"Phá núi mở đường" để cai nghiện

ANTĐ - Hơn 40 năm vật vã trong cơn nghiện “nàng tiên nâu”, đến lúc chợt tỉnh suy nghĩ làm lại cuộc đời, Chá Văn Súng (55 tuổi), trú tại bản Hua Pù (xã Pù Nhi - Mường Lát - Thanh Hóa) tự đặt cho mình cái “luật”: mỗi khi lên cơn, lại cai nghiện bằng việc… phá đá mở đường. Phương pháp cai nghiện của Chá Văn Súng là “độc nhất vô nhị”, và con đường Đã Hoàn Thành giờ là “chứng tích” hùng hồn nhất…

Bão ma túy… vào bản

Mường Lát là huyện xa xôi bậc nhất của Thanh Hóa, nếu đi bộ sang Lào chỉ  mất vài phút, trong khi đó nếu xuống TP Thanh Hóa phải vượt qua hơn 300km đường rừng núi. Xã Pù Nhi lại là xã giáp Lào với 25km đường biên. Trong một thời gian dài nơi đây là trạm trung chuyển ma túy vào Việt Nam. Khi Nhà nước chưa cấm việc trồng và sử dụng thuốc phiện thì thung lũng Pù Nhi là những đồi hoa anh túc…

 Ở thời điểm ấy, không hút thuốc phiện, không nằm bàn đèn thì không phải… đàn ông Mông. Chính vì thế, những năm 2005 trở về trước nạn nghiện hút và buôn bán ma túy nơi đây rất phức tạp. Trước đây, xã Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa) từng được nhắc  đến như một “vùng đất chết” bởi nơi  đây là điểm nóng về nạn buôn bán ma túy và  tỷ lệ người mắc nghiện rất cao. 

Ông Hơ Văn Dính, cán bộ văn hóa xã Pù Nhi cho biết: “Ở xã Pù Nhi vào thời điểm ấy có khoảng trên 500 hộ gia đình, thì có hơn 200 người nghiện ma túy, thuốc phiện. Ban đầu nhà nào cũng tự trồng nên có sẵn để hút, hết thì sang nhà khác vay tạm đến mùa thì trả. Sau này Nhà nước xóa bỏ cây thuốc phiện, nhiều người không trồng được thì phải mua, không có tiền thì đi buôn bán vận chuyển”.

Theo giới thiệu của ông Dính, chúng tôi ngược lên bản Pha Đén, nơi có một người trước đây đã từng nghiện từ năm 12 tuổi. Bước vào căn nhà lụp xụp, chen chúc ba thế hệ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông tuổi đã ngoài 50, vẻ bề ngoài khắc khổ, gầy gò, tóc đã điểm hai màu. Đó chính là Chá Văn Súng. Trò chuyện, chúng tôi được anh Súng kể cho nghe câu chuyện đến với thuốc phiện - thứ thuốc đầy ma lực mà bất cứ ai dính vào nó đều khó có thể thoát ra được nếu không có nghị lực, quyết tâm cao nhất.

Anh Súng tâm sự: “Mình đã cai nghiện được 6 năm nay rồi, ngày trước nghiện khổ lắm, gạo không có ăn. Vợ con không có  quần áo mặc, nhà cửa dột nát… Vợ mình đã định tự tử bằng lá ngón. Ngày còn nghiện, cứ làm thuê được đồng nào mình lại nướng vào thuốc phiện, khi không còn tiền thì xúc gạo, xúc ngô đi đổi lấy thuốc phiện để hút. Qua cơn say thuốc mình thấy vợ con khổ quá, lại được bà con dân bản khuyên bỏ thuốc nên mình quyết định cai. Trong đời mình có lẽ chiến thắng con ma hút là việc khó nhất trên đời. Nhưng vì đã hứa với vợ con sẽ quyết tâm cai nghiện bằng được, nên dù chết mình cũng phải cai thuốc phiện”.

Anh Súng kể rằng, năm 12 tuổi, đúng vào dịp tết Nguyên Đán, anh cùng những đứa trẻ trong bản rủ nhau lên rừng chặt cành đào. Trong lúc chặt, do bất cẩn nên bị trượt chân, ngã xuống vách núi, bị hôn mê gần 10 tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy, anh thấy lồng ngực đau buốt, khó thở.

Nhìn thấy anh bị cơn đau hành hạ, bố mẹ đã đưa đi bệnh viện khám, lấy thuốc về uống nhưng cơn đau vẫn không dứt. Thương con, mỗi lần đau, tức ngực khó thở, mặt mũi tái mét, ông bố - một người nghiện thuốc phiện lâu năm - lại cho anh hút thuốc phiện với mong muốn để con mình bớt đau hơn mà đâu biết chính mình đang dẫn con đi theo vết xe đổ.

