"Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử"

ANTĐ - Là Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, GS.TS Trịnh Hồng Sơn kiêm nhiệm thêm chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Ông luôn mang nỗi trăn trở về sự khó khăn trong việc tuyên truyền thay đổi định kiến của người dân Việt Nam trong chuyện đi đến quyết định hiến mô tạng sau khi chết não, để cứu sống những người bệnh khác. GS.TS Trịnh Hồng Sơn dẫn lời nhà khoa học Albert Einstein: “Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử” để nói về sự khó khăn này. 

"Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử" ảnh 1

GS.TS Trịnh Hồng Sơn (Phó GĐ Bệnh viện Việt Đức - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người)

Ông giải thích, không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ thế nào là chết não, điều đó khiến vị bác sĩ lâu năm như ông rất ngạc nhiên. “Người chết não là người đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu, không còn khả năng tự thở, tự vận động, mất hết các phản xạ. Đó là những triệu chứng lâm sàng trước khi tiến hành các phương pháp cận lâm sàng khác như điện não đồ, chụp mạch não, siêu âm doppler.

Ở nhiều nước phương Tây, người bị chết não không có đơn từ chối cho tạng trước đó thì theo quy định pháp luật, các bác sĩ có quyền mặc định người đó đồng ý hiến tạng cứu người. Còn ở Việt Nam, chúng tôi phải xin phép người thân, gia đình. Họ có thể đồng ý hay từ chối”, ông nói thêm. 

GS.TS Sơn cũng cho biết, chết não là chắc chắn chết. Trong 11 nghìn người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam hàng năm, có khoảng 1/3 được xác định là chết não. Nếu gia đình của người đó đồng ý hiến tạng từ trước thì sẽ trao cơ hội sống khỏe mạnh cho hàng chục nghìn người khác là những bệnh nhân đang chờ ghép tạng. Một người chết não hiến đa tạng có thể cứu sống 8 - 10 người.

“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là thay đổi định kiến của người dân. Một người đăng ký hiến tạng, nhưng chỉ cần một người thân trong gia đình họ phản đối thì chúng tôi cũng không được phép. Không phải ai đăng ký, có thẻ tình nguyện hiến tạng do Trung tâm cấp đều sẽ hiến khi họ chết”, vị bác sĩ cho hay.

Đối với ông, ca ghép tim, gan xuyên Việt hy hữu ngày 5-9-2015, sẽ chẳng bao giờ quên được. Ông điểm lại mốc thời gian chạy đua với sự sống: 11h59 phút ngày 4-9, ekip nhận được kết quả chính thức từ Bệnh viện Chợ Rẫy: bệnh nhân hiến tạng được xác định chết não. Ngay lập tức, ekip do ông làm trưởng đoàn ra sân bay Nội Bài. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), 19h30 phút, gan được lấy ra khỏi bệnh nhân; 19h45 phút tim lấy ra. 0h25 phút ngày 5-9-2015, gan và tim được vận chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. 2h10 sáng, tim được chính thức lấy ra khỏi lồng ngực bệnh nhân được ghép. 3h30 phút, gan lấy khỏi lồng ngực bệnh nhân được ghép. 4h59 phút ca ghép tim thành công, 5h59 phút ca ghép gan thành công.

Ca ghép tim, gan tuyệt vời vượt qua hành trình 1.700 cây số đã thành công. Hiện nay, hai bệnh nhân đã khỏe mạnh. Hôm đó, cả ekip chạy đua giành giật từng giây, từng phút đảm bảo sự sống cho quả tim, lá gan trong suốt chặng đường vận chuyển. Về vấn đề Bộ trưởng Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ trang bị phương tiện chuyên dụng như trực thăng để vận chuyển nội tạng cứu người, GS.TS Trịnh Hồng Sơn cảm kích nói: “Chúng tôi rất cảm ơn Bộ trưởng, nhưng nếu cấp trực thăng thì đó là dự án dài và cần có thời gian. Còn giờ nhiệm vụ của chúng tôi là cứu người bằng mọi giá. Tất nhiên, tôi tin rằng, trong tương lai Việt Nam sẽ có những trang bị như thế”.

