Ông tướng Công an làm kinh tế giỏi

(ANTĐ) - Ông là Thiếu tướng An ninh Nguyễn Trọng Tháp - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ), nguyên Cục trưởng Cục Chống phản động (A16) - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Ông tướng Công an làm kinh tế giỏi

(ANTĐ) - Ông là Thiếu tướng An ninh Nguyễn Trọng Tháp - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ), nguyên Cục trưởng Cục Chống phản động (A16) - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Từ nhiều năm nay, người dân ở xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi xây dựng thành mô hình trang trại. Góp sức làm thay đổi bộ mặt kinh tế đời sống của người dân nơi đây, có một con người hết sức đặc biệt, đó là Thiếu tướng An ninh Nguyễn Trọng Tháp - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ), nguyên Cục trưởng Cục Chống phản động (A16) - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Kỳ I: Người chiến sĩ an ninh trên mảnh đất Lai Châu

Nằm cách Thủ đô Hà Nội 120km, xã An Sinh, một xã miền núi của huyện Đông Triều, Quảng Ninh nằm trên tuyến Quốc lộ đi Quảng Ninh. Rẽ theo con đường nhựa tới những dãy đồi núi trùng điệp được trải dài bởi màu xanh của các loại cây ăn quả: vải, na, bưởi, cam, xoài...

Ông sinh năm 1928 trong một gia đình có 7 anh, chị em ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Tuổi thơ của ông lớn lên cùng cuộc sống khó khăn của gia đình, cùng với nỗi vất vả của công nhân Nhà máy sơn Nguyễn Sơn Hà - Hải Phòng, ông phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống: bảo vệ, thư ký, đánh máy chữ... Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, từ Hải Phòng, ông trở về quê tự mở lớp dạy học bình dân học vụ.

Ông có trình độ, lại đánh được máy chữ nên được nhận vào công tác ở UBND xã Thất Hùng rồi về công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Yên (nay là Quảng Ninh). Sau khi được kết nạp vào Đảng năm 1948, ông được phân công là cán bộ nghiên cứu khối dân vận, được điều động lên Việt Bắc, là cán bộ dự trữ của Khu ủy Việt Bắc và bổ sung vào đoàn công tác trong vùng địch hậu ở Lai Châu.

Đầu năm 1951, sau 3 tháng huấn luyện bổ túc Huyện ủy viên, ông cùng 4 đồng chí khác đi bộ từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang đến Yên Bái vào Bắc Hà (Yên Bái) được bổ sung vào công tác ở huyện Tuần Giáo.

Sau chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952 - 1953, huyện Tuần Giáo được giải phóng, nhân dân được tự do nhưng vẫn bị địch uy hiếp, hàng ngày địch vẫn mang quân càn quét. Ông trở về huyện được phân công trách nhiệm là Trưởng CAH Tuần Giáo, Chính trị viên Huyện đội, Chính trị viên Đại đội (810) và là ủy viên ủy ban Kháng chiến huyện.

Với nhiệm vụ được phân công, ông thường xuyên lăn lộn, bám sát cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân, lựa chọn những người trung kiên, thành lập các ủy ban Kháng chiến hành chính xã, trưởng bản, tổ chức xây dựng cơ sở quần chúng trong thanh niên, phụ nữ, nông dân... cùng với bộ đội địa phương của huyện Tuần Giáo đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị hậu phương, huy động sức người, sức của góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Ngay sau chiến dịch ông được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba.

Năm 1954, ông được điều về Quân khu Tây Bắc, đảm nhận nhiều công việc khác nhau: Xây dựng cơ sở, giúp dân chống hạn hán, tăng gia sản xuất. Năm 1959, trên cương vị là Tổ trưởng Trinh sát, Phòng Bảo vệ chính trị - Sở Công an khu Tây Bắc, ông cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bám sát cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phân loại đối tượng cùng với lực lượng bộ đội địa phương đã đập tan vụ bạo loạn ở xã Hồ Thầu, huyện Phong Thổ - một xã trọng điểm, xung yếu vùng cao, có 2 dân tộc Dao, Mông sinh sống.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp bên những trái xoài trái vụ
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp bên những trái xoài trái vụ

Năm 1963, khi thành lập tỉnh Lai Châu, ông được bổ nhiệm là Phó ty Công an Lai Châu, phụ trách công tác an ninh, ông đã chỉ đạo nắm tình hình, xây dựng lực lượng an ninh ở cơ sở phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới, nên đã bắt giữ nhiều đối tượng hoạt động gián điệp, lật đổ, cướp chính quyền, xưng Vua.

Đặc biệt từ năm 1962 đến 1972, ông đã chỉ huy lực lượng an ninh, phối hợp với các lực lượng khác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắt sống và tiêu diệt hàng chục toán gián điệp, biệt kích của Mỹ - Ngụy thả xuống Lai Châu cùng nhiều phương tiện hiện đại, thu 9 quả tên lửa chiến thuật (4-5), trên 1 tấn thuốc nổ, 17 bộ điện đài, 60 máy truyền tin...

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975,  trên cương vị là Phó Giám đốc và Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (1980) ông lại cùng đồng đội bước vào cuộc chiến đấu mới, thường xuyên bám sát cơ sở, đến từng nhà của bà con dân tộc để vận động cho con em đi học ở trường dân tộc, đào tạo kiến thức nghiệp vụ cho công an cơ sở.

