Thám tử đai đen

(ANTĐ) - Nghe danh của họ, tôi cứ ngỡ, khi họ đứng ra thành lập công ty thám tử tư, với võ nghệ cao cường, trông họ phải thật oách, áo cổ cồn, giầy da đen bóng, kính đen và phải có gì đó nhang nhác mấy Sherlock Holmes thời hiện đại đang chiếu trên tivi...

Thám tử đai đen

(ANTĐ) - Nghe danh của họ, tôi cứ ngỡ, khi họ đứng ra thành lập công ty thám tử tư, với võ nghệ cao cường, trông họ phải thật oách, áo cổ cồn, giầy da đen bóng, kính đen và phải có gì đó nhang nhác mấy Sherlock Holmes thời hiện đại đang chiếu trên tivi...

Hóa ra không phải. Trần Văn Thông - HLV trưởng đội tuyển karatedo CAND cười: “Được thế thì chúng tôi giàu to! Nghề này vất lắm. Nếu có dịp, anh sẽ thấy chúng tôi cũng chỉ là anh “xe ôm”, cô bán hàng nước vỉa hè, hay “xịn” hơn là một choai choai mới lớn thích “trang điểm” bằng đồ Hi-life...

“Xin lỗi anh, mọi người đang bận các hợp đồng nên chưa thể về kịp. Nhiều anh em đã 4-5 ngày nay chưa về nhà”. Thông ái ngại khi đã hẹn tôi mấy lần mà chưa “chộp” được nhân viên nào để tôi “moi chuyện”. Chàng trai 10 năm liền vô địch karatedo toàn quốc này gầy hơn so với hồi anh đoạt HCV SEA Games 17.

Thông bảo: “Cũng khá tình cờ, khoảng năm 2000, ngoài thời gian rảnh khi chưa được tập trung lên huấn luyện cho Đội tuyển Quốc gia, tôi được một số anh em nhờ “để ý” giúp con cái vì họ quá bận rộn. Bây giờ nhiều gia đình khá giả cũng chỉ có 1, 2 đứa con nên nuông chiều. Thêm nữa môi trường xã hội cũng phức tạp, không ít cám dỗ, thanh, thiếu niên rất dễ hư hỏng”.

Mọi chuyện cứ tự nhiên đến, thấy thích hợp với một công việc có thể nói khá mạo hiểm và cũng nhiều lý thú, Thông bàn với các bạn cũng là tuyển thủ Quốc gia từng thi đấu trong màu áo của CAND cùng đứng ra thành lập công ty chuyên giám sát, tìm hiểu về các mối quan hệ xã hội, tư vấn, quản lý giáo dục thanh, thiếu niên “hộ” các gia đình; giúp con em họ tránh những nguy cơ dẫn tới tệ nạn xã hội, phạm tội...

Những cuộc đeo bám

Một gia đình khá giả ở Nam Định tìm đến công ty của Thông. Họ lo lắng về cậu con trai mới nhập trường Đại học Ngoại thương mà đã... biết gửi về nhà một giấy ghi nợ 50 triệu đồng kèm theo lời nhắn: Nếu không trả sẽ bị bọn đầu gấu… chặt tay. Theo bố mẹ cậu ấm này, con họ rất ngoan, chưa bao giờ phạm tội.

Mẹ cậu khóc thảm thiết: “Hay là nó bị đám giang hồ nào ở Hà Nội bắt làm... con tin?”. Sau khi trấn an gia đình, Thông khuyên nên tìm cách tiếp cận cậu ấm, yêu cầu cậu ta phải cho gặp trực tiếp người nhận tiền. Thế rồi như những trinh sát công an thực thụ, các nhân viên của Thông vào vai những người lái “xe ôm”, kẻ lang thang bụi đời, người bơm vá xe máy tập trung theo dõi ở khu tập thể Phương Mai...

Mọi chuyện không đơn giản chỉ là màn kịch mà cậu ấm dựng nên. Có tiền, cậu ta đi chuộc điện thoại, dây chuyền ra khỏi hiệu cầm đồ, rồi vung tiền theo kiểu nghĩa hiệp cho bạn bè mỗi đứa một ít. Số còn lại, cậu rủ người yêu, bắt taxi đến nhà nghỉ và sau một đêm... mỹ mãn, cậu ấm “tập kết” ở một chiếu bạc.

Để có được những hình ảnh thuyết phục, các nhân viên của công ty đã bí mật chụp ảnh, ghi hình những nơi mà các thiếu gia đến. Nguyễn Trường Giang, cựu VĐV Đội tuyển karatedo Quốc gia từng đoạt HCB SEA Games cho biết: “Để bám theo các cậu ấm mà không mất dấu vết, chúng tôi đôi khi vào vai các đại gia lắm tiền hay tay chơi dù chẳng biết “lắc”, cờ bạc, đua xe... Nhưng muốn có được những thông tin chính xác nhất giúp các gia đình có biện pháp quản lý, giáo dục con em mình, tôi và anh em cũng phải “bay” cùng đám trẻ ở vũ trường, vào xới để “chiến”, hoặc vung tiền hát karaoke, cũng “bao” gái nhảy chẳng kém gì dân chơi... chuyên nghiệp”.

