"Phố ông đồ" những ngày vắng lặng

ANTĐ - "Phố ông đồ" năm nay trầm lặng, không đông đúc, nhộn nhịp như mọi năm. Phía bên kia Hồ Văn, nhiều ông đồ cũng đang lo lắng cho Tết này.
"Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già /Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua"

Những câu thơ của Vũ Đình Liên từ lâu đã ăn sâu trong tâm trí mỗi người dân Hà Nội, về hình ảnh những ông đồ cùng nghiên bút, giấy mực dọc ven đường Văn Miếu.

Hình ảnh thân quen ấy cùng với “Phố ông đồ” đã trở thành một nét văn hóa đẹp của mảnh đất kinh kỳ mỗi dịp Tết đến xuân về. Chỉ có điều năm nay không giống những năm trước, “bên phố đông người qua” giờ chỉ còn vài ông đồ đang hoạt động “chui” và sẵn sàng buông bút để chạy khi có dân phòng tới.

"Phố ông đồ" vắng vẻ hơn mọi năm, do không còn được phép hoạt động


Năm nay, “Phố ông đồ” sẽ được chuyển từ vỉa hè phố Văn Miếu vào khu vực Hồ Văn, thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhằm quản lý chất lượng ông đồ, tránh tình trạng "chặt chém" khách xin chữ và đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị cũng như tránh làm ảnh hưởng tới cảnh quan khu di tích.

Theo đó, khoảng 70 ông đồ có “thẻ hành nghề” được di chuyển vào khu vực Hồ Văn. Chỉ còn lại hơn chục ông đồ cả già và trẻ lụm cụm một đoạn đường, với những chiếc bàn nhỏ, nghiên mực sơ sài và không còn thấy bao nhiêu người thuê viết như mọi năm.

Do không được ngồi ổn định nên đồ nghề của các ông đồ hết sức gọn nhẹ và dễ thu dọn khi bị đuổi


Tuy nhiên, do diện tích hồ Văn tương đối nhỏ, chỉ đủ chỗ cho khoảng 60 – 70 ông đồ, trong khi mọi năm, số lượng ông đồ cho chữ ở Văn Miếu lên tới 150 người. Điều này gây khó khăn cho rất nhiều ông đồ do chậm chân không đăng ký được hoặc không biết về chỉ thị này.

Đồ nghề của ông đồ chỉ là chiếc bạt, nghiên mực, bút lông và đôi ba tờ giấy


Vừa trải tạm chiếc bạt cùng nghiên mực, bút lông và đôi ba tờ giấy xuống đất ngồi tạm, ông đồ Nguyễn Trọng Diên quê ở Thái Nguyên thở dài: “Ngồi tạm thôi chứ tý dân phòng người ta đuổi lại phải đứng lên”.

Sau dăm ba phút chuẩn bị đồ thì có khách, ông đồ lại miệt mài với công việc của mình. Đôi chữ, 200 nghìn đồng. Giá rẻ hơn mọi năm nhiều.

Ông đồ Nguyễn Trọng Diên cho biết, ông viết chữ ở Văn Miếu được 4 năm. 

Khi được hỏi tại sao ông không vào trong Hồ Văn ngồi, ông đồ Diên nói: “Tôi cũng có nhờ người đăng ký rồi nhưng không được. Hầu hết những người ngồi ở đây được đều là những người ở các tỉnh xa. Người ta tập hợp các ông đồ lại một khu và di chuyển ra địa điểm khác cũng được, nhưng phải thông báo rộng rãi để mọi người còn biết mà đăng ký sớm”.

Tết là dịp để các ông đồ được khoe chữ, trở thành các nghệ sĩ biểu diễn


Do thường xuyên phải thu dọn đồ khi có dân phòng tới, nên đồ nghề viết chữ của các ông đồ đa số đều nằm trong hòm, khách nào có nhu cầu chọn giấy thì mới bày ra.

Mặc dù biết là trái quy định nhưng nhiều ông đồ vẫn phải “theo lao”. “Tôi đã đâm lao thì phải theo lao thôi. Cả năm được mỗi dịp Tết các ông đồ có dịp khoe chữ, trở thành người nghệ sĩ biểu diễn trước mặt mọi người. Giờ có bỏ tiền mua chỗ theo giá chợ đen cũng không được, về quê cũng không xong nên đành viết chữ ngoài này”, ông đồ Nguyễn Trọng Diên nói.

Các ông đồ ở bên trong Hồ Văn có chỗ ngồi rộng rãi và thoải mái hơn


Trái ngược với hình ảnh bên ngoài, bên trong Hồ Văn, rất nhiều ông đồ ngồi trong các “ki ốt” viết chữ. Tuy nhiên, lượng khách ghé thăm ở đây cũng không nhiều. Nhiều ông đồ tỏ ra lo lắng không rõ Tết này sẽ thế nào. Liệu có còn được đông đúc người ghé thăm xin chữ như mọi năm nữa hay không.

Nhiều ông đồ nhưng lượng khách tới xin chữ không nhiều

Ông đồ đang cho chữ

"Phố ông đồ" những ngày vắng lặng ảnh 9

Do chỗ ngồi rộng rãi nên các câu đối, thư pháp được bày trên tường thu hút khách qua lại


Hình ảnh ông đồ trên phố đông người qua ngày càng trở nên vắng vẻ do sự kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng. Nhiều người tỏ ra lo lắng, liệu vài năm sau “Phố ông đồ” liệu có trở thành hoài niệm của người dân như trong những câu thơ cuối của nhà thơ Vũ Đình Liên: "Năm nay đào lại nở/Không thấy ông đồ xưa/Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?"