Rủ nhau đi phiên chợ lùi

ANTĐ - Lũng Phìn là một trong bốn phiên chợ lùi độc đáo, nổi tiếng và hút khách nhất của Hà Giang. Đến chợ Lũng Phìn là đến với một bản sắc, một đặc trưng, một giai điệu sống ấn tượng đầy những cung bậc thăng trầm.

 Chợ phiên Lũng Phìn họp vào ngày Dần và ngày Thân

“Chợ lùi” có thể là một thuật ngữ khó hiểu với nhiều người, nhưng lại không lạ với những tâm hồn thiên di hay với chính người sống ở vùng núi đá Hà Giang. Chợ lùi Lũng Phìn được và nhiều người biết đến một phần bởi công lao của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng Nguyễn Khắc Xương, con trai cố thi sĩ Tản Đà.

Trong cuốn nhật ký nhỏ ghi về những chuyến đi xa, cụ Xương có đoạn giải thích về chợ lùi. Nó đơn giản, không phải là con người đi lùi mà thay vì 7 ngày một phiên, chợ lùi sẽ họp cách nhau 6 ngày, tức là tuần sau lùi một ngày so với tuần trước. Chợ lùi là cách người miền xuôi đặt tên, chứ người bản địa không gọi vậy. 

 Khu bán dê ở chợ Lũng Phìn

Tiến đến chợ lùi

Ở đất phên giậu xa xôi như Hà Giang không phải chỉ Lũng Phìn mới có chợ lùi. Chợ lùi ở cao nguyên đá có những bốn nơi khác nhau: Lũng Phìn, Sà Phìn, Phó Bảng và Phố Cáo. Chợ Sà Phìn họp ngày Tỵ - Hợi. Chợ Phó Bảng ngày Tý - Ngọ. Chợ Phố Cáo ngày Thìn. Bốn chợ lùi cũng tùy tập tục, tùy điều kiện mà buôn bán các mặt hàng khác nhau. Xưa, chợ lùi gần như chỉ có người dân tộc Mông và một số dân tộc khác tham gia; nay thì ngoài người Mông còn có 16 dân tộc anh em vùng cao đều buôn bán tấp nập. Du khách cũng nhờ đó mà có dịp hòa mình khám phá.

Cứ theo chỉ dẫn của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, thì chợ lùi Lũng Phìn ở Đồng Văn, nay thuộc về Mèo Vạc chỉ họp ngày Dần và ngày Thân. Cứ đến hai ngày này là chợ nhộn nhịp những người, những mặt hàng truyền thống lẫn hiện đại, cả gia súc và nông sản.

Các mặt hàng điện tử hiện đại

Cứ theo trục lộ 4C thuộc cung đường Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc là đến được Lũng Phìn. Chợ có biển xanh ghi rõ để khách thập phương đỡ phải hỏi đường. Thực ra cũng không cần đến biển báo, vì trên cung đường này, còn cách xa chợ cả cây số đã gặp những người đi chợ.

Từ chị người Mông đến anh người Mán, từ đứa trẻ nhỏ đến cụ già đã hom hem hàm răng đen cuốc bộ đến chợ. Chốc lại gặp vị trung niên người Mông cưỡi trên lưng ngựa lọ mọ đi, mặt nghiêng nghiêng ngắm núi, hông đeo con dao nhỏ, lưng có tay nải màu đen trông như một tráng sĩ. Thi thoảng, vị này quất con ngựa như để truy phong, tiếng vó ngựa lộp cộp đều đều rồi khuất chìm vào màn sương phía xa.

Chợ Lũng Phìn còn bán cả lợn cắp nách

Thấy ai đó tay xách đôi gà, dắt con lợn, con bò béo hay đàn dê là biết ngay đem đi chợ bán. Họ gọi nhau í ới, tiếng vọng lên đồi, gió hắt tiếng lên những ngôi nhà trên cao đập vào vách đá vang vang vọng xuống. Chỉ lúc sau, vài người trên nương ào xuống hòa vào dòng người hứa hẹn cho một buổi chợ mua bán thuận hòa.

Còn người Kinh đến chợ này cũng dễ nhận ra. Một là theo đoàn đi ô tô; hai là dân du lịch bụi đi xe máy, tay quấn chân chêm những đồ bảo hộ với xe cắm cờ chầm chậm vừa đi vừa ngắm cảnh thanh bình.

