“Săn” tê giác ở Phước Cát

(ANTĐ) - Thôn 3, xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng nằm giữa rừng quốc gia. Đây là khu rừng cuối cùng của Việt Nam còn tê giác sống sót.

Bi, hài sừng tê giác (kỳ 2)

“Săn” tê giác ở Phước Cát

(ANTĐ) - Thôn 3, xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng nằm giữa rừng quốc gia. Đây là khu rừng cuối cùng của Việt Nam còn tê giác sống sót.

>>>Thần dược - sừng tê giác?! (kỳ 1)

Thôn 3 xã Phước Cát nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên bên bờ sông Đồng Nai
Thôn 3 xã Phước Cát nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên bên bờ sông Đồng Nai

“Trước đây nơi này tê giác nhiều lắm”

Thôn 3, xã Phước Cát nằm cách trung tâm huyện Cát Tiên chừng 80km. Sáng sớm tinh mơ trên đường đến Phước Cát để tìm hiểu về tê giác, tôi thấy những đốm lửa vẫn đỏ trên triền đồi, gió thổi tàn bay đầy các ngọn cây. Anh Sơn - Đội Cơ động bảo vệ rừng - than: “Hôm qua bà con lại đốt rừng trộm làm nương đấy”.

 Chúng tôi đến Phước Cát vào lúc giữa chiều. Cái nắng của dải đất đỏ bazan như trút lửa. Già làng Điểu K Khen ở trần ngồi trước bậu cửa nhà phe phẩy quạt. Ngôi nhà nằm giữa rừng tựa lưng vào núi. Ông không lạ gì cán bộ Sơn nên thấy chúng tôi ông nói: “Hôm nay cán bộ lại đi rừng à?”.

 Trước khi đến Phước Cát, anh Nguyễn Xuân Hàn cán bộ kiểm lâm cho biết, già làng có cái tên “khen” đáng trách lắm. Khi anh Hàn mới lên nhận nhiệm vụ ở đây đã bị một phen hú vía. Cuộc vận động bà con không phát nương làm rẫy, đánh bắt động vật hoang dã đang tiến triển tích cực thì ông Điểu K Khen lúc ấy chưa làm già làng, làm mất toi công sức của anh em kiểm lâm.

 Ông lén lút vào rừng sâu phát rừng làm rẫy. Kiểm lâm phát hiện nhắc nhở và yêu cầu thu hoạch vụ đó xong phải chấm dứt ngay. Trong cam kết có điều kiện rõ ràng “nếu Điểu K Khen tiếp tục đốt rừng làm nương rẫy thì bị kiểm lâm nhổ bỏ và xử lý theo pháp luật”.

Vậy nhưng, vâng dạ xong Điểu K Khen để đấy chứ không thực hiện. Khi kiểm lâm đi kiểm tra phát hiện vi phạm của Điểu K Khen đã châm chước tạm thời không xử lý. Ai dè, Điểu K Khen thấy kiểm lâm đã hô hoán con cháu mang dao gậy ra chống lại. Một cán bộ kiểm lâm bị bố con ông Điểu K Khen trói quặt khuỷu tay, quẳng lên xe bò và bắt cán bộ phải nộp con bò mộng để làm lễ cúng Giàng. Phải đến khi cán bộ kiểm lâm, chính quyền và Công an huyện Cát Tiên có mặt, anh kiểm lâm nọ mới được thả…

Công ước quốc tế (Công ước buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp - CITES) đang kiểm soát việc mua bán động vật hoang dã và các bộ phận của chúng. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã ký kết Công ước này. Tất cả các loại tê giác đều đưa vào phụ lục 1 của Công ước, nghĩa là nghiêm cấm buôn bán. ở Việt Nam, tê giác có trong danh mục IB của Nghị định 18/HĐBT - danh mục các loài động vật nghiêm cấm khai thác, sử dụng.

 Nhắc lại chuyện cũ, già làng Điểu K Khen cười bảo: “Đói cái bụng nên hay làm liều. Bây giờ cán bộ nói mình hiểu rồi. Giữ cái rừng con cháu được mát lâu, chứ phá nó đi thì nắng lắm!”.

 Già làng Điểu K Khen đã bao giờ nhìn thấy con tê giác ở rừng này chưa? - tôi hỏi. “Con tê giác hả, thấy nhiều rồi. Ngày thằng K Nhem mới được 1 tuổi (năm nay K Nhem 22 tuổi), đi rừng nhìn thấy tê giác nhiều lần lắm. Cả đàn đông xuống ăn mầm cỏ ở nương.

