ, đôi vai nhỏ của cô ấy sắp gục xuống, nhưng vì lòng yêu chồng thương con, cô ấy vẫn mạnh mẽ đứng lên gánh vác cả gia đình”.

Về phần mình, chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: “Khi quyết định đến với anh Thụy, tôi biết phía trước sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn chấp nhận. Là phụ nữ trong gia đình có 10 người đã có nhiều áp lực, nhưng khó khăn với tôi nhân lên nhiều lần khi cả mẹ, chồng, em chồng và các con đều bị tật nguyền. Khi lũ trẻ đến tuổi tới lớp, tôi phải cõng chúng đi học. Các cô giáo vẫn thường bảo, nhà tôi đi học là kéo cả nhà vì một ngày tôi cõng các cháu tới trường đến 4, 5 lượt. Có khi cõng con lên tầng 4 của lớp học tôi mệt quá ngã gục xuống”.

Niềm tin không tắt

Nói về ngôi nhà đầy nghị lực này, không thể không nhắc đến những đứa con của anh Thụy. Gia đình thuộc hộ nghèo trong xã, hoàn cảnh lại hết sức khó khăn, nhưng cả 6 đứa con anh Thụy vẫn vươn lên học giỏi, đạt nhiều thành tích trong học tập. Trong đó em Trần Văn Vinh (SN 1995) vừa đạt 23 điểm đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin của Học viện Bưu chính viễn thông. Tâm sự với Vinh, cậu tân sinh viên cười rất tươi nói: “Từ khi còn nhỏ, đi học thấy các bạn được ra chơi còn mình phải ngồi lại trong lớp, em rất buồn. Vì thế, em tìm sách đọc thêm để lấp đi quãng thời gian ấy. Em yêu thích tin học và muốn trở thành kỹ sư lập trình, cũng một phần vì nó phù hợp với bản thân em nên em đã cố gắng học để thực hiện ước mơ”.

Niềm vui con trai đỗ đại học như vỡ òa trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng vợ chồng anh Thụy không bớt đi sự lo lắng. Vinh đi xe lăn, trước đây có mẹ và các bạn đẩy xe đi học, bây giờ xa nhà, ai sẽ là người chăm sóc? Rồi tiền đâu cho con đi học? Nhưng mọi khó khăn không thể ngănVinh thực hiện ước mơ, em đã nhập học và ở tại ký túc xá nhà trường, cuộc sống cũng dần ổn định. Bố mẹ em đã phải rất cố gắng để mỗi tháng có 1,5 triệu đồng lo cho em ăn ở. Hiện tại Vinh mong muốn có một chiếc máy tính để phục vụ cho việc học tập, nhưng kinh tế gia đình không thể đáp ứng điều này.

Cũng giống như Vinh, cô em gái Trần Thị Hải và Trần Thị Hà cũng sắp thi đại học. Các em đều học rất tốt và mong muốn được tiếp tục đi học. Hải nói: “Em đang cố gắng học để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Mong ước của em giống như anh Vinh là trở thành kỹ sư máy tính”.

Trước những tâm tư của các con, anh Thụy hiểu hơn ai hết, cho dù cuộc sống có khó khăn như thế nào anh vẫn cố để chúng được thực hiện ước mơ. Đó cũng là cách duy nhất để anh chứng minh cho mọi người rằng: Cuộc đời này, chưa bao giờ chỉ toàn bóng tối. Ánh sáng sẽ đến với những người dám vượt qua số phận để sống và thành công.