Tết đến nơi mà “chợ người” ế ẩm

ANTĐ - “Kinh tế khó khăn thế nào không biết nhưng đứng cả ngày không thấy ai thuê là lo lắm. Nghĩ đến Tết lại toát cả mồ hôi hột”, thợ mộc Nguyễn Văn Cường (43 tuổi) quê Hà Nam, có hơn 10 năm cầm cưa đang đợi việc tại phố Đường Thành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Tết đến nơi mà “chợ người” ế ẩm ảnh 1

Mong cho áo ướt cả ngày

Chợ người ở phố Đường Thành xưa nay được biết đến là chợ người làm mộc. Hàng chục con người tay cưa, tay đục đứng hai bên đường đợi việc từ rất sớm. Chợ làm mộc cũng như bao nhiêu chợ khác cứ ai thuê gì làm nấy, từ đi lắp cái giường, sơn cái tủ, sửa cánh cửa, cho đến đóng hay tháo cốt pha ở các công trình xây dựng… 

“Việc gì cũng được, miễn sao có thêm đồng tiền tích cóp rồi gửi về nhà lo cho gia đình thế mà vẫn không ai thuê, cứ thưa dần mà người làm mộc đổ về đây ngày một động, có khi đứng cả ngày nhão cả chân mà không kiếm được đồng nào. Có người thuê thì cũng hạ giá đến mức không thể hạ thêm được”, anh Cường cho biết.

Cũng như bao lao động nghèo khác, anh Cường bỏ ruộng, bỏ vườn gửi con cái cho ông bà nội rồi hai vợ chồng dắt díu nhau lên Hà Nội đi làm thuê. Ban đầu hai vợ chồng đẩy xe đạp đi bán hoa quả nhưng về sau thấy không lãi lời bao nhiêu. Sau này, anh đi phụ hồ, đi đóng cốt pha rồi mon men học được chút nghề mộc anh về phố Đường Thành để gia nhập đội quân cầm cưa. “Bám vào mấy sào ruộng chẳng đủ ăn vậy là đi, đi rồi ăn chung ở ghép lang thang khắp Hà Nội cũng chỉ kiếm thêm được dăm ba đồng cho con ăn học. Muốn tích cóp mà xây cái nhà, mua cái xe chắc cũng khó. Nhiều lúc muốn bỏ về quê nhưng về rồi lấy gì mà ăn”, anh Cường tâm sự.

Cũng như anh Cường những người thợ mộc khác ở khu phố này sáng nào họ cũng đi thật sớm rồi về thật muộn. Có hôm nhiều việc họ cũng kiếm được 2 đến 3 trăm ngàn đồng nhưng có hôm không có đồng nào. Trong số gần 20 thợ mộc tôi gặp được ở phố Đường Thành người vào nghề ít cũng được vài năm người nhiều cũng hơn ba chục năm nay. “Bám cái nghề này từ thuở chưa vợ mà nay thằng cả nhà tôi học xong đại học đi làm lấy vợ rồi. Nó mới ra trường nên cũng khó khăn lắm. Tay yếu, mắt mờ dần nhưng phải gắng vì hai đứa út cũng sắp vào đại học”, ông Thương (54 tuổi) quê ở Trực Ninh, Nam Định chia sẻ.

Ngồi ở phố Hàng Da anh Dũng, ông Bình, anh Tiến quê ở Hà Nam chăm chú hướng đôi mắt về những người đi đường như mong mỏi họ sẽ dừng xe lại để gọi mình. Ông Bình cho biết những năm trước cứ gần đến Tết là nhiều việc lắm. Ai cũng thích sắm giường mới tủ mới, ai cũng thích sơn sửa lại cánh cửa, bộ bàn ghế, trần nhà vậy mà năm nay chưa thấy động tĩnh gì. “Không biết kinh tế khó khăn như thế nào, ở đâu nhưng ngồi không cả ngày anh em tôi lo lắm”. Nói rồi ông Bình chậc lưỡi: “Chết. Cái út gọi lên bảo sang tuần hạn cuối nộp học phí học kỳ 2 rồi. Tết nhất đến nơi không có nhiều cũng gắng kiếm thêm nó cái áo mới chứ, lại còn tiền tết, tiền mừng, tiền hương hoa lễ lạt nữa”.

Trưa đến những quán cơm, bún quanh phố Đường Thành, Hàng Da, Phủ Doãn bốc khói tỏa hương thơm nghi ngút, khách nườm nượp nhưng những thợ cầm cưa vẫn ngồi đó. Bữa trưa với họ như một thứ gì đó quá xa xỉ, người có tiền thì ăn bát cháo lòng, bún mắm, người không có thì ăn nắm xôi dăm bảy nghìn đồng… “Vất vả, đói khổ nhưng biết làm sao được. Sáng ra đi làm ai cũng mong hôm nay áo ướt cả ngày. Bữa nào áo ướt mồ hôi thì có tiền, có cơm, bữa nào không có việc ngồi không thì đành nhịn đói. Cái kiếp làm thuê là vậy, ướt thì no, khô thì nhịn đói”, vừa đánh lại lưỡi cưa cho sắc anh Bình thở dài nói.