Sau một tuần dùng thuốc phiện để chữa trị, Súng cảm thấy dễ chịu hơn nhiều, không còn đau tức ngực nữa nhưng đổi lại, ngày nào cũng lên cơn thèm thuốc. Súng cho biết: “Khi bố tôi còn sống thì cứ lên cơn nghiện là có thuốc dùng ngay, nên không sao cả. Nhưng sau khi bố mất, không còn ai cho thuốc hút nữa, mỗi lần lên cơn nghiện tôi như điên như dại, không làm chủ được bản thân. Có nhiều hôm lên cơn thế là bao nhiêu đồ đạc trong nhà tôi đều phá hết, đến khi tỉnh dậy chỉ thấy vợ con mắt đỏ hoe đang thu dọn chiến trường mà tôi tạo ra”.

“Kể từ ngày đó, tôi gắn với thuốc phiện. Lúc đó với tôi không có cái gì quý bằng thuốc phiện, tôi làm đủ mọi việc để có được nó như thể không có nó tôi sẽ chết”, Súng nói.

Chiến thắng “con ma hút”

Dính vào nghiện, ngoài công việc trên nương, chàng trai người Mông này lại đem bán sức khỏe của mình để lấy tiền mua thuốc hút. Ông làm đủ việc, ai thuê gì làm nấy. Cứ thế, ngày qua ngày anh chìm vào mộng mị theo thuốc phiện mà không làm được việc gì ra hồn. Súng đi xin thuốc Nam về nấu uống, sau đó là trốn vào rừng để không nghĩ, không nhớ, không nhìn thấy… “con ma túy” nữa. Sống giữa rừng sâu, đêm về Súng chỉ đốt một đống lửa để nằm ngủ cho đỡ lạnh, mỗi khi lên cơn thèm thuốc Súng lại chạy khắp khu rừng như con thú bị thương.

Sau 3 tháng, Súng trở về bản làng nguyên vẹn, trước sự ngỡ ngàng của người thân. Nhưng từng đó thời gian cai nghiện của Súng cũng chưa đủ để quên đi thứ chất trắng vốn đã ngấm vào máu của mình. Súng nghĩ ra một cách… chẳng giống ai, những lúc lên cơn thèm thuốc anh lại xách xẻng, rìu, cuốc ra đầu bản để xẻ núi làm đường. Nghĩ lại cuộc đời, anh vẫn ngại ngùng, nói: “Có nhiều lúc tôi muốn chết cho xong để vợ con đỡ khổ. Thế nhưng, nghĩ vợ con vẫn còn thương mình, vẫn lo cho mình, ở bên mình mỗi khi lên cơn tôi lại thấy hổ thẹn nên quyết tâm làm lại cuộc đời”. Nhưng, anh lại không biết bắt đầu từ đâu! Rồi một ngày, anh đưa ra một quyết định không giống ai, cai nghiện bằng cách “phá núi làm đường”.

Quyết định của anh khiến vợ con ông, bà con hàng xóm, láng giềng đều bảo anh bị “khùng”. Dù bị mọi người cho là “khùng” nhưng anh nghĩ nếu không làm vậy thì không biết đến bao giờ mới có thể cai được nghiện. Với suy nghĩ đó, mỗi sáng anh lại vác cuốc, xẻng đi và chỉ quay về nhà khi mặt trời đã xuống núi.

Anh nhớ lại: “Nhiều hôm đang đào núi, cơn nghiện lên, người tôi bỗng hóa điên hóa dại, có lúc tôi vứt hết cuốc, xẻng chạy khắp rừng, vừa chạy vừa gào thét. Có hôm, không chịu được tôi lại tự lấy đá đập vào tay cho đến khi chảy máu để cơn đau có thể át đi cơn thèm thuốc”.

Để “chắc ăn”, anh Súng quyết định đào núi mở thêm một con đường nữa nối bản Cá Nọi với bản Hua Pù. Sau một tháng, anh cũng hoàn thành xong con đường thứ hai mang tên mình. Lúc này, cơn nghiện trong anh dường như biến mất hoàn toàn, nhìn thấy thuốc phiện Súng không còn cảm giác gì nữa.

Anh Chá Pó Dính - một người trong bản cho biết: “Ngày anh Súng quyết định cai nghiện bằng cách phá núi làm đường, tôi và dân làng ai cũng cho đó là một ý nghĩ điên rồ. Tôi nghĩ anh sẽ không thực hiện được, bởi việc đào núi để làm thành một con đường quả không dễ chứ chưa nói đến có thật sự cai được nghiện không? Thế nhưng, những con đường mà anh Súng mở được kia cùng với việc cai được nghiện khiến tôi và bà con trong bản ai cũng ngỡ ngàng, khâm phục nghị lực của anh”.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất, một mình Chá Văn Súng cũng đã hoàn thành một con đường mới dài 10 cây số nối từ Pục Chiên đi Hoa Pù. Ba năm Súng tự nguyện mở hai con đường trên núi đá là một kỳ tích mà không phải ai cũng làm được.