Nỗi ám ảnh của nữ phu vàng

ANTĐ - Đời nữ phu vàng ban ngày ngoài việc làm cực nhọc không khác gì đàn ông, đêm đêm họ lại chịu phận chung chồng, chung vợ.

Bẫy đời

Người ta đã từng coi các bãi vàng không khác gì “địa ngục trần gian”, nhưng vẫn có rất nhiều người vì giấc mơ xa vời đã lặn lội tới đây, ném mình vào những bãi vàng, để rồi chính tại đây, nhân phẩm, tính mạng của họ bị khinh rẻ, miệt thị.

Đã gần 5 năm trôi qua kể từ thời khắc may mắn thoát khỏi một bãi vàng chui tại Phước Sơn (Quảng Nam), Trần Thị Lụa (36 tuổi), trú tại Cầu Hai, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế vẫn chưa hết ám ảnh về quãng thời gian dầm mình trong bãi vàng, nơi có những người một đi không trở lại. Những ngày tháng đó sau khi đi theo cơn sốt tìm vàng lan tỏa khắp các xóm nghèo đã biến chị đã thành một người đàn bà lực điền thực thụ.  

…Hơn 17 tuổi, Trần Thị Lụa đã nghỉ học ở nhà. Không lâu sau đó chị yêu một người đàn ông mà như lời chị kể lại, khi chị mang thai được 4 tháng, người đàn ông ấy đã “tháo chạy”. Tủi. Nhục. Đau đớn khi mang thai và sinh con, Trần Thị Lụa đã phải mưu sinh cùng với một số người bạn tại một công trường xây dựng.

Công việc nặng nhọc, đồng lương ít ỏi không đủ sống, tằn tiện đến mấy cũng không để được đồng nào gửi về nuôi con, Trần Thị Lụa rời công trường lên bãi vàng nấu cơm cho phu vàng tại Phước Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) với tiền công là 4 triệu đồng/tháng. 

“Cuộc sống nơi bãi vàng không khác gì địa ngục. Một cô gái mới lớn như tôi thời điểm đó sớm bước vào đời chẳng thể nào tưởng tượng ra được. Nơi ấy không có sóng điện thoại, điện dùng từ một tua-bin nhỏ tự phát chỉ đủ sáng một bóng đèn con nên hầu như sinh hoạt buổi tối sau bữa ăn chỉ là nói chuyện phiếm mà thôi. Ai cũng như ai, làm quần quật suốt ngày suốt đêm, cứ như những bóng ma vật vờ nơi núi rừng heo hút ấy”, Trần Thị Lụa kể lại. 

Giữa không gian heo hút của núi rừng, tiếng hoẵng kêu càng khiến đêm ảm đạm hơn. Và những câu chuyện cuộc đời của kiếp phu vàng cứ dần được bộc bạch sau mỗi chén rượu cay. “Có người đem được xác về, cũng có người biệt tăm. Cha mẹ, vợ con họ cho đến giờ chắc vẫn mòn mỏi ngóng trông. Trong cuộc mưu sinh đầy may rủi này, họ là cái giá phải trả cho những gì của núi rừng đã bị lòng tham lam của con người lấy đi” - Lụa chua xót nói. 

Được “tuyển dụng” để nấu cơm cho các phu vàng, nhưng chỉ được vài bữa, Lụa bị đẩy ra bãi, nơi các chủ bưởng sẵn sàng dùng roi da, tay chân để nói chuyện. Cứ thế, dưới những lòng suối cạn, hay trong hầm vàng giữa núi rừng, Lụa cùng những tốp phụ nữ xanh xao, tiều tụy cặm cụi đào đãi những rổ đất to để kiếm chút vàng.

“Nhà đã nghèo lại đông anh em, bố mẹ bệnh nặng, được người quen giới thiệu tôi mới tìm đến bãi vàng làm. Mới đầu, chủ bãi vàng nói sẽ thanh toán tiền hàng tháng, nhưng sau đó lại trở mặt nói đãi xong bãi vàng mới trả tiền nên có muốn về cũng không được. Cuộc sống ở đó cơ cực chẳng khác nào khổ sai. Làm quần quật từ sáng đến tối, quanh năm chủ bãi vàng chỉ cho ăn cơm với mắm và cá khô. Ở thì cơ cực nhưng đi cũng chẳng xong!”, Lụa nhớ lại.

Cứ thế, Lụa cùng hàng chục phụ nữ ngâm mình dưới dòng nước ngầu đục hóa chất để tìm vàng. Trò chuyện với tôi, Lụa vẫn không giấu nổi vẻ khắc khổ, bàn tay lở loét sâu vào tận da thịt vì nhiều tháng ngâm dưới dòng nước đục. 