Nuôi ước mơ cho con

Gần Tết người lao động đổ về thành phố ngày càng đông trong khi việc làm lại ít đi càng khiến đời sống của người dân lao động nghèo ở Thủ đô thêm khó khăn. Ngồi gần hết ngày nhưng anh Đường quê ở Bắc Giang mới nhận lắp được một cái giường. “Sáng nào cũng vậy, ngồi một chặp không có việc tôi cầm cưa xách đồ nghề lang thang đến các quán bán nội thất để kiếm việc. Có ai đến mua giường mua tủ thì xin đi lắp, mỗi lần như thế được 50 ngàn đồng tiền công. Trước đây đi làm người ta còn cho thêm ít chục uống nước chứ bây giờ khó lắm”, anh Đường cho biết.

Theo chân anh Đường sau một ngày dài cổ chờ việc tôi cùng anh trở về khu nhà trọ nằm ở bãi giữa sông Hồng, ngày dưới chân cầu Long Biên. Một khu trọ lụp xụp, ẩm thấp, trong căn phòng chưa đầy 10m2 nhưng là chỗ ở của 7 người đàn ông. “Đêm đến phải nằm nghiêng thì mới đủ chỗ ngủ cho bảy anh em. Đều là lao động nghèo nên dễ thông cảm cho nhau. Phải sống thế này mới có được đồng tiền dư gửi về nhà lo cho gia đình. Bây giờ làm không ra đến cơm ngày hai bữa cũng phải tính toán chi li, có hôm đành nhịn cơm ăn mì tôm cho qua bữa”, anh Đường tâm sự. Nói rồi mắt anh mấp máy: “Hôm qua vợ gọi xuống bảo bệnh thận đang ngày một nặng. Hôm trước vay nặng lãi cho cậu con đầu nộp học phí và mua cái máy tính để làm đồ án tốt nghiệp, mấy hôm nay người ta đến đòi liên tục”.

Theo chị Lanh chủ quán cơm Lanh Hoàn ở khu nhà trọ cho người lao động nghèo phường Phúc Xá nếu trước đây mỗi ngày nhà chị bán được 200 suất cơm thì nay không đủ một nửa, đã thế khách ăn lại chủ yếu gọi cơm canh mà không dám mua thức ăn thịt cá, rau như trước đây. “Biết là lời lãi không bao nhiêu nhưng tôi vẫn làm, thôi thì họ khó khăn không dám ăn thịt ăn cá nên mình cũng nấu thêm canh để phục vụ họ vậy”, chị Lành chia sẻ.

Cũng như chợ làm mộc, hầu hết những chợ người lao động khác ở Hà Nội đều ế ẩm chung. Tại chợ Đồng Xuân có gần cả trăm con người đang ngồi trước cổng chợ đợi việc. Mỗi chuyến xe hàng tấp vào chợ người đi mua việc cũng chỉ dám gọi một đến hai người, chủ yếu là người quen, lâu năm họ biết chắc làm được việc. “Đợi cả ngày cùng lắm cũng bán sức được 100 ngàn đồng, ngày may mắn cũng được vài trăm. Ai mua thì bán, bất kể việc gì, vậy mà cũng không bán được sức mà nuôi mình chứ chưa nói lo cho gia đình”, anh Nguyễn Xuân Hòa (28 tuổi, ở Hòa Bình) nói.

Ở chợ lao động không chỉ đàn ông, thanh niên trai tráng mà những người phụ nữ chân yếu, tay mềm, thậm chí có người đã ở cái tuổi làm bà vẫn phải vật vờ bên vỉa hè  dài cổ ngồi đợi việc. Nếu trước đây công việc của chị Nguyễn Thị Hoa quê Hưng Yên đi làm nghề giúp việc thì nay đến việc phụ hồ dù quá sức nhưng chị vân phải làm. 

Theo chị Hoa không hiểu sao đầu năm nay chủ nhà nơi chị giúp việc bảo, việc ít nên không cần người giúp nữa. Vậy là chị theo chân chị em cùng quê ra cầu Mai Động (quận Hoàng Mai) ngồi chờ việc. Vừa rồi nhóm chị Hoa nhận khoán đổ bê tông mái nhà cho một dãy nhà trọ, trong lúc đang đổ bê tông vì phải vác cả bao xi măng quá nặng khiến chị Hoa bị ngã gãy tay. “Bác sỹ bảo phải đi khám thường xuyên để kiểm tra, mua thêm thuốc uống nhưng tiền đâu. Không đi làm lại mua thêm tiền thuốc biết lấy gì gửi về nhà nuôi con”, chị Hoa ngậm ngùi.

Dù cánh tay trái đang băng bó nhưng hàng ngày chị vẫn xách túi đi khắp phố nhặt nhạnh ve chai bán lấy tiền, ngày may mắn chị cũng kiếm thêm được 30 đến 50 nghìn đồng. “Phải làm thôi. Ngồi ở nhà lấy gì ăn. Chí ít cũng kiếm ngày vài chục mà gửi về cho con chứ. Mình đói, đau thế nào cũng kệ chứ để bọn trẻ nhịn đói, bỏ học thì đau lòng lắm. Chúng nó không được đi học thì sau này còn khổ hơn nữa. Nghĩ thế nên việc gì nặng nhọc tôi cũng làm được”, chị Hoa tâm sự.