Nơi sưởi ấm những trái tim cô đơn
Kỳ 1: Ấm áp tình người
(ANTĐ) - Miền Bắc đang trải qua một đợt rét đậm kỷ lục trong lịch sử. Nhưng có một nơi, cái rét như được xua đi bởi ngọn lửa ấm áp không bao giờ tắt được hun đúc, nhóm lên từ tình yêu thương và đồng cảm. Những trái tim dù có từng cô đơn nhưng sẽ không lạnh... Đó là Trung tâm Bảo trợ xã hội I, thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, ngôi nhà che chở cho những người lang thang cơ nhỡ, những trẻ em mồ côi nghèo và những bé sơ sinh bị bỏ rơi.
Chúng tôi đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội I vào một ngày cuối tuần sau Tết Mậu Tý. Tiếng cười đùa nhí nhảnh vang lên ở tầng 2 của khu “ký túc xá” dành cho các em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, làm rộn cả không gian và xua bớt cái lạnh như cắt vào da thịt. Ngày thứ 7, các em không phải đi học, khiến cho Trung tâm cũng đông vui hơn ngày thường.
Tuổi thơ lớn lên từ đây
Em Đỗ Thị Ngọc Bé, đang học lớp 11, ngừng ôn bài khi thấy có khách vào. Em ở đây tới giờ đã là năm thứ 5 rồi. Bé là con út trong gia đình có 4 chị em gái, bố mất từ năm em mới 1 tuổi vì tai nạn giao thông, mẹ làm ruộng. Bé kể: “Hồi trước, một mình mẹ phải nuôi cả 4 chị em cùng ăn học, nên em mới vào ở Trung tâm để mẹ đỡ khó khăn.
Sản phẩm của các em được học nghề tại Trung tâm Bảo trợ XH 1 |
Ngày đầu tiên tới Trung tâm, thấy cái gì cũng lạ lẫm và chỉ muốn quay về, Bé tâm sự, mấy hôm đầu, em không ngủ được vì nhớ nhà. Nhưng, đến lúc ngủ được cũng là lúc trời sáng, phải dậy để tập thể dục.
Đã ở Trung tâm là phải tuân thủ nội quy nghiêm túc, không để các cô phải nhắc nhiều. Bé cười, giờ thì em đã thành chị lớn của phòng rồi. 5 năm, kỷ niệm của Bé đếm không xuể. Bé nhớ nhất là cứ 2 năm một lần, lại được dự liên hoan tiếng hát trẻ em thiệt thòi. Nhưng khổ nỗi, năm nào, liên hoan cũng tổ chức đúng vào dịp thi học kỳ 1. Vừa vui vì bận rộn tập văn nghệ, vừa lo cuống cuồng cho kỳ thi.
Phòng bên, em Lại Thị Trang, học lớp 7 đang tự cho phép mình “xả hơi thoải mái vào ngày cuối tuần” bằng việc đọc truyện tranh. Nếu không, giờ này phải là giờ học bài rồi. Trang đến Trung tâm từ năm mới 10 tuổi.
Hồi ấy, chưa hiểu gì nhiều, chỉ biết phải xa mẹ, xa anh trai nên Trang ngồi khóc cả ngày. Cũng may có chị Luyến, chị Thủy và các cô rất mực quan tâm nên dần Trang cũng quen. Nhiều đêm, mấy chị em tâm sự với nhau, thương mẹ ở nhà lại ôm nhau khóc.
Cũng như Trang, Bé, nỗi nhớ nhà khiến các em mau nước mắt, nhưng thời gian làm các em ngày càng gắn bó với Trung tâm, trưởng thành hơn và nhất là, được các cô chăm sóc như mẹ ở nhà.
Đoàn Thị Thuận, lớp 12 tâm sự: “Năm tới là em hết tuổi ở Trung tâm rồi. 4 năm trước, khi mẹ nói đưa em tới đây ở với các cô, em nhất quyết không nghe. Mãi sau này, em mới hiểu!” - giọng cô bé ngập ngừng.
Nhìn quanh, thấy phòng ở của các em còn khá đơn sơ. Vậy mà, Trang kể: “So với ở nhà, ở Trung tâm vẫn được đầy đủ hơn. ở đây, em được may quần áo 2 bộ mỗi năm. Đầu năm, được mua dép mới. Đi học, em được mua đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập…”. Cô bé chỉ vào đôi giày trắng mới và khoe, em được các bà người Tây tặng đấy.
Em Đỗ Thị Bé với nụ cười bối rối khi nói về ước mơ của mình |
Ước mơ sẽ bừng sáng
Hiện nay, khu “ký túc xá” đặc biệt này có 30 em. Có em đã ở Trung tâm tới hơn 10 năm, từ khi Trung tâm mới thành lập. Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều là những câu chuyện buồn! Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Cũng có em, bố mẹ còn đó nhưng không có khả năng nuôi con. Và đôi khi, các em đến Trung tâm ăn học, không chỉ vì gia đình nghèo, không còn nơi nương tựa, mà còn vì cả sự thiếu thốn, không được quan tâm từ những người thân, họ hàng còn lại.
Dù vậy, em nào cũng lạc quan, ấp ủ những ước mơ riêng. Đỗ Thị Ngọc Bé nói: “Chương trình học cứ cải cách liên tục mà thư viện của Trung tâm lại toàn sách tham khảo cũ. Em chỉ mong, giá có thêm nhiều sách ôn hơn để học giỏi hơn và sau này, em sẽ quyết tâm đi theo nghề sư phạm mầm non”.
Trang bẽn lẽn nói, em mới học lớp 7 nên chưa biết, sau này sẽ theo nghề gì. Nhưng dù là việc gì, em mong sẽ có một công việc thật ổn định để còn đỡ đần mẹ. Với Thuận, cô bé, rất thích môn Sinh vật, nhưng nhìn các cô ở đây, Thuận muốn sau này cũng muốn sẽ tham gia nhiều hoạt động xã hội giống như các cô, sẽ giúp cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Có một tấm gương say mê học tập mà các em ở Trung tâm luôn ngưỡng mộ. Đó là em Nguyễn Minh Hải. Hiện, em đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Toán, trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội và cũng là học sinh duy nhất thi đỗ đại học của Trung tâm. Mẹ Hải mất sớm, bố em tục huyền, để Hải và hai chị ở lại với bà. Vậy mà, từ năm lớp 1, Hải luôn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, thời gian đầu, không ít em luôn tự ti, mặc cảm, rụt rè, khép mình. Nhưng rồi, cũng chính từ đây, khi các cô luôn ở bên, chăm sóc các em từ tấm bé bằng tình yêu thương của một người mẹ thì cảm giác cô đơn ấy đã bị xóa tan.
Thật khó khăn, nhưng cũng thật hạnh phúc khi các em thực sự được sống với tuổi thơ hồn nhiên, vô tư của mình. Để có được điều đó, các cô gần như dành trọn cả thời gian cuộc sống của mình ở nơi đây.
Phạm Huyền
(Đón đọc kỳ tới: Trăn trở lòng mẹ)