 Nó to và đen xì như trâu rừng. Con đực có một cái sừng mọc trên mũi. Bây giờ ít khi nhìn thấy lắm. Có hôm thằng K Nhem đi rừng nhìn thấy mấy con ở khu Hang Dơi, về nó kể lại chứ mình lâu rồi không đi rừng nữa nên không gặp. Có dạo người thành phố về đây hỏi mua sừng nhưng lấy đâu ra. Phân nó còn hiếm chứ nói gì đến thứ ấy” - Già làng Điểu K Khen cho biết.

Cánh rừng dầu bị con người chặt phá
Cánh rừng dầu bị con người chặt phá

“Săn” tê giác bằng khoảnh khắc

Các công bố bằng tiếng Pháp và tiếng Việt cho thấy tê giác Sumatra và tê giác một sừng đã từng có ở rừng Việt Nam. Đến những năm 1960, các nhà bảo tồn động vật đã lo ngại tê giác nhỏ một sừng ở nước ta sớm muộn gì cũng bị tuyệt duyệt. Năm 1969, Van Peennen chuyên gia nghiên cứu về tê giác viết: “Có lẽ hiện không còn một con tê giác nào sống ở Việt Nam, mặc dù mới vào khoảng năm 1920 người ta có thể săn tê giác không xa Sài Gòn là bao”.

Năm 1988, một thợ săn đã bắn chết con tê giác cái gần sông Đồng Nai thuộc huyện Cát Tiên và bị bắt khi đem bán sừng và da ở chợ. Sự cố này đã làm sống lại mối quan tâm của cộng đồng và các nhà bảo tồn Việt Nam và Quốc tế đối với loài tê giác chỉ còn số lượng rất ít trên toàn thế giới.

Báo cáo của Schaller, Santianllai cùng cộng sự và Nguyễn Đặng Xuân đưa ra kết quả điều tra hiện trạng tê giác một sừng ở Việt Nam qua các năm 1990, 1993, 1994 nói rõ trong những thập niên qua người dân địa phương còn nhìn thấy tê giác ở khu vực phía Nam tại các nơi và thời điểm khác nhau. Nhưng ở phía Bắc tê giác được nhìn thấy lần cuối cùng vào năm 1964, và loài thú này xem như đã bị tuyệt chủng ở địa phương này kể từ đó.

Đằng đẵng mấy năm, các nhà khoa học luồn rừng lội suối “săn” tê giác nhưng cũng chỉ mang được những vết chân và phân của loài này về nghiên cứu. Qua phân tích ADN từ phân, đã khẳng định được loài thú nguy cấp cao tuyệt chủng này vẫn còn sống sót ở Việt Nam.

Theo ông Gert Polet, chuyên gia nghiên cứu bảo tồn tê giác và Thạc sĩ Trần Văn Mùi - nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên - tê giác Java hay còn gọi là tê giác một sừng là loài có nguy cơ bị tiêu diệt cao nhất thế giới. Hiện nay, chỉ còn 2 quần thể số lượng khoảng 50 cá thể sống tại Việt Nam và Indonesia.

Tê giác đi kiếm ăn
Tê giác đi kiếm ăn

Tháng 1-1999, cuộc điều tra quy mô được tiến hành để ước tính số lượng tê giác của Việt Nam. Dự án bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên do Chính phủ Hà Lan thông qua Chương trình Đông Dương của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên hỗ trợ kinh phí để thực hiện cuộc đi “săn” tê giác. Sau nhiều tháng những chiếc máy ảnh chuyên dụng được đặt khắp nơi trong rừng đã ghi được những hình ảnh đầu tiên về tê giác. Tin về tê giác vẫn còn sống ở Việt Nam được báo cáo tại Hội nghị bảo tồn tê giác ở Mỹ đã gây xôn xao giới nghiên cứu khoa học.

“Con vật lừng lững đen trũi đang thở phì phì trước mặt tôi. Nằm im trong bụi rậm, tôi ngước mắt lên nhìn nó. Tê giác! Sau vài phút nó làm “diễn viên” cho tôi quay phim rồi chạy thẳng vào rừng” - Nguyễn Văn Thanh cán bộ bảo tồn tê giác cho biết. Qua các cuộc điều tra, khu vực rừng Phước Cát, Cát Lộc huyện  Cát Tiên, Lâm Đồng là nơi duy nhất còn khoảng 5-7 con tê giác sống sót. Sự sống còn của những con tê giác có mặt trên trái đất khoảng 60 triệu năm đang phụ thuộc vào con người, đặc biệt là người dân nơi đây.

Nguyễn Đức Tuấn

Kỳ sau: Những con tê giác không có khả năng sinh sản