Sự cuốn hút của những phiên bản tem kỳ lạ

ANTĐ - “Tem dị bản”, “tem in thử” hay “tem binh sĩ”… đó là những loại tem mà không phải phải ai cũng biết, ngay cả những người chơi tem chuyên nghiệp. Câu chuyện về những con tem kỳ lạ này đã làm cho thú sưu tập tem càng trở nên có sức cuốn hút kỳ lạ.

Sự cuốn hút của những phiên bản tem kỳ lạ ảnh 1Ông Đào Đức Long giải thích về những con tem “độc”

Thú chơi đòi hỏi kỳ công

Tem thư không đơn thuần là sản phẩm của ngành bưu chính, mà mỗi con tem là một tác phẩm nghệ thuật, một phương tiện để truyền tải lịch sử, văn hóa. Bởi vậy, được tận mắt chứng kiến những con tem trong triển lãm tem ở Hà Nội, gặp gỡ những người sưu tập tem mới thấy được sự thú vị của việc chơi tem - thú chơi tưởng như đơn giản nhưng hết sức kỳ công và đòi hỏi người chơi vốn hiểu biết sâu rộng. 

Tôi gặp ông Lê Đăng Khoa, 73 tuổi, trú tại Ngọc Khánh, Hà Nội khi ông đang mải mê so những con tem mình có với những con tem dán trên bảng. Không tự nhận mình là nhà sưu tập chuyên nghiệp, ông Khoa cho biết, đây là lần đầu tiên ông biết được có một triển lãm về tem, nên quyết định đến để xem bộ sưu tập của mình còn thiếu những gì.

Đam mê sưu tập tem từ năm lên 6 tuổi, ông cùng bạn bè đồng lứa thường lang thang khắp các chợ tem hay tìm đến ki-ốt bán tem ở Hồ Gươm để “săn” những con tem độc, lạ. Bộ sưu tập tem của ông không quá đồ sộ, nhưng lại có những con tem đặc sắc, gắn liền với những sự kiện, nhân vật lịch sử. Chẳng hạn như bộ tem “Cải cách ruộng đất” được phát hành giai đoạn 1955-1956, bộ tem hữu nghị Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc in hình ba lãnh tụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ma-len-khốp - Mao Trạch Đông phát hành năm 1954-1955 hay bộ tem chiến thắng Điện Biên Phủ… Cả những con tem về danh nhân thế giới như Lê-nin, nhà du hành vũ trụ Ga-ga-rin… được in ở Nga, có con tem có tuổi đời hơn nửa thế kỷ cũng được ông cất công lưu giữ. 

Thấy tôi tò mò về con tem trông khá lạ trên tay ông Lê Đăng Khoa giải thích đây là “tem binh sĩ”. Tem này được phát cho các quân nhân để liên lạc, thư từ về cho gia đình, người thân… nên không có giá. Bộ “tem binh sĩ” đầu tiên do Bưu điện Việt Nam phát hành năm 1959, sau được thay bằng chữ “tem quân đội”. Ông Khoa rất thích những con tem này vì nó gần như là dấu tích duy nhất còn sót lại của những người lính từ nơi chiến trận gửi cho hậu phương, nhiều người trong đó đã vĩnh viễn không trở về. Những con tem như thế trên thị trường hiện nay  còn rất ít và trở thành đối tượng được người chơi tem săn tìm. 


Sự cuốn hút của những phiên bản tem kỳ lạ ảnh 2Tem in thử về Tết trồng cây chỉ duy nhất một màu xanh được phát hành năm 1981

Tem lỗi có giá trị cao

Là người chơi tem chuyên nghiệp đã mấy chục năm, hơn ai hết, ông Đào Đức Long, Phó Chủ tịch thường trực Hội tem Việt Nam,  cũng là Chủ nhiệm CLB tem Thăng Long là người rất am hiểu về nguồn gốc, giá trị của mỗi con tem. Ông có một quy tắc chơi riêng, tức là đã sưu tập, thì phải sưu tập theo chủ đề hoặc theo bộ, chứ không chơi lẻ. “Đã chơi tem không chỉ phải tỉ mỉ, cẩn thận, mà còn phải biết cách chơi, phải hiểu về con tem của mình”.

Để chứng minh, ông giải thích về những phiên bản tem “độc” của mình: Chẳng hạn như “tem dị bản”, có thể hiểu là tem bị lỗi, bị hỏng trong quá trình in, gồm nhiều loại như tem mất chữ, mờ chữ, bị in lệch màu, thừa hay khuyết răng cưa, đặc biệt là “tem in thử”, chỉ có một lần màu ban đầu, thay vì nhiều lớp màu đè lên. Thông thường, sản phẩm bị lỗi, hỏng hay bị giảm giá trị, nhưng với tem thì ngược lại, những phiên bản khiếm khuyết này lại càng được người chơi tem yêu thích và sẵn sàng trả giá cao. 

Hiện nay, sự phát triển công nghệ đã tạo điều kiện cho ra đời nhiều loại tem lạ, khác xa so với tem giấy hình chữ nhật truyền thống, chẳng hạn như tem kim loại, vàng, bạc, tem có mùi, tem đính hoa, tem hình đĩa CD… hay tem ba chiều, tem chuyển động…. Thế mới thấy, cuộc sống hiện đại con  người ta không còn viết thư nhiều như trước, nhưng tem vẫn là một sản phẩm rất được trân trọng, chăm chút, bởi chúng phản ánh đời sống xã hội, lưu giữ ký ức như một thước phim tài liệu không thể nào quên.