Nơi bầu trời lộn ngược

(ANTĐ) - Chỉ có thể liên tưởng được điều đó giữa màn đêm khi ở bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Trong màn đêm đen, những ánh sáng loang loáng trên mũ đội đầu của hàng trăm con người lom khom cần mẫn bới rác đã làm nơi đây có một bầu trời lộn ngược.

Nơi bầu trời lộn ngược

(ANTĐ) - Chỉ có thể liên tưởng được điều đó giữa màn đêm khi ở bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Trong màn đêm đen, những ánh sáng loang loáng trên mũ đội đầu của hàng trăm con người lom khom cần mẫn bới rác đã làm nơi đây có một bầu trời lộn ngược.

Nhọc nhằn cuộc sống mưu sinh
Nhọc nhằn cuộc sống mưu sinh

Những tấm thân mang hình dấu hỏi

2h30. Như thường lệ, những con đường đến bãi rác Nam Sơn nhộn nhịp như đi hội. Hàng trăm người đi xe đạp xe máy nối đuôi nhau vội vã đổ về đây. Trước cánh cổng sắt của khu xử lý rác thải Nam Sơn trong chốc lát đã chật kín người, xếp hàng dài đến vài trăm mét. Tua tủa những cán cào, cán cuốc sau lưng những khuôn mặt bịt kín mít chỉ còn lại hai con mắt liếc vào chiếc đồng hồ bên cánh cổng sắt. Đâu đó có tiếng thúc giục “ba giờ rồi, mở cổng đi!”.

Đúng 3 h. Cánh cổng sắt vừa được mở toang, gần nghìn con người ùa vào như những chiến binh xung trận. Và như thường lệ cuộc “đãi” rác từ đó cho đến lúc mặt trời ló rạng.

Sự có mặt của tôi đã khiến mọi người đổ dồn ánh mắt về phía tôi và dường như họ trở nên dè dặt hơn. “Có gì đâu mà chụp. Nghèo thì mới phải thế”- họ phản ứng khi tôi đưa máy ảnh lên chụp. Tôi biết, họ phản ứng như vậy cũng bởi sợ đưa lên báo một ngày nào đó. Trong màn đêm, tôi lần từng  bước ngắn để tìm những góc đứng để có bức ảnh lột tả cuộc sống cơ cực của họ. Đêm đen không đèn, bãi rác mênh mông tôi liên tiếp bị thụt chân xuống những hố nước rác nồng nặc, khăm khẳm. Còn họ- những người mang hình dấu hỏi vẫn mải miết bổ cào xuống để tìm kiếm.

Tấm thân mang hình dấu hỏi
Tấm thân mang hình dấu hỏi
 

Đứng giữa nơi ngập ngụa rác nhưng mùi xú uế của rác lại không phải là điểm “ấn tượng”. Cái hút mắt người lạ đến bãi rác Nam Sơn là một màu ánh sáng vàng nhờ nhờ tạo nên mảng mầu tăm tối lan khắp nơi. Hành trang của những người mót rác không ai quy định nhưng rất giống nhau. Chiếc cào sắt 2 răng, bao tải đựng đồ và cái tối quan trọng đối với họ là chiếc đèn trùm trên đỉnh đầu và bình ắc quy đeo bên hông như những người thợ mỏ.

 Hàng trăm người và bấy nhiêu chiếc đèn nhưng ít khi thấy những ánh sáng lia lên bầu trời đen ngòm. Họ cần mẫn gỡ từng chiếc túi ni lông, từng bọc rác để tìm cái gì đó có thể bán được. Cái thứ mà người này bằng mọi cách từ bỏ, quẳng đi thì lại là niềm mong mỏi, mưu sinh của người khác. Có lẽ, những tấm thân ở đây sẽ còn mang hình dấu hỏi lâu dài trong cuộc mưu sinh đầy vất vả ở vùng đất nghèo. Ở đây đa phần là những khuôn mặt hốc hác, xương xẩu, người mỏng gầy do triền miên cuộc mưu sinh trong những  đêm dài ở bãi rác. Thật là khắc nghiệt vì phải đổ bao nhiêu mồ hôi, những tấm thân cứ mòn dần đi cho miếng ăn cho từng ngày…