Giang kể: Một gia đình ông “tổng” ở Cầu Giấy hớt hải tìm đến công ty nhờ tìm cậu quý tử đã hơn tuần nay không về nhà. Do học hành cũng thường, song nhờ “đông” tiền nên cậu vẫn vào được trường chuyên, lớp chọn có tiếng ở Hà Nội. Trớ trêu, ở lớp ấy, cũng có tới 5 cậu ấm con đại gia học dốt như nhau. Thế là chỉ vì câu khích “đểu”: Bố mày thay ôtô như thay áo mà nhà mày không có tiền thì chuyện quá lạ đấy...

Và sau những lần xin tiền cho những cuộc ăn chơi không đủ, cậu đã mở két, lấy trộm tiền. Khi bị gia đình nghi ngờ, cậu bỏ nhà đi luôn... Hơn chục nhân viên Công ty Cộng lực lại vào cuộc. Người đóng vai tay đua xe sành điệu, người đóng vai tiếp viên nhà hàng liên tục bám sát đám “đi hoang”.

Chỉ một nghi ngờ nhỏ, bọn trẻ sẵn sàng phóng xe bạt mạng, thế là dù có bản lĩnh, được các hướng dẫn viên thuộc Bộ Công an đào tạo các “chiêu” đi xe, bám dấu vết đối tượng, đôi lúc cũng hụt hơi. Nhất là trường hợp phải theo dõi cả ngày ở các “tụ điểm”, quá mệt mỏi, đêm lại phải bám theo các cuộc chơi của cậu ấm, cô chiêu thường bắt đầu lúc 2h sáng, rồi đi “lắc”, kéo nhau đi Hải Phòng...

Chưa kể khi có cuộc “đú đởn” trên đường phố, đám choai choai bốc đầu, đánh võng, phóng nhanh va quệt người đi đường, các thám tử tư lại phải chia nhau đưa người bị thương vào bệnh viện.

Dương Thị Thiệp có lẽ là cô gái nhiều “chiến công” nhất ở Công ty Cộng lực. Mỗi tháng, ngoài giờ đi dạy thêm võ thuật, cô còn phụ trách 3,4 “chuyên án” mà “chuyên án” nào cũng kéo dài hàng tháng, đôi khi còn có hậu, kéo dài hàng năm...

Sau khi giải nghệ với nhiều huy chương tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế, Thiệp theo chân anh em đam mê với công việc nhiều thử thách này. Một thiếu gia đang học THPT chẳng hiểu chát chít thế nào mà quen  một đàn chị trên mạng, rồi bị yêu nữ này “chăn dắt”. Cô gái này có một con trai nhỏ nhưng cô ta không chăm lo, suốt ngày lên mạng tìm bạn để tối tụ tập “lắc” và sống... bầy đàn.

Thiệp cả tháng trời phục kích từ cổng trường, quán net, làm “tổ lái” trên đường và đóng giả nhân viên lễ tân khách sạn, tiếp cận cậu ấm đang thuê một phòng ở cùng 3, 4 cặp choai choai trong tình trạng gần như khỏa thân, hút tài mà. “Thân gái dặm trường” nguy hiểm lắm nhỉ? Cô gái khá duyên có đôi mắt to đẹp, cười tươi: Lúc ấy chỉ nghĩ làm thế nào để cậu bé đừng dính vào những điều xấu, nên cũng quên mất những vất vả, hiểm nguy rình rập.

Với lại, bản lĩnh của người học võ giúp các thám tử đai đen như chúng em không e ngại bất cứ trường hợp nào. Quan trọng là phải biết việc mình làm là đúng trong giới hạn pháp luật cho phép...”.

Cái tâm của người luyện võ

Dương Thị Thiệp nhớ lại: Nhiều cậu ấm dù cúi đầu nhận lỗi với gia đình, song với cái tuổi ương ương, các bạn vẫn vướng vào chuyện xấu nếu gia đình không có biện pháp giáp dục, giám sát lâu dài. Để thuyết phục cậu ấm từ bỏ cô yêu nữ nghiện ngập, Thiệp cùng gia đình giáo dục, động viên và đưa cậu tận mắt chứng kiến cuộc sống thực của cô gái mà cậu yêu. Khi không có cậu, cô ta sẵn sàng cặp với những kẻ khác để tiếp tục những cuộc chơi mới... Cậu bé đã sốc.

Thiệp động viên cậu theo học lớp võ thuật để nâng cao sức khỏe, tránh những thời gian vô bổ. Bây giờ cậu đã trưởng thành và mới đỗ một trường đại học lớn ở Hà Nội. Trần Văn Thông kể: Một quý tử ở Quảng Bình ra Hà Nội học Đại học Xây dựng nhưng do đua đòi, ăn chơi nên sớm “dính” nghiện.  Thiếu gia này “quái” đến mức còn thuê người “cắt đuôi” khi biết mình bị theo dõi. Thông cùng các cộng sự phải bám mình phục hàng tuần ở những điểm nghi cậu ấm này đến hít...