Trong một thời gian ngắn đã xây dựng và đào tạo được một đội ngũ cán bộ chiến sĩ công an người dân tộc: Mông, Hà Nhì... có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức để đảm nhận các nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng quan trọng trong việc đấu tranh, giữ vững an ninh chính trị trong đồng bào dân tộc và khu vực biên giới.

Cuối năm 1988 ông được điều động về  Bộ Nội vụ, được phong hàm Thiếu tướng và giữ chức Cục trưởng Cục Chống phản động. Từ năm 1992-1995 ông là Trưởng đoàn chuyên gia tại Bộ Nội vụ Lào, trong nhiệm kỳ công tác ông được Nhà nước Lào tặng thưởng: Huân chương Itxala hạng Hai. Năm 1996, ông chính thức nghỉ hưu tại Hà Nội.

Rời Hà Nội đến vùng đất khô cằn

Nhà sàn Thái - Tây Bắc do đồng đội trao tặng.
Nhà sàn Thái - Tây Bắc do đồng đội trao tặng.

Cuối năm 1996 khi về huyện Kinh Môn, Hải Dương dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, ông ghé về thăm quê và gặp được người em họ. Người em đã mời ông về nhà ở khu Khe Chè thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh chơi. Ông kể: “Lúc đó con đường đi vừa mấp mô, xung quanh toàn đồi núi vắng vẻ, heo hút lắm”.

Đến đầu xã An Sinh, ông thấy nhân dân đang chặt hết cây bạch đàn, loại cây trồng để lấy gỗ, ông hỏi người em: “Sao họ chặt hết cây bạch đàn vậy?”, người em bảo: “Huyện có chủ trương thay đổi cơ cấu cây trồng, chặt bạch đàn để trồng cây ăn quả, chủ yếu là vải”.

Ông nghĩ: “Mình về hưu ở Hà Nội không biết buôn bán gì, nhà chật, người đông, nếu có vườn cây ăn quả, nghỉ hưu được chăm sóc cây cối lại được sống trong môi trường trong lành thì rất tốt”.

Nghĩ vậy, ông bảo với người em: “Muốn mua đất để trồng cây được không? Thủ tục thế nào?”. Nói rồi ông và người em tìm gặp Chủ tịch, Bí thư xã An Sinh trình bày nguyện vọng của mình. Khi biết ông là cán bộ công an nghỉ hưu, muốn mua đất để trồng cây, các đồng chí lãnh đạo xã An Sinh đã hết sức ủng hộ.

Cuối cùng, ông đã chọn mua được 2ha ở khu đồi Mít với giá 15 triệu đồng/ha, sau đó còn mua thêm được hơn 1ha của người dân, tổng cộng ông có hơn 3ha đất đồi. Những ngày đầu về đây hết sức vất vả. Toàn bộ khu vực vườn đồi của gia đình ông mua là đồng không, mông quạnh, ông và gia đình phải đến ở nhờ nhà chú cách khoảng 5km.

Sáng sớm, vợ chồng ông và các con ăn sáng, nắm cơm ra khu đồi Mít. Bước đầu ông phải thuê người đào hết toàn bộ số gốc bạch đàn, thuê máy cày, để cày đất lên thửa, dùng cuốc đánh luống.

Tiếp đó ông và các con dùng xe đạp thồ hom sắn từ chỗ người em về để trồng. Để bớt thời gian, đỡ phải đi xa, ông đã thuê người đóng gạch ba banh xây căn nhà 2 gian ở dưới chân đồi Mít. Có nhà ở rồi, cuộc sống vẫn hết sức khó khăn, tưởng chừng không vượt qua nổi. Điện không có, nước sinh hoạt cũng không, phải đi xa gần 1km dưới chân dốc khúc khuỷu để gánh từng gánh nước về dùng. Từ sáng sớm cho đến tối mịt, hai ông bà cùng con lại miệt mài trồng sắn trên đồi. Chẳng bao lâu khu đồi Mít cằn khô trước đây chỉ toàn cỏ dại, gốc bạch đằng nằm chỏng chơ đã được thay thế bằng màu xanh của cây sắn.

Hàng ngày mọi người thấy 2 ông bà cứ cặm cụi trên nương sắn vun gốc, tỉa lá, quả là chuyện lạ. Sau này biết ông ở Hà Nội về, có người bảo: “ở Hà Nội sung sướng thế, ông bà về nơi đất khô cằn này làm gì cho khổ?”. Ông cười bảo: “Nhà ở Hà Nội chật chội, con đông, lương có hạn, về đây môi trường không khí trong lành, làm thêm để nuôi con và nuôi bản thân”.

Dần dần người dân biết được ông là ai? Tại sao lại về đây? Họ càng quý và cảm phục ông. Ai đi qua nhà ông cũng mời vào chơi, hỏi chuyện làm ăn, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi... Sau một năm lao động, gia đình ông đã thu được vài tấn sắn thái, phơi khô, một phần bán, một phần để chăn nuôi. Ngoài trồng sắn, ông còn phát triển thêm đàn lợn, gà, bò. 

(Còn nữa)

Mạnh Hà