Rác đè lên rác

Cái gì khai thác cũng phải cạn, vậy mà đối với rác ngược lại càng ngày càng đầy. Câu nói ỡm ờ của mấy anh mót rác khiến tôi phải suy nghĩ. Mấy tay này đúc kết quả không sai. Đô thị càng phát triển thì rác càng ngập ngụa gấp bội nếu chúng ta chưa có biện pháp xứ lý hữu hiệu.

Tìm kiếm
Tìm kiếm

Những tưởng bãi rác là nơi kiếm ăn của những người tận khổ rồi thì sẽ chẳng có chuyện bon chen. Đừng tưởng đến bãi rác thích mót gì, bới gì cũng được. Có người chỉ được đi bới lại những nơi người khác đã bỏ qua. Có người chỉ được bới theo lối thẳng tiến trước mặt. Lệch sang bất cứ bên nào cũng không yên thân. Nhiều người mót rác bức xúc: “Chẳng hiểu tại sao có một số người nhận là của mình rồi đứng cai quản. Họ chỉ cho những người “đổ hàng” cho họ thì mới được mót”. Những điều vô lý ấy đã trở thành luật lệ từ khi có…rác ở Nam Sơn.

Mấy đêm ở bãi rác, tôi nhận thấy không phải ai cũng được bới rác thoải mái. Có người chỉ mon men ngoài rìa xa. Có người phải bới sau vết của người  khác. Hầu hết những người “mạnh” đã nhận hết phần. Những núi rác cao như ngôi nhà 2 tầng, chỉ từ đêm đến sáng là được san phẳng.

Trong lúc dừng để sửa đèn, anh Nguyễn Văn Tám ở xã Hồng Kỳ cho biết: “Mỗi đêm hai vợ chồng tôi cũng kiếm được 4-5 chục nghìn đồng. Ngần ấy cũng đủ chi tiêu và lo cho con cái học hành. Ngoài những phế liệu như ni lông, giấy…tôi còn kiếm cơm thừa, rau héo về chăn lợn. Người thành phố ăn uống phí lắm, cơm rau vứt lẫn hết vào rác rưởi” anh Tám bộc bạch. Tôi nhẩm tính, mỗi tối có khoảng 800 người, khi đông lên đến 1.000 người vào mót rác. Như vậy, trung bình mỗi đêm ở bãi rác người dân mót được từ 25-30 triệu đồng. Một số tiền quý giá, đặc biệt đối với vùng nghèo như huyện Sóc Sơn.

“Mỗi đêm, có khoảng 300 chuyến  ô tô rác tương đương 2.500 đến 3.000 tấn rác được đổ tại đây. Bới rác, bà con cũng có thêm thu nhập. Tuy nhiên chúng tôi rất ái ngại cho sức khoẻ của họ nhưng trước mắt chỉ biết tuyên truyền nhắc nhở về an toàn lao động”- ông Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc Xí nghiệp xử lý rác thải Nam Sơn cho biết.

Với diện tích 84.000 ha của bãi rác Nam Sơn thì việc quá tải và không còn chỗ đổ rác sẽ không còn quá xa nếu như chúng ta không có biện pháp xử lý. Tình trạng trên chỉ có thể chấm dứt khi có “cuộc cách mạng rác” như đầu tư hệ thống xử lý quy mô ở tại đây. Còn hiện tại, vẫn là cuộc mưu sinh, cuộc nhặt hót, hót nhặt liên hoàn mà kém hiệu quả. Người dân vào bãi bới rác mang ra ngoài đường, khu dân cư cân bán. Những thứ được thu mua thì không sao, những thứ không bán được họ lại vứt ở bất cư đâu. Cứ như vậy sẽ mãi là cuộc dượt đuổi giữa công nhân môi trường và người dân mà không bao giờ có hồi kết.   

Nguyễn ĐứcTuấn