Tất cả, dù nhanh dù chậm thì đều mong mỏi tiến đến phiên chợ lùi. Ở đó là một không gian hoàn toàn khác. Có tiếng bò kêu, ngựa hí, tiếng bán mua, tiếng chúc tụng với bát rượu thơm lừng, có thắng cố, đậu mèo, có cả ti vi đến đồ điện tử hiện đại. Chợ phiên lùi lúc nào cũng vui như tết. Người Kinh cũng thích đến đây, không trả giá bán mua, cứ tay bốc hàng tay rút tiền, mặt hồ hởi như mua được vật báu. 

Không chỉ người Mông, bà con dân tộc khác cũng tham gia đông đủ

Mua của người chán, bán cho người cần

Anh Vù A Thanh lùa đàn dê xuống chợ. Đàn dê 11 con anh đã nuôi gần hai năm trời. Vợ anh Thanh, chị Lù Thị Ính đi theo, bảo rằng: “Chồng bắt lùa đàn dê xuống núi đến chợ phiên chơi. Chơi chứ không bán. Mang dê theo để mọi người nghĩ mình giàu. Cũng có tiền sẵn rồi, mua thêm hai con dê nữa cho nhập vào đàn. Nhưng phải tìm được hai con dê đẹp của người nào đã chán nuôi thì mới mua”.

Phía bên cạnh, ông Vương Thà Chính có một con dê, ông gọi anh Thanh để bán. Nhưng anh Thanh không mua, vì ông Chính chỉ có một con, cho nhập vào đàn thì dê không có anh em. Anh phải tìm được người nào có hai con dê thì mới chịu mua.

Phía giữa chợ, cụ già móm mém Giàng A Sau có con lợn cắp nách béo ục ịch. Trong cái sọt tự đan, chú lợn thò mõm đòi ăn. Cụ Sau bảo: “Chán con lợn này rồi. Mày thấy nó đẹp thì tao bán cho”.

Các món ăn có sẵn khá hấp dẫn

Ở Lũng Phìn, người dân bán mua thật thà. Đồ muốn bán vì chán bao giờ cũng rẻ hơn những đồ khác. Người ta bán đồ chán này đi để mua mua một thứ cần thiết, đang ao ước hơn.

Chợ Lũng Phìn được quy hoạch rộng lớn. Nói là quy hoạch thì hơi quá, bởi chẳng có quy củ xây dựng gì. Những căn nhà lợp pro-ximang ven chợ đã cũ kỹ lắm là những ki ốt hàng. Chợ trải dài và rộng, chỗ bán dê bò lợn tách biệt với chỗ ăn uống; khu bán mua đồ điện tử tách biệt với nông sản.

Khách thập phương đến Lũng Phìn chỉ mua đồ nông sản, ăn bát thắng cố, bát tiết canh và uống rượu. Còn khách bản địa bao giờ cũng mong ngóng bán hết hàng rồi sà vào quán rượu.

Những bát tiết canh bò có giá chỉ 15 nghìn

Chị Vù Thị Tâm mang xuống chợ hai chục cân đậu mèo. Chị bảo, đậu mèo ngon và bùi lắm. Khách thập phương đến cứ mua đậu mèo trước tiên. Cho nên, chỉ một chớp nhoáng chị đã bán hết.

Phía xa xa, một chiếc xe khách bấm còi inh ỏi. Mấy người bán dê xua đàn dê đến. Người mua kẻ bán không cần đưa dê lên cân. Cứ ươm ướm con này 30 cân, con kia 21. Cứ thế mà tính tiền, rồi cả chủ lẫn khách hò nhau đưa dê lên nóc xe.

Phía bên cạnh, hai người đàn ông đang ngắm nghía đến khoang khoáy của con bò. Một người bảo, con bò này thịt không ngon nhưng để cày bừa ruộng nương thì tốt. Con bò kia phản chủ không nên mua vào.

Ở Lũng Phìn, không khí lúc nào cũng tấp nập. Các quán rượu hiếm lúc không đông. Chợ ồn ào nhưng không huyên náo như miền xuôi. Người uống rượu cứ uống, uống âm thầm. Người mua bán cứ mua, không trả giá dài dòng.

Chợ Lũng Phìn họp từ tờ mờ sáng đến 4 giờ chiều mới tan. Thế nên, người mua kẻ bán không quá vội vàng. Chợ càng về chiều càng vui, càng đông và nhộn nhịp. Những lữ khách viễn du cũng vì thế mà được hưởng thêm không khí chợ rẻo cao rộn ràng, đằm thắm hơn.