Nữ trùm ma túy và những nỗi "đoạn trường"

(ANTĐ) - Như ANTĐ đã đưa, Công an TP Hà Nội vừa kết thúc giai đoạn 1 chuyên án 157D khám phá đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, khởi tố bắt tạm giam 28 bị can, chứng minh số ma túy các đối tượng mua bán lên đến gần 500 bánh heroin.

Triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia (kỳ 1)

Nữ trùm ma túy và những nỗi "đoạn trường"

(ANTĐ) - Như ANTĐ đã đưa, Công an TP Hà Nội vừa kết thúc giai đoạn 1 chuyên án 157D khám phá đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, khởi tố bắt tạm giam 28 bị can, chứng minh số ma túy các đối tượng mua bán lên đến gần 500 bánh heroin.

Hai đối tượng Nguyễn Thị Thơm và Nguyễn Thị Dung (Hương "xăm")
Hai đối tượng Nguyễn Thị Thơm và Nguyễn Thị Dung (Hương "xăm")

Cầm đầu đường dây ma túy quy mô lớn này lại là một người đàn bà còn trẻ tuổi là Nguyễn Thị Thơm (SN 1979) ở cụm 3 Phúc Lộc, xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ, Hà Tây. Đằng sau vẻ sắc sảo, bản lĩnh và có phần tinh vi, xảo quyệt trong hoạt động buôn bán ma túy của Nguyễn Thị Thơm là một người đàn bà luôn âm ỉ ngọn lửa khát khao một cuộc sống gia đình đầm ấm.

 Đưa chân vào “ổ nhện”

Nguyễn Thị Thơm, còn có tên khác là Hà và Hà Phương. Nhà Thơm có tất cả 7 anh chị em, trong đó 2 người là con riêng của bố, 1 người là con riêng của mẹ.

 Cuộc sống gia đình thuần nông nghèo khó, những đứa con phải bươn chải kiếm sống, tự lập từ nhỏ. Năm 14 tuổi, Thơm lên chốn thị thành, vừa là mưu sinh, vừa thực hiện ước mơ đổi đời. Thơm được các đàn chị đi trước dẫn dắt vào làm tại một nhà hàng karaoke ở khu vực huyện Thanh Trì.

Chỉ ít ngày va vấp với cuộc sống thành phố, Thơm xấu hổ với cái tên rất “quê” của mình. Bắt chước các chị đi trước, Thơm đổi tên thành Hà, nghe cho có vẻ “Hà Nội” một chút, lại che giấu được thân phận thật, điều mà các cô gái nhà hàng thường làm.

Ở trong môi trường mà đàn bà được coi như một món hàng để mua vui, cái tuổi dậy thì của Thơm nhanh chóng lọt vào mắt của bọn buôn người. Thơm trở thành gái bán dâm. Rồi nhà hàng - động mại dâm nơi Thơm hành nghề bị công an triệt phá.

Thơm được chuyển vào Trung tâm giáo dục. Cuối năm 1995, ra trại, Thơm gặp Phạm Vũ H tức H “kền” - một tay anh chị có máu mặt trong giới giang hồ sống ở phường Phúc Xá với 2 tiền án và 1 tiền sự về các tội trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản. H “kền” ra tay nghĩa hiệp cưu mang Thơm.

Đang độ tuổi mới lớn, Thơm bám lấy H “kền”, cung phụng chăm sóc người tình. Thế nhưng H “kền” cũng chẳng có tiền mà bao Thơm mãi được. Thơm phải tìm cách nuôi sống bản thân, chạy vạy tìm mối buôn bán. Trong một chuyến lên Lạng Sơn “đánh” hàng, Thơm bị một bạn hàng lừa bán sang Trung Quốc. Lúc này, Thơm đang có thai 5 tháng - kết quả cuộc tình với H “kền”.

Tự bán mình, tìm đường về quê

Ở Trung Quốc, Thơm bị bán thẳng tới tỉnh Quảng Đông. Người mua Thơm là Hồ Sẹc Khê. Để mua được Thơm, Hồ Sẹc Khê phải dành dụm khá lâu. Mặc dù biết Thơm đang mang thai nhưng Hồ Sẹc Khê vẫn chấp nhận bởi Thơm còn trẻ, khỏe mạnh, có thể đỡ đần công việc đồng áng cũng như sinh con cho anh ta.

 Khi Thơm sinh hạ đứa con trai đầu lòng, Hồ Sẹc Khê đồng ý nuôi đứa bé như con của mình. Sau đó, Thơm sinh liền 2 đứa con một trai, một gái với Hồ Sẹc Khê. Vậy là chưa đầy 20 tuổi, Thơm đã là mẹ của 3 đứa con. Do chính sách hạn chế dân số của Trung Quốc thời kỳ đó thực hiện khá gắt gao nên hai lần sinh con với Hồ Sẹc Khê, Thơm phải cùng chồng chuyển nhà vào các vùng khuất vắng để tránh bị phạt.