Lụa tiều tụy sau những năm tháng ở bãi vàng

Đắng phận chung vợ chung chồng

Lụa cũng giống như những người đàn bà ở bãi vàng, đều làm vợ hờ của một ai đó. Người đàn bà một con này được rất nhiều phu vàng săn đón, trong đó có cả những trưởng bưởng, những tay giang hồ anh chị và cả những gã tội phạm trốn nã. Lụa thành món hàng giành giật của đám đàn ông khát thèm phụ nữ ở chốn này.

“Thôi thì xem như phận khổ vá víu vào nhau mà sống, lúc ốm đau còn có người lo lắng. Không thì cũng chôn vùi tuổi trẻ nơi đây thôi. Nhưng cái sự vá víu tạm bợ này nhiều khi cũng bẽ bàng lắm. Không ít gã đàn ông chỉ tìm đến các phu nữ để giải quyết nhu cầu của đàn ông chứ chẳng muốn gắn kết lâu dài gì…”, Lụa thở dài.

Rồi Lụa kể cho tôi nghe về những cuộc tình chóng vánh nơi bãi vàng này. Có một phu vàng tên Thiên quê Quảng Ngãi vào được đâu chừng hơn 3 tháng thì dọn về sống chung với Lụa trong căn chòi nhỏ góc đầu bãi. Nhưng rồi khi Lụa có thai, thì người này theo nhóm bạn lao vào hút chích, bao nhiêu tiền bốc vác, đào vàng cho chủ đều nướng hết vào ma túy. 

Cuộc sống gia đình tan vỡ đúng lúc đứa con ra đời. Đứa con sau ngày tan vỡ ấy cũng chưa từng biết mặt cha, vì người chồng hờ của Lụa sau đó đã chuyển sang bãi khác làm. Lụa chẳng biết tìm ở đâu, và cũng chẳng có thời gian mà đi tìm. Lụa lại gửi con về quê cho cha mẹ nuôi rồi tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh cực nhọc nơi bãi vàng.

Nhờ có chút nhan sắc nên sau một năm sinh con, Lụa lại được một tay thân tín của chủ bãi vàng để ý. Hai người dọn về sống chung với nhau được nửa năm lại tan vỡ. Nỗi ám ảnh cuộc sống chung chạ tạm bợ như hằn sâu vào tâm khảm, khiến giờ mỗi khi nhắc lại Lụa vẫn còn cảm thấy sợ hãi.

Không riêng gì hai người “chồng” kia, Lụa còn có nhiều cuộc tình chóng vánh trong bãi vàng này. Những cuộc tình cứ đến rồi lại đi, bởi chẳng có gì ràng buộc nhau. Thế nên Lụa vừa làm “vợ” một phu vàng này, tháng sau đã lại thấy sống chung với một phu vàng khác. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn không lối thoát.

Trôi nổi trong bãi vàng gần 10 năm, Lụa chấp nhận làm vợ hờ của những gã đàn ông, chỉ bởi để có người nương tựa lúc đau ốm, có người bảo vệ mỗi khi ở bãi. Hơn nữa cũng được “chồng” chia ít thành quả khi trúng “lộc”. Thân đàn bà con gái, nếu không bám víu vào một ai đó thì chuyện bị các phu vàng tới cưỡng bức là điều không thể tránh khỏi. 

Lụa không nhớ mình làm vợ của bao nhiêu người. Có người Lụa làm vợ nửa năm, có người lâu hơn, nhưng rồi rốt cục cũng chia lìa. Giờ thì Lụa là mẹ của 4 đứa con, mà mỗi đứa là một người cha khác nhau ở cái bãi vàng ấy.

Gần 10 năm ngụp mình ở bãi vàng, Lụa cứ như người điên. Cứ mỗi khi nhắm mắt lại, những cơn ác mộng lại ập đến. Có đêm đang ngủ chợt tỉnh giấc hét toáng lên vì sợ hãi. Nếu không sớm dứt khỏi bãi vàng, Lụa chắc đã chết ở đâu đó rồi. Lụa gọi đó là “nỗi khổ của tận cùng nỗi khổ” vì chẳng biết đâu là lối thoát.

Vàng đâu chẳng thấy, lời hứa về một cuộc sống sung túc như các ông chủ nói cũng chẳng thấy đâu, chỉ thấy những chiếc lán tạm bợ chìm khuất trong một không gian u uẩn của rừng già và nỗi niềm của người phu nữ. Tuổi xuân đã qua hết, Lụa đã quay về, nhưng vẫn đối mặt với muôn vàn khó khăn. Cuộc đời vẫn chưa thôi hành hạ người đàn bà này.

(*Tên nhân vật đã được thay đổi)