Nỗi sợ ở phía Tây Trường Sơn - chuyện kể sau 40 năm

ANTĐ - Ấn tượng và cảm xúc về những bức ảnh, những thước phim và những câu chuyện các tác giả kể trong ký sự, trước hết là vì chủ đề được khai thác thì chưa có báo chí nào ở trong và ngoài nước đề cập tới. Họ đã thực hiện như thế nào? Những câu trả lời của nhà báo Gia Hiền và Đức Hoàng được phóng viên ghi lại. Lần này là lời kể của Đức Hoàng, nick name Hoàng “hối hận”:

Chúng tôi đi trong vòng gần 3 tuần, gần như suốt dọc biên giới phía đông của Lào và Campuchia, tức là phía tây dãy Trường Sơn và phía tây Nam bộ của Việt Nam. Đấy là khu vực mà nước Mỹ ném xuống 1 số lượng bom khổng lồ. Riêng phía đông Campuchia thì Mỹ ném lên đấy 2,7 triệu tấn bom, nhiều hơn tổng số bom quân đồng minh ném trong thế chiến thứ 2, tính cả bom nguyên tử. Đất nước Campuchia bị chia đôi, phía tây đầy bãi mìn, khi mà quân Polpot tháo chạy về phía Thái Lan, và phía đông đầy bãi bom của người Mỹ ném xuống.

Số liệu 2,7 tấn mới được các nhà học giả Mỹ xác nhận lại, còn chính phủ Mỹ không thừa nhận con số đó. Nó là kết quả của hàng trăm, hàng nghìn chuyến bay B52 rải thảm. Nơi này là nơi hứng bom nhiều như thế vì đó là đường vòng cho kênh vận chuyển của bộ đội Việt Nam. 

Nói như tổng thống Mỹ Nixon khi ông ấy quyết định thực hiện chiến dịch đó, vì lo sợ ảnh hưởng của Bắc Việt lên khu vực này

Khu vực Đông Dương gồm 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Chúng tôi rất suy nghĩ vì hai đất nước Lào, Campuchia cũng đã phải hứng chịu cuộc chiến như chúng ta, nhưng dường như trong suốt thời gian qua chúng ta không nói nhiều đến những con người ấy. Cũng là hàng triệu con người, cùng người Việt Nam hứng chịu cuộc chiến này, cùng hứng chịu bom đạn không hề ít. Mỗi người Campuchia cũng vài tấn bom, nhưng dường như chúng ta chưa quan tâm nhiều đến số phận của họ trong gia đình đấy. Với người Campuchia, chúng ta nói nhiều đến giai đoạn Polpot sau năm 1973. Còn giai đoạn 1969 đến 1973 gần như chúng ta không nhắc đến.

Nhà báo Đức Hoàng và một nhân viên rà phá bom mìn

Nhưng hình ảnh chúng tôi ấn tượng nhất là về những con người cho đến hôm nay họ vẫn phải đi gỡ bom trên đất Campuchia. Campuchia có một lực lượng dân sự để đi gỡ bom. Ở Việt Nam thì lực lượng gỡ bom là bộ đội công binh. 

Hình ảnh tôi ám ảnh nhất trong chuyến đi chính là quyển sổ liên hệ công tác ở đây. Nó gần giống như mọi quyển sổ liên hệ khác của nước ta: có tên tuổi, có cơ quan, có mục đích đến làm việc. Nhưng vì đấy là quyển sổ đi vào bãi bom của người Mỹ thả xuống, nên bên cạnh tên có một mục là nhóm máu. Lúc bấy giờ hoang mang vì khai nhóm máu làm gì, nghĩ đơn giản nhất là cho công tác cấp cứu, nhưng nặng nề nhất là để cho công tác nhận dạng. Vì người Việt không có thói quen nhớ nhóm máu của mình, người ta không quan tâm nhiều đến sức khỏe.

Mỗi người chúng tôi ghi đại một nhóm máu khác nhau. Tôi viết AB, Gia Hiền thì O, để nếu cần tiếp máu thì cũng tiện. Cả nghĩ, nếu chẳng may bom nổ, thì khai như thế chả phục vụ được cho công tác nhận dạng thi thể. Trước đấy anh em chúng tôi không hề sợ gì, vẫn chụp ảnh trước biển cấm bước vào bãi bom. Nhưng khi khai nhóm máu rồi thì bắt đầu thấy kinh. Khi đi vào con đường mòn đấy thì bắt đầu thấy sợ hãi...

Xem video: Phía Tây biên giới 40 năm sau (theo QPVN)