Gặp không ít khó khăn trong việc vận động người dân tình nguyện hiến mô tạng, nhưng GS.TS Trịnh Hồng Sơn vẫn luôn quyết tâm: “Tôi không thể dửng dưng để bệnh nhân tôi chết được. Tôi vừa mổ, vừa đi tuyên truyền. Điều tôi trăn trở nhất là làm thế nào, đến lúc chết, tôi vẫn muốn tuyên truyền mọi người hiến tạng khi chết não, để cứu hàng trăm bệnh nhân đang chờ ghép”.

"Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử" ảnh 2

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Học viện Quân y nhận bằng xác nhận kỷ lục Việt Nam về số lượng người đăng ký hiến mô tạng cùng lúc

Một ngày đầu năm, hôm 12-1-2016, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Học viện Quân y nhận bằng xác nhận kỷ lục Việt Nam cho sự kiện có nhiều người nhất cùng tình nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, phục vụ y học sau khi chết, chết não. Tin vui ấy khiến những người kiên trì vận động tuyên truyền như GS.TS Trịnh Hồng Sơn mở lòng, mở dạ. 

Nhưng ở khía cạnh khác, ông cũng không khỏi lo lắng, buồn phiền khi xảy ra những chuyện tiêu cực trong hoạt động hiến tạng. GS.TS Trịnh Hồng Sơn cũng lên tiếng cảnh báo, hiện nay xuất hiện trang web “ma” lừa bệnh nhân hiến tạng. Cụ thể, trang web có tên: hientangvietnam.xyz tự xưng là tổ chức phi lợi nhuận với mục đích nhận hiến mô tạng, hiến xác, đang đứng ra kêu gọi mọi người đăng ký hiến các bộ phận cơ thể. GS.TS Trịnh Hồng Sơn khẳng định, đó là trang web giả mạo, các cơ quan chức năng và mọi người cùng chung sức cảnh báo người dân không nên tin vào những thông tin giả mạo như vậy.

Những bác sĩ công tác trong lĩnh vực hiến tạng rất muốn thông tin chính thống đến với mọi người. Sẵn đây, tôi ghi ra để bạn đọc biết. Tại TP.HCM, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy có địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP.HCM (Điện thoại: 84- 8- 3855 4137 xin số 1184 hoặc 1284, 84- 8- 3956 0139. Điện thoại 24/24h: 0913 677 016. Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com. Website: http://www.choray.vn)

Còn tại Hà Nội,  Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có địa chỉ: 40 Tràng Thi - Hà Nội (Điện thoại: +84 4 39386692. Điện thoại 24/24h: 0915 060 550. Email: 

gheptang@vncchot.vn.

Hoặc có thể tìm hiểu trên mạng xã hội tại địa chỉ https://www.facebook.com/dieuphoigheptangvietnam). Những thông tin chính thống và hữu ích hy vọng sẽ mở ra cơ hội sống cho nhiều người! Mong thay!

Tính đến ngày 31-12-2015, cả nước có 3.542 người đăng ký hiến mô tạng, trong đó có 2.348 người đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; 1.195 người đăng ký hiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). 

Cụ bà 75 tuổi tha thiết được hiến tạng

Ông Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người) cho biết, có không ít trường hợp tìm đến trung tâm tình nguyện hiến mô tạng khiến ông xúc động. Đó là câu chuyện về một người phụ nữ làm nội trợ ở Bắc Ninh lên Hà Nội tha thiết xin đăng ký hiến một quả thận khi còn sống với mong muốn đem lại sự sống cho người khác.

Hay cụ bà 75 tuổi ở Hà Nội tìm đến trung tâm nói muốn hiến tặng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể sau khi mình qua đời. Rồi một cụ già gần 70 tuổi, còn khỏe mạnh, quắc thước xin hiến thi thể cho y học. Khi cụ đến đây, cán bộ giải thích xác chỉ lấy sau khi chết khiến cụ buồn lắm và nói “đành phải đợi vậy”.

“Tôi còn nhớ trường hợp vài nhà tu hành ở miền Nam, miền Trung ra Hà Nội đăng ký hiến tạng khi còn sống. Có người đến trung tâm lúc 5h sáng với mong muốn hiến quả thận với tâm nguyện cho bất kỳ ai phù hợp mà không cần biết người nhận là ai”, ông Nguyễn Hoàng Phúc kể lại.