Tại xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, Hòa Bình:
Ồ ạt phá ruộng đãi vàng
(ANTĐ) - Sau khi lực lượng công an vào cuộc, nạn đào đãi vàng ở xã Cao Răm, Lương Sơn, Hòa Bình đã lắng xuống, nhưng đến nay lại đang hoạt động rầm rộ trở lại. Tuy không bành trướng như trước đây nữa nhưng việc mua đi bán lại những mảnh đất ruộng để khai thác vàng đã làm cho môi trường nơi đây chết dần.
Vàng và AIDS
Gặp anh Lập đang cầm xà beng thục đầu nhọn vào cái máng tôn bên suối Cối Máy, hỏi có được vàng không thì anh bảo: “Mình làm cho chủ thôi, được hay không thì mình không rõ”. Anh Lập còn cho biết thấy người ta bảo ở đây nhiều vàng lắm! Có người kiếm được nhiều nhưng mình không có máy để làm, phải bán ruộng để cho người khác làm.
Cuốn trong "cơn lốc" vàng |
Ngược suối Cối Máy lên thì có tiếng xoèn xoẹt, cố nhoi qua ụ đất để nhìn thì thấy mấy người đang ngồi ngâm mình dưới nước cầm máng ngoáy đảo liên tục trên mặt nước. “Anh hỏi ai?” - Một người đàn ông cởi trần hỏi như quát. Tôi cố đi về hướng chiếc máy đang múc những gầu đất đổ lên miệng hố, bên trên là những người đang ngồi chờ để khuân đất đi. Họ mang số đất vừa múc lên đến bờ suối Cối Máy đổ vào những chiếc máng đang chạy. Khu bãi tan hoang. Hố lớn, hố bé san sát. Mặc cho trời nắng như đổ lửa, họ vẫn hì hục đào đãi, vác đất và thực hiện những động tác như vo gạo rồi sàng lọc một cách thuần thục.
Bên cạnh mỗi người đãi vàng, đều có một chiếc ca nhựa dùng để gom số vàng vừa đãi được vào đó. Ngoài những cỗ máy múc, còn có cả những chiếc đèn khò và những thùng hóa chất. Đó là thủy ngân họ dùng để phân kim vàng. Những tin đồn thổi được phát đi đã có người trúng đậm cả cây vàng mỗi ngày, nên lượng người đào đãi vàng kéo về đây mỗi ngày một đông. Người có ruộng vườn thì bỏ ruộng vườn đi đào thuê, có người bán ruộng vườn cho những người đào đãi vàng để rồi trở thành người làm thuê cho họ.
Thời hoàng kim của vàng ở xã Cao Răm, Lương Sơn là ở giai đoạn những năm 1990-1991. Câu chuyện “bưởng” Hiệu, “bưởng” Trân được hàng ký lô vàng vẫn còn được người ta nhắc lại trong quán nước nhỏ bên đường. Cùng với cơn lốc vàng là cơn lốc AIDS ùa qua cuốn theo trai bản “ra đi” nhanh chóng. Bây giờ, từ đỉnh núi Đá Bạc chạy theo xuống đến Cao Răm vẫn còn dư âm của vàng. Chính vì “mùi” vàng còn, ham giàu nhanh bằng những cuộc đào đãi vàng của người dân nơi đây đã làm cho những mảnh ruộng trồng hoa màu rất năng suất nay đã bị tan hoang sau những lời đồn: Dưới đó có nhiều… vàng.
Ông Lưu Công Quỳnh nói: “Không có vàng thì đào làm gì cho mất công”. Hỏi ông đã được vảy vàng nào chưa thì ông lại nói: “Gớm, làm gì mà nhanh thế hả chú. Có được thì cũng phải tan hoang cái khu ruộng bãi này”. Thật là huyễn hoặc. Bài học đào vàng ở Lương Sơn xưa kia còn hiện hữu. Nhà nông thì mất ruộng đất. Các cô gái, trẻ nhỏ thì mất chồng, mất cha do “tai nạn nghề nghiệp”. Mà ở đây chủ yếu là dính AIDS do tiêm chích ma túy. Ngay chân núi Đá Bạc, hàng chục hộ gia đình từ lâu đã vắng mặt đàn ông. Nhiều cô vợ vẫn đang mang trong mình căn bệnh do chồng để lại. Tất cả là tại cơn lốc vàng.
Tan nát “Giấc mơ vàng”
Ruộng bị san ủi để khai thác vàng |
Người ta bảo ông Quỳnh khôn quá. Nghe tin có vàng đã nhanh chóng thầu mảnh ruộng trên 4.000m2 với lý do làm VAC. Ngay sau khi được chính quyền xã đồng ý, ông Quỳnh đưa máy móc đào tung lên để tìm vàng. Một người làm, cả làng làm theo. Thời gian gần đây, cánh đồng Cao Răm đang bị đục khoét một cách thậm tệ. Hậu quả trước mắt là không còn ruộng phát triển nông nghiệp. Về lâu dài là môi trường, là tệ nạn…
Cách đây một năm qua con suối Cối Máy, nước còn trong leo lẻo chảy xiết. Giờ nước đục ngầu chảy vòng vèo qua các hố sâu vỡ lở. Diện tích đất hai bên bờ suối bị thu hẹp do dòng chảy bị chặn, nước ngoạm phá tan chuyển hướng chảy khác. Đá hộc, sỏi... đã bị con nước giận dữ đẩy xô thẳng xuống bãi nhỏ phía dưới. Dòng suối đang kêu cứu. Ruộng nương đang kêu cứu. Đây là cuộc làm giàu dẫn đến nghèo nàn nhanh nhất và ngắn nhất.
Sự việc này được lãnh đạo chính quyền địa phương biết rõ nhưng lập biên bản xong lại đâu vào đấy. Ông Đinh Công Sỏn - cán bộ địa chính xã thừa nhận việc đào vàng ở Cao Răm gây ảnh hưởng đến môi trường, bất ổn về tình hình ANTT. Việc bùng nổ khai thác vàng diễn ra ở đây vào những năm 1990-1991 đã làm cho tình hình ANTT khu vực trở nên phức tạp. Hàng nghìn người đã đổ về khu vực Lương Sơn để tìm cách đổi đời. Tuy nhiên, sự đổi đời dường như không có đối với bất kể ai có mặt ở núi Đá Bạc, mà trái lại sự chết chóc do bệnh tật, tai nạn sập hầm… luôn là hệ quả của những “giấc mơ vàng”.
Thời gian gần đây, người dân Cao Răm lại ồ ạt bỏ ruộng, san ủi ruộng để khai thác vàng. Hiện tượng số người kéo về đào đãi vàng tại đây đang có xu hướng gia tăng. Kéo theo những người dân đào vàng là tệ nạn, là ô nhiễm môi trường… chưa nói đến việc tài nguyên khoáng sản đang bị thất thoát một cách trầm trọng. Lâu nay, trật tự khai thác tài nguyên khoáng sản ở Cao Răm, Lương Sơn, Hòa Bình nói riêng và trên lãnh thổ nước ta chưa được quản lý một cách chặt chẽ. Sự khai thác trở lại của những người dân ở bãi vàng trên địa bàn huyện Lương Sơn cần được ngăn chặn. Bài học về tình trạng bất ổn về tình hình ANTT, tệ nạn xã hội ở chính bãi vàng này những năm đầu thập niên 90, đã làm mất nhiều công sức của lực lượng công an, cơ quan chức năng. Việc khai thác vàng ở Lương Sơn cần được ngăn chặn kịp thời tránh việc thất thoát khoáng sản xảy ra, cũng như để bảo đảm tình hình trật tự an ninh vùng nông thôn này.
Ngọc Diệp