Tuy nhiên, đối với một người phụ nữ còn xuân sắc như Thơm, cuộc sống chung với người chồng  không có tình yêu, xung quanh không người thân thích, suốt ngày chỉ biết  quần quật lao động và phục dịch thân xác khiến Thơm luôn đau đáu ước mơ được trở về quê hương.

 Rất nhiều lần, Thơm móc nối với một số người cùng cảnh ngộ tìm đường ra khu vực biên giới nhưng nhanh chóng bị đuổi trở lại vì hành vi vượt biên bất hợp pháp. Sau vài lần như vậy, Thơm hiểu rằng nếu không chịu “làm luật” cho những kẻ chuyên làm nhiệm vụ “dẫn đường” thì không bao giờ có cơ hội về nước.

 Muốn vậy cần có một khoản tiền lớn để trả cho người dẫn đường. Mà người chồng Trung Quốc quản lý việc chi tiêu rất chặt chẽ. Mặc dù rất yêu chiều vợ nhưng Hồ Sẹc Khê không bao giờ để cho Thơm biết chỗ cất giữ tiền. Bình thường, khi cần mua bán những đồ dùng trong nhà, trực tiếp Hồ Sẹc Khê sẽ đi chợ.

Phần khác, Khê cũng sợ và đề phòng việc Thơm bỏ trốn. Nghĩ mãi không biết kiếm tiền ở đâu, trong đầu Thơm nảy ra ý nghĩ táo bạo: Tự bán mình để lấy tiền. Tìm được người sẽ giúp Thơm bán mình, Thơm hứa nếu trót lọt sẽ chia cho người này một nửa tiền. Bởi Thơm còn trẻ tuổi nên người môi giới này nhanh chóng tìm được một mối mua Thơm với giá 4.000 nhân dân tệ.

Một hôm, nhân lúc Hồ Sẹc Khê có việc đi xa, Thơm gửi 3 đứa con nhỏ cho một người hàng xóm trông nom rồi theo người môi giới đi đến nhà người “mua vợ”. Thấy Thơm còn ít tuổi, lại có vẻ ngơ ngác, người “chồng” mới của Thơm không canh chừng. Chỉ đợi có vậy, ngay trong ngày, Thơm tìm cách trốn về nhà với số tiền đủ để chi cho người dẫn đường về Việt Nam.

Ngày lên đường tìm về quê hương, dù rất đau lòng nhưng Thơm đành phải bỏ đứa con với H “kền” ở lại cùng người chồng Trung Quốc bởi mỗi lần Thơm ra ngoài, Hồ Sẹc Khê chỉ cho phép Thơm mang theo những đứa con với anh ta.

 Còn đứa con riêng của Thơm, anh ta giữ rịt làm “con tin”. Đúng hẹn, Thơm bế 2 đứa con nhỏ, đứa lớn 3 tuổi, nhỏ 1 tuổi, vờ đến nhà một người láng giềng chơi để lấy cớ trốn đi. Trốn về quê hương với Thơm lần này còn có 7 phụ nữ Việt Nam khác cùng cảnh ngộ, trong đó có Nguyễn Thị Tuyết Hà (SN 1974) ở Quảng Phú Cầu, ứng Hòa, Hà Tây, sau này trở thành một trợ thủ đắc lực cho Thơm trong việc vận chuyển ma túy.

Hà cũng bị lừa bán sang Trung Quốc cùng thời gian với Thơm, sinh sống gần nhà Thơm. Đi bộ ròng rã hàng chục cây số mỗi ngày, cuối cùng tất cả đã vượt qua cửa khẩu để đặt chân lên đất Việt Nam. Đó là thời điểm cuối năm 2000.

Mang hai đứa con nhỏ về quê Phúc Thọ, Hà Tây, gặp lại gia đình, người thân sau bao năm lưu lạc, Thơm mừng mừng tủi tủi. Mong cuộc đời của Nguyễn Thị Thơm sẽ bình thường như bao người có ngày đoàn tụ, nhưng ở vùng quê nghèo khó, không công ăn việc làm, lại gánh thêm việc nuôi nấng 2 đứa con, Thơm quyết định lên Lạng Sơn kiếm sống.

 Trong thời gian ở Trung Quốc với Hồ Sẹc Khê, Thơm đã làm được chứng minh nhân dân mang tên Hà Phương nên công việc qua lại biên giới cũng dễ dàng hơn. Vốn nhanh nhẹn nên hàng ngày, Thơm qua lại vùng biên như con thoi, thi thoảng về quê thăm con và đưa tiền cho mẹ để chi tiêu, nuôi nấng con cái giúp Thơm.

Tháo vát, lại khá sắc sảo trong việc làm ăn, thông thạo tiếng Trung Quốc nên công việc buôn bán của Thơm cũng không đến nỗi nào. Chỉ ngặt nỗi một thân đàn bà nên lãi lờ chỉ đủ ăn chứ khó mà giàu lên được.

Có lẽ, cuộc đời của Thơm sẽ bình thường như bao người khác, nếu như Thơm không gặp một người đàn bà có cái tên Hương “xăm”, người đã đưa đẩy Thơm đến với con đường buôn bán ma túy chuyên nghiệp.

Thanh Hương

Kỳ 2: Khi tay đã nhúng tràm