Sau khi trực tiếp xem hình ảnh, bố mẹ cậu ấm phát hoảng, không biết nên làm thế nào để vừa giữ danh tiếng gia đình, vừa giúp cậu con trai... thoát nghiện. Và họ tha thiết nhờ công ty cai nghiện “hộ” con trai mình. Thế rồi cậu ấm chuyển về ở cùng Thông và một số anh em trong công ty. Sau những cơn vật vã, cậu dọa nhảy từ tầng 3 xuống tự tử. Kiên quyết không nhượng bộ, Thông có lần nâng bổng thiếu gia lên giả ném xuống. Thiếu gia mặt tái mét, van xin...

Sau 3 tháng, cậu ta đã cai được với sự chăm sóc cẩn thận của 10 võ sỹ. Cũng mất hơn 1 năm tập luyện võ cùng các võ sư đai đen kiêm thám tử, được họ tâm sự về cuộc sống, về những điều tốt đẹp mà gia đình, xã hội đang chờ đợi... Để bây giờ khi đã tốt nghiệp đại học, cậu về công tác ở quê nhà và trở thành một cán bộ có năng lực... 

Với Nguyễn Trường Giang, câu chuyện lại khác, trong một gia đình cán bộ cao cấp một ngành ở Hà Nội có cậu con trai duy nhất, ngoan ngoãn, hiền lành. Cậu được chăm như “gà nòi” học hành tử tế và xin được học bổng du học tại Singapore. Chính sự giữ gìn quá của gia đình nên khi “sổ lồng” cái gì cũng hấp dẫn và khiến cậu tò mò, khám phá. Thế rồi đang học dở chừng, cậu bỏ về Hà Nội và mất hút...

Lần theo những mối quan hệ của cậu ấm, Giang phát hiện cậu mê chơi game đến mức quên ăn, quên ngủ và thường “dạt” ở một quán net. Thế là lại phải học chơi game, “luyện công” để trong thời gian ngắn đủ sức làm quen, thách đấu. Cậu ấm bị các cao thủ “quay” dần nản và quay về nhà sau nhiều tháng đi... “bụi”.

Bây giờ thì cậu và Giang là những người bạn thân, cậu bé đã tỉnh ngộ và rất chí thú học tập ở Singapore. Hay một cô gái bố ở Đức, mẹ sống cùng người tình không ai chăm sóc, giáo dục. Bị đám bạn lôi kéo, cô tham gia những cuộc “lắc” cùng các thiếu gia trong những phòng karaoke gia đình, và cũng bắt đầu “cắn” 2 viên Dòng sông lửa, mới đã. Cô đã từng thuê thợ về cắt khóa, lấy hết những thứ gì trong nhà có thể cầm cố, bán, cũng vì những cuộc chơi thác loạn.

Gia đình thực sự bó tay và những võ sư đai đen sau những chuyến “phiêu” cùng cô gái, đã động viên gia đình đưa cô vào trung tâm giáo dục thanh, thiếu niên. Sau quá trình cảm hóa, lại là thời gian dài giám sát, thuyết phục cô tiếp tục học tập, rồi bí mật tạo dựng cho cô những người bạn mới ngoan ngoãn, chăm học, cùng gia đình khuyến khích cô tham gia các hoạt động xã hội cộng đồng bổ ích, và hôm nay cô đã là một sinh viên giỏi du học ở Anh...

****

Những cái tên Trần Văn Thông, Nguyễn Trường Giang, Dương Thị Thiệp, Nguyễn Ngọc Long, Vương Quốc Khánh, Tạ Quang Sinh, Vũ Hồng Sơn, Phạm Hồng Hoàn... đều trưởng thành từ nghiệp võ. Thông tâm sự: Khi đã ở bên kia của đỉnh cao, người may mắn thì làm HLV, người làm giáo viên ở các trường năng khiếu, song cũng có người, chưa biết tài năng, sức khỏe và lòng đam mê của mình có thể làm tiếp những việc gì có ích cho xã hội...

Và họ đã chọn cho mình một nghề - thám tử tư. Giang thì bảo: Phương châm của chúng tôi là “Luôn luôn bảo vệ bạn” nhưng thú thực trong điều kiện hoạt động không được phép có các công cụ hỗ trợ, công việc của chúng tôi rất vất vả và nguy hiểm.

Tuy nhiên, với cái tâm của người luyện võ, lòng cao thượng, khoan dung, hướng thiện, cộng thêm lòng đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi hy vọng, sẽ làm được nhiều điều để mọi gia đình Việt Nam bình yên, hạnh phúc hơn, xã hội ngày càng tốt đẹp, phát triển hơn...                 

Hà Bảo Lâm