Rừng Đông Trường Sơn đang gặp nạn
(ANTĐ) - Chỉ vì vàng mà cả cánh rừng Đông Trường Sơn bạt ngàn với những loại gỗ quý như chò, gụ… đã và đang bị băm nát. Thêm vào đó, các đối tượng khai thác vàng còn mở xưởng chế tác mỹ nghệ ngay giữa rừng sâu để qua mặt cơ quan chức năng.
Rừng Đông Trường Sơn đang bị băm nát vì đào đãi vàng |
Rừng trơ trọi vì đào vàng
Từ thị trấn Khâm Đức thuộc huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam), một trong 62 huyện nghèo nhất nước hiện nay, phải đi hơn 40km đường rừng nữa mới đến được xã Phước Thành, nơi tập kết của dân đào vàng. Là một xã nằm sâu trong rừng, song, khó ai có thể tin được, nhịp sống của những người đào vàng tại bãi vàng Khe Tăng, nằm cách trung tâm xã Phước Thành khoảng 10km lại nhộn nhịp, sôi động đến vậy.
Bên cạnh sự nhộn nhịp này, cả cánh rừng đầu nguồn đã bị đào phá tan hoang. Dọc hai bên đường, những cây cổ thụ đường kính 1,5-2m, những cây gỗ quý 2-3 người ôm nằm ngổn ngang, lăn lóc, thân cây còn rõ vết cưa mới. Cuối con đường là công trình khai thác vàng. Trên các vạt rừng bị phá là hàng chục chiếc lán trại được lợp bằng ván gỗ. Tiếng mìn nổ đì đùng, nối tiếp là những tiếng ùng ục vỡ ra từ lòng núi, xen lẫn là tiếng cưa, xẻ gỗ rè rè. Tất cả, tạo nên một đại công trường tấp nập.
Muốn khai thác vàng thì phải đào hầm theo kiểu “thả lò” sâu hàng trăm mét vào lòng núi, đồng thời phải chặt hạ gỗ rừng, cưa xẻ để làm ván chống trần. Từ các cửa lò, đội thợ đào vàng ra vào tấp nập như mắc cửi. Ước tính, riêng bãi vàng Khe Tăng có đến 300 thợ ngày đêm tham gia đào đãi vàng.
Một người dân ở Phước Thành cho biết, cách đây khoảng 3 năm, dọc con đường dẫn vào bãi vàng Khe Tăng hiện giờ là rừng rậm, mặt trời không rọi được đến mặt đất, nhưng bây giờ thì trụi húi, trơ trọi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn lợi dụng việc được chính quyền cho phép khai thác vàng để khai thác gỗ trái phép. Nhiều người còn mở xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ ngay giữa rừng.
Kiểm tra chiếu lệ?
Theo ông Hồ Văn Phen, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, mặc dù bà con Phước Thành cuộc sống còn rất khó khăn, nhưng cũng không mấy người đi đào đãi vàng hay chặt phá rừng mà chủ yếu là người từ nơi khác đến. Trong số đó, doanh nghiệp được cấp phép cũng có, mà vàng tặc, lâm tặc cũng có. Ông Phen cho biết, thậm chí ngay cả việc quản lý về nhân khẩu, xã cũng không thể nắm được. Ví như trường hợp của Công ty TNHH Phước Minh (được cấp phép khai thác vàng ở Khe Tăng), hiện họ có tới gần 1.000 thợ nhưng không ai đến UBND xã để đăng ký tạm trú.
Gỗ lậu bị bắt giữ tại Hạt Kiểm lâm Phước Sơn |
Để làm rõ hơn về vấn đề lợi dụng đào đãi vàng để khai thác rừng trái phép, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Long, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Ông Long khẳng định, Công ty TNHH Phước Minh đã ngang nhiên mở 4km đường từ trung tâm xã Phước Thành vào bãi vàng Khe Tăng.
Theo ông Long, dù Công ty Phước Minh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép khai thác vàng nhưng việc tự tiện chặt phá rừng để làm đường ở bên ngoài địa giới cho phép là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đất đai và bảo vệ rừng. Cũng theo ông Long, vào tháng 3-2010 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Phạm Thế Quyền đã đi kiểm tra và lập biên bản, yêu cầu đình chỉ ngay việc làm đường, song, điều khó hiểu là không những sai phạm không được chấm dứt mà hiện Công ty Phước Minh đang tiếp tục mở thêm 2km đường nữa vào sâu trong rừng.
Kiểm lâm không biết?
Trong khi rừng Phước Sơn đang bị phá nát thì ông Trần Lanh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn lại thản nhiên cho biết, Hạt Kiểm lâm Phước Sơn không hề biết hay nghe thông tin gì về việc sai phạm chặt phá rừng của Công ty TNHH Phước Minh. Ông Lanh khẳng định, kiểm lâm chưa phát hiện có tình trạng chở gỗ lậu từ khu vực xã Phước Thành đi ra. Tuy nhiên, trái với những gì ông Lanh nói ngay tại trụ sở Hạt Kiểm lâm Phước Thành, 1 xe chở gỗ lậu mang BKS: 92K-0089 vừa bị bắt giữ. Chủ xe tên Hồ Văn Dũng khai nhận, số gỗ lậu này được vận chuyển từ xã Phước Thành ra. Chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông Lê Nho Năm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn. Ông Năm cho biết: “Hiện nay tuyến đường từ trung tâm huyện Phước Sơn vào trung tâm xã Phước Thành đang được mở rộng để ôtô có thể đi lại thuận lợi hơn, nhưng cũng chính vì vậy đã làm gia tăng nguy cơ chặt phá và buôn lậu gỗ từ các xã nằm sâu trong rừng ra bên ngoài tiêu thụ”.
Lạ lùng hơn khi chúng tôi trao đổi với ông Phạm Thanh Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thì ông Lâm cũng rất “ngạc nhiên” trước tình trạng các doanh nghiệp được chính quyền cho phép khai thác vàng đã tranh thủ tàn phá trái phép cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, thậm chí khai thác gỗ rừng để bán, điển hình là Công ty TNHH Phước Minh tự tiện chặt phá rừng để mở 6km đường vào bãi vàng. Ông Lâm khẳng định: “Các doanh nghiệp khai thác vàng dù là được cấp phép cũng chỉ được khai thác vàng ở dưới lòng đất, không được phép làm ảnh hưởng tới môi trường, rừng phòng hộ. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam sẽ lập đoàn công tác để điều tra lại vụ việc và nếu mức độ chặt phá rừng nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm khắc”.
